Thảm kịch tàu Soyuz 11 - những cái chết đầu tiên trong vũ trụ

Thu Hằng |

Sứ mạng vũ trụ dài kỷ lục trong lịch sử lẽ ra kết thúc trong sự chào đón đầy tự hào của hàng triệu người dân Xô viết cuối cùng lại biến thành một bi kịch với cái chết của toàn bộ ba phi hành gia.

sRạng sáng ngày 30/6/1971, cả đất nước Liên Xô chuẩn bị chào đón ba nhà du hành vũ trụ anh hùng trở về Trái đất sau hành trình dài kỷ lục ngoài vũ trụ. 

Phi hành đoàn tàu Soyuz 11, gồm Georgi Dobrovolski, Vladislav Volkov và Viktor Patsayev, không chỉ lập kỷ lục với hơn 23 ngày trên quỹ đạo, mà còn là những người đầu tiên đặt chân lên trạm vũ trụ chính thức đầu tiên của thế giới.

Họ đã phá kỷ lục chuyến bay vào vũ trụ dài nhất (18 ngày) do một phi hành đoàn Soyuz khác lập vào năm 1970 và gần như gấp đôi kỷ lục của tàu vũ trụ Mỹ, Gemini 7.

Phi thuyền Soyuz 11 nặng hơn 6,7 tấn. Tàu gồm ba phần chính: modul quỹ đạo, module thiết bị và module hạ cánh, và chỉ có module hạ cánh, chở theo các nhà du hành, mới quay trở về Trái đất. Theo kế hoạch, trước khi đạt độ cao hợp lý, các con vít sẽ tự động bung ra để tách module thiết bị và module quỹ đạo khỏi module tiếp đất.

Cú hạ cánh của tàu Soyuz 11 được điều khiển tự động hoàn toàn, từ phóng rocket nhiên liệu rắn đến bật dù để module hạ cánh “tiếp đất mềm”. Vào 2h16 phút ngày 30/6/1971 (theo giờ Moskva), phương tiện này đáp xuống một thảo nguyên bằng phẳng của Kazakhstan.

Nhưng khi đội cứu hộ tiếp cận bên trong khoang tàu, họ không thể giấu nổi nỗi kinh hoàng bật lên trên khuôn mặt trước cảnh tượng bên trong.

“Họ gõ vào thành module và không thấy có bất cứ phản ứng gì từ bên trong. Khi mở cửa, họ phát hiện cả ba người đàn ông ngồi trên ghế, bất động, với những vết tím bầm trên mặt, máu trào ra ở tai và mũi. Họ đưa các phi hành gia ra khỏi module hạ cánh.

Cơ thể Dobrovolski vẫn còn ấm. Các bác sĩ đã hô hấp nhân tạo cho anh. Theo các báo cáo thì nguyên nhân cái chết là do nghẹt thở…”, cựu phi hành gia Alexei Yeliseyev kể lại.

Video đội cứu hộ hô hấp nhân tạo cho các phi hành gia sau khi đưa họ ra khỏi module hạ cánh của tàu Soyuz 11:

tausoyuz

Không ai có thể choáng váng hơn Nikolai Kamanin, chỉ huy của đội tàu vũ trụ, và Alexei Yeliseyev, người đã đau đớn nhận tin buồn từ đội cứu hộ chỉ qua ba con số: 1-1-1.

Những con số nói lên rằng, toàn bộ 3 thành viên phi hành đoàn đã thiệt mạng. Yeliseyev sau này giải thích, bộ mã 5 số từ 5 đến 1 thể hiện tình trạng sức khỏe của các nhà du hành vũ trụ: số 5 cho thấy họ đang trong tình trạng tuyệt vời; số 4 – tình trạng tốt; số 3 - bị thương nhẹ; số 2 – bị thương nghiêm trọng và số 1 – tử vong. Tin nhắn gồm ba số 1 có nghĩa cả ba nhà du hành đã qua đời.

Thảm kịch tàu Soyuz 11 - những cái chết đầu tiên trong vũ trụ - Ảnh 2.

Phi hành đoàn tàu Soyuz 11 gồm: Georgi Dobrovolski (trái), Vladislav Volkov (phải) và Viktor Patsayev (giữa)

Lập tức Yeliseyev, Kamanin và cựu phi hành gia Vladimir Shatalo bay thẳng tới Kazakhstan. Khi Shatalov và Yeliseyev tới nơi, các thi thể đã được đưa khỏi điểm hạ cánh.

Yeliseyev đứng đó, mắt nhòa lệ, đầu rối bời những câu hỏi: tại sao một cú hạ cánh tuyệt đẹp, module tiếp đất vẫn trong tình trạng tốt, một sứ mạng phi thường, thời tiết thuận lợi, bãi đáp bằng phẳng, mà những phi công của ông lại phải chết. Liệu có điều gì xảy ra sau khi tách khỏi trạm hay không? Ông day dứt với những câu hỏi đó và tự trách mình.

Tới thời điểm tổ chức lễ tang cấp nhà nước cho ba phi hành gia anh hùng thì mới rõ thêm nhiều thông tin về nguyên nhân cái chết của họ là vấn đề kỹ thuật bên trong tàu vũ trụ, chứ không phải do tình trạng sức khỏe thể chất của cá nhân họ hay việc cả ba sống trong môi trường không trọng lực quá lâu như giải thích ban đầu.

Cabin chứa ba phi hành gia đã bị giảm áp do một van thông khí giữa module quỹ đạo và module hạ cánh bị bật ra trong quá trình tách rời, để module hạ cánh trở về Trái đất.

Vào thời điểm hai module tách khỏi nhau, những quả tên lửa chứa nhiên liệu rắn của tàu Soyuz đã cùng nhau nổ, thay vì phải lần lượt và lực đẩy khổng lồ đã khiến valve cân bằng áp suất bị nhả ra quá sớm, trong lúc module chưa xuống tới độ cao cho phép. Việc hạ áp suất quá nhanh ở độ cao lớn đã khiến cả ba phi hành gia tử vong chỉ trong vòng 30 giây.

Thảm kịch tàu Soyuz 11 - những cái chết đầu tiên trong vũ trụ - Ảnh 3.

Quang cảnh tang lễ ba phi hành gia tử nạn. Ảnh: spacesafetymagazine

Dựa trên dữ liệu từ thiết bị lưu trữ trên module, các nhà điều tra xác định được rằng, moduel quỹ đạo và module thiết bị đã tách rời ở độ cao khoảng 80 dặm (gần 130km) và kéo dài chỉ trong 0,06 giây. 

"Áp lực nằm ở module hạ cánh đã bắt đầu giảm nhanh đúng vào thời điểm đó. Vào lúc 1:47:26,5 sáng (theo giờ Moskva), hai giây trước khi tách khỏi module quỹ đạo, áp lực trong module hạ cánh là 915mm thủy ngân - mức bình thường.

Nhưng khoảng 115 giây sau, áp lực giảm xuống còn 50mm thủy ngân và tiếp tục giảm. Vì thế không còn một chút không khí nào trong cabin", cựu phi hành gia Ivanovich viết trong cuốn hồi ký "Hai phía của Mặt trăng".

Vị trí của các thi thể trong module hạ cánh cũng cho thấy Dobrovolski và Patsayev đã cố gắng đóng van, nhưng không thể phản ứng đủ nhanh. Ngay lúc các module quỹ đạo và module thiết bị tách ra, mạch của các phi hành gia đã dao động mạnh: từ 78-85 với Dobrovolski; 92-106 với Patsayev và 120 với Volkov;

Vài giây sau khi họ ý thức được tình trạng rò rỉ khí, mạch lại tăng vọt lên: Dobrovolski lên 114, Volkov lên 180. Rồi 50 giây sau khi hai module tách rời, mạch của Patsayev giảm còn 42, cho thấy cơ thể thiếu oxy nghiêm trọng và sau 110 giây thì cả ba trái tim đều ngừng đập.

Một trong những điều đáng tiếc là nếu Dobrovolski, Volkov và Patsayev được trang bị những bộ quần áo du hành vũ trụ khi trở về Trái đất, họ có thể đã sống sót.

Thiếu sót đó sau này được khắc phục với việc thế hệ tàu Soyuz tiếp theo được cải tiến mở rộng module hạ cánh, cho phép các phi hành gia mặc bộ quần áo du hành vũ trụ để trở về (mà ba nhà du hành xấu số đã không mặc trên tàu Soyuz 11 do không gian quá chật).


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại