Thảm kịch nổ tàu lặn Titan diễn ra như thế nào?

Châu Anh |

Vẫn còn quá sớm để kết luận vụ nổ đã xảy ra khi nào nhưng dựa vào các mảnh vỡ, có thể thấy tàu Titan đã trải qua một "vụ nổ thảm khốc".

Ngày 22/6, Chuẩn Đô đốc lực lượng Tuần duyên Mỹ John Mauger cho biết chiếc tàu lặn Titan chở 5 người khám phá xác tàu đắm Titanic hôm 18/6 đã gặp phải một "vụ nổ thảm khốc" và bị phá hủy trong thời gian tính bằng mili giây.

Các mảnh vỡ từ phần đuôi của tàu lặn Titan đã được tìm thấy ở cách Titanic khoảng 500m bởi một phương tiện điều khiển từ xa dưới nước (ROV).

Tàu lặn Titan có kích thước 6,7 m x 2,8 m x 2,5 m, nặng 10.432 kg, được làm từ sợi carbon và titan. Titan được thiết kế để chở một người lái và 4 hành khách. Tàu có thể di chuyển ở tốc độ tối đa 5,556 km/h và lặn xuống độ sâu 4.000 m dưới mực nước biển.

Thảm kịch nổ tàu lặn Titan diễn ra như thế nào? - Ảnh 1.

Khoang kháng áp của tàu Titan là cấu trúc đặc biệt hình ống. Trong khoang không có ghế, hành khách phải ngồi bệt trên một sàn phẳng. Họ quan sát mọi thứ bên ngoài qua một ô cửa kính hoặc các màn hình kết nối với camera độ phân giải cao xung quanh.

Ở khu vực xác tàu Titanic nằm ở độ sâu 3.800m, áp suất nước biển đạt tới mức gấp 380-400 lần áp suất khí quyển trên bề mặt Trái đất, tức gần 6.000 psi. Áp suất này khiến mỗi m2 trên thân tàu Titan chịu sức ép khoảng 4.200 tấn. Dưới sức ép đó bất kỳ khiếm khuyết nào ở thân tàu hay sự cố nào đều có thể khiến cấu trúc tàu bị sụp đổ và lập tức bị ép bẹp thành nhiều mảnh.

Thảm kịch nổ tàu lặn Titan diễn ra như thế nào? - Ảnh 3.

Theo chuyên gia, thân tàu Titan có thể bị hư hỏng khi nó phải chịu áp suất cao dưới lòng biển và dẫn đến vụ nổ.

Nhà hải dương học Bob Ballard cho rằng, vụ nổ của tàu lặn tạo ra một lực rất lớn và xé nhỏ mọi thứ theo đúng nghĩa đen.

Theo Scientific American, "vụ nổ thảm khốc" đã khiến tàu lặn Titan bị xé nát trong vài mili giây (mỗi mili giây bằng 1/1.000 giây). Khi tàu nổ, những người ở trong khu vực điều áp, sẽ thiệt mạng gần như ngay lập tức.

Những vụ đắm tàu, phà kinh hoàng nhất trong lịch sử

Năm 1865 - SS Sultana (Hoa Kỳ): Ngày 27/4/1865, tàu SS Sultana đã phát nổ trên sông Mississippi. Đây được coi là vụ tai nạn hàng hải nghiêm trọng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Số người thiệt mạng được thống kê là 1.547 người.

Năm 1912 - RMS Titanic (Anh) Vụ đắm tàu xảy ra vào ngày 14 và 15/4/1912. Sau khi va chạm với một tảng băng trôi, tàu Titanic đã chìm xuống biển sau chưa đầy 3 tiếng đồng hồ. Số người thiệt mạng trong thảm họa này là 1.514 người.

Năm 1948 - SS Kiangya (Trung Quốc): Ngày 4/12/1948, khi cách Thượng Hải 80km về phía Bắc, đoạn cửa sông Hoàng Phố, tàu SS Kiangya bất ngờ va phải mìn khiến phần đuôi tàu bị nổ. Số người thiệt mạng lên đến 3.920 người, phần lớn hành khách đi tàu là những người chạy nạn trong cuộc nội chiến ở Trung Quốc lúc bấy giờ. Ước tính có khoảng 700 đến 1.000 người đã được các thuyền khác cứu sống.

Phà MV Joola: MV Le Joola là một chiếc phà của chính phủ Senegal bị lật ngoài khơi Gambia ngày 26/9/2002. Vụ việc đã dẫn tới cái chết của ít nhất 1.863 người có mặt trên phà lúc nó gặp nạn.

Năm 1987 - MV Dona Paz (Philippines): Ngày 20/12/1987, Dona Paz đang trên đường từ đảo Leyte đến thủ đô Manila (Philippines) thì đâm phải tàu chở dầu Vector. Tuy số người thiệt mạng được công bố chính thức là 1.749 người nhưng trên thực tế, số người tử vong lên đến hơn 4.300 người do có nhiều hành khách đi vé lậu.

Năm 2002 - MV Le Joola (Senegal): Ngày 26/9/2002, chiếc phà MV Le Joola của Senegal bị lật úp ngoài khơi Gambia (phía Tây châu Phi) và cướp đi sinh mạng của ít nhất 1.863 người.

Vụ nổ cảng Halifax: Xảy ra ngày 6/12/1917 tại thành phố Halifax, Nova Scotia, Canada, khi một con tàu chở đầy thuốc nổ mang quốc tịch Pháp đã vô tình va chạm với một chiếc tàu của Na Uy trong khu vực cảng Halifax. Nó đã gây ra một vụ nổ kinh hoàng làm rung chuyển thành phố Halifax, đồng thời khiến gần 2.000 người chủ yếu là người Canada bị thiệt mạng. Hầu hết các trường hợp tử nạn được báo cáo là do hỏa hoạn, mảnh vụn văng và sự sụp đổ của các tòa nhà nằm gần bến cảng. Người ta ước tính, ngoài 1.950 người thiệt mạng, có tới 9.000 người khác bị thương trong vụ việc. Đây được coi là một trong những vụ nổ nhân tạo lớn nhất thế giới mà không phải do vũ khí hạt nhân gây ra.

Những xác tàu chìm dưới độ sâu lớn nhất thế giới từng được phát hiện

USS Samuel B

Xác tàu chìm dưới độ sâu lớn nhất thế giới là USS Samuel B. Roberts, còn gọi là "Sammy B". Con tàu được phát hiện bởi nhà thám hiểm người Mỹ Victor Vescovo vào tháng 6/2022, ở độ sâu 6.895 m dưới Biển Philippines. USS Samuel B. Roberts bị chìm khi tham gia giai đoạn cuối cùng của Trận chiến vịnh Leyte năm 1944, khiến 89 người thiệt mạng.

USS Johnston

Ngày 25/10/1944, USS Johnston, tàu khu trục của Hải quân Mỹ bị chìm sau trận chiến với quân đội Nhật trong Thế chiến II. Đến năm 2019, xác tàu được phát hiện nằm dưới độ sâu 6.456 m, bằng khoảng 15 tòa nhà Empire State xếp chồng lên nhau, ngoài khơi đảo Samar, Biển Philippines và đến năm 2021 được xác nhận chính thức. Sau khi tìm thấy tàu, nhóm chuyên gia cho biết, xác tàu đã bị phá hủy hoàn toàn chỉ còn những mảnh vụn.

SS Rio Grande

SS Rio Grande là tàu của Đức trong Thế chiến II bị chìm xuống độ sâu khoảng 5.762 m do bị máy bay chiến đấu của Mỹ tấn công vào năm 1944. Đến năm 1996, con tàu được tìm thấy cách bờ biển Brazil gần 1.000 km. Các mảnh vỡ và vật dụng của con tàu hiện vẫn bị cuốn dạt vào bờ biển.

Tàu SS City of Cairo

Năm 1942, con tàu bị tàu ngầm Đức Quốc xã tấn công bằng ngư lôi và chìm ở độ sâu 5.150 m dưới Đại Tây Dương cùng 136 hành khách và khoảng 100 tấn đồng xu bạc. Năm 2015, người ta đã trục vớt được số đồng xu này và hiện về chính phủ Anh với ước tính trị giá khoảng 34 triệu bảng Anh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại