Thảm họa sóng nhiệt sẽ tiếp diễn

Thy An |

Ngày 19/7 vừa qua, “thành phố mưa phùn gió bấc” London (Anh) chạm ngưỡng 40 độ C.

Thảm họa sóng nhiệt sẽ tiếp diễn - Ảnh 1.

Cư dân "thành phố mưa phùn gió bấc" London khổ sở vì sóng nhiệt bất ngờ.

Hệ thống cơ sở hạ tầng, vì không được thiết kế chịu nhiệt, gần như tê liệt. Người dân đổ xô mua các thiết bị làm mát, khiến mục tiêu "khí thải về 0" lung lay.

Tê liệt vì nhiệt

Đối với phần lớn thế giới, 40 độ C không phải ngưỡng nhiệt độ cao bất thường. Tại các thành phố như Cairo (Ai Cập), Dubai (Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất), Delhi (Ấn Độ), Perth (Úc)… nóng trên 40 độ C là chuyện thường thấy. Vào năm nóng kỷ lục 2022 này, khu vực Nam Á còn phải chịu đựng cái nóng lên đến 50 độ C.

Vì sống chung với nhiệt độ cao, cư dân xứ nóng thông thạo đa dạng cách đối phó. Ngay cả cơ thể của họ cũng thích nghi với nóng, chống chịu sóng nhiệt tốt hơn. Hệ thống cơ sở hạ tầng cũng được thiết kế chịu nhiệt, vận hành tương đối tốt.

Vương quốc Anh nổi tiếng thời tiết ôn hòa và nhiều mưa. Ngay cả trong mùa hè, Thủ đô London cũng hiếm khi vượt qua 30 độ C. Cư dân không cần quan tâm mua quạt hay máy lạnh. Tuy nhiên, tất cả đã đổi khác.

Trong đợt nóng lên kỷ lục tháng 7 vừa qua, Anh quốc hỗn loạn. Hệ thống đường ray cắt ngang, xẻ dọc khắp Thủ đô cho thấy bị tác động nghiêm trọng đầu tiên. Các đoàn tàu không dám chạy với vận tốc bình thường, sợ nhiệt độ kèm với ma sát gây xô lệch, hỏng đường ray. Ngay cả máy bay cũng phải ngừng cất cánh, vì đường băng bị nóng làm chảy.

Đội cứu hỏa London tất bật hơn bao giờ hết, chạy ngược chạy xuôi dập hỏa hoạn tứ phương. Dịch vụ cứu thương vốn đã bơ phờ vì đại dịch Covid-19 buộc phải gắng gượng nỗ lực gấp đôi, bởi các sự cố liên quan sóng nhiệt gia tăng gấp 10 lần.

Bên cạnh Anh, gần như toàn bộ miền Nam châu Âu cũng rơi vào khủng hoảng. Nắng nóng gây cháy rừng khắp Pháp, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Bồ Đào Nha. Tại Gironde (Pháp), khoảng 32 nghìn người buộc phải sơ tán. Tại Tây Ban Nha, cháy rừng khiến dịch vụ đường sắt Madrid – Galicia phải tạm ngừng.

Thảm họa sóng nhiệt sẽ tiếp diễn - Ảnh 2.

Hỏa hoạn đang bùng phát khắp miền Nam châu Âu.


Nóng và chỉ nóng hơn

Theo ước tính mới nhất, Trái đất đã nóng hơn khoảng 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. So với các châu lục còn lại, châu Âu đặc biệt dễ bị tổn thương. Các đợt nắng nóng tăng gấp 3 – 4 lần so với các địa điểm khác cùng vĩ độ, ví dụ như Mỹ hay Trung Quốc. Tại Pháp và Hà Lan, nguy cơ xảy ra sóng nhiệt cao gấp 100 lần.

Thời tiết nóng bức làm đất đai mất độ ẩm, thảm thực vật khô héo, cháy rừng trên diện rộng. Nó không chỉ tàn phá hệ sinh thái trên cạn, mà còn tác động nghiêm trọng đến cuộc sống dưới nước. Theo dữ liệu quan sát khí hậu phía Tây biển Địa Trung Hải, nhiệt độ nước đang ấm hơn từ 5 – 7 độ C, gây căng thẳng cho các sinh vật biển. Sản lượng đánh bắt hải sản giảm, đe dọa an ninh lương thực khu vực.

Đối với sức khỏe con người, sóng nhiệt ảnh hưởng trực tiếp lên tất cả, nhẹ thì mất nước, nặng thì say nắng và tệ nhất là không thể hạ nhiệt (gây chết người). Vào đợt nắng nóng năm 2003, châu Âu mất hơn 72 nghìn người.

Châu Á, mặc dù đã quen với nắng nóng, vẫn khốn khổ vì đợt nắng nóng chưa từng có. Tháng 3 vừa qua, Ấn Độ chứng kiến đợt nóng nhất kể từ năm 1901. Tháng 4,

Pakistan chạm mức 49 độ C. Tháng 6, Tokyo (Nhật Bản) rơi vào nắng nóng nhất kể từ năm 1875. Phần lớn Trung Quốc không tránh khỏi bị thiêu đốt trong nắng nóng trên 40 độ C.

Năm 2015, các quốc gia trên thế giới đã ký cam kết hạn chế nóng lên toàn cầu, đặt mục tiêu chỉ nóng lên tăng đến 1,5 độ C vào năm 2050. Dự đoán, nếu các quốc gia không tuân thủ cam kết, mức nóng tăng toàn cầu có thể vượt 2 độ C.

Thời kỳ tiền công nghiệp, nguy cơ sóng nhiệt chỉ xảy ra tầm 1 lần/10 năm. Bây giờ, nguy cơ này đang ở mức 4,1 lần/10 năm. Nếu Trái đất nóng lên 2 độ C, nó sẽ tăng lên thành 5,6 lần/10 năm.

"Chậm là… chết"

Thảm họa sóng nhiệt sẽ tiếp diễn - Ảnh 4.

Nhiều nông dân có nguy cơ phải bỏ canh tác nông nghiệp.


Nắng nóng tấn công không chừa một ai hay quốc gia nào. Đối với các đất nước thuộc vùng ôn hòa như Anh, vấn đề cấp bách nhất là cải thiện cơ sở hạ tầng vốn không có khả năng chịu nhiệt. Đây là việc làm có thể mất hàng thập kỷ, đòi hỏi nguồn kinh phí khổng lồ.

Anh đang nỗ lực vươn tới mục tiêu "khí thải về 0". Theo các nhà nghiên cứu, họ còn cách rất xa đích đến. Ngày 23/7, một đoàn biểu tình vì sức khỏe hành tinh đã diễu hành khắp London và Glasgow. Họ yêu cầu chính phủ hãy đánh thuế mạnh tay đối với những cá nhân, tập thể gây ô nhiễm lớn, ngừng cấp giấy phép mới cho sản xuất nhiên liệu hóa thạch và hỗ trợ các hộ gia đình cách nhiệt trong mùa đông.

Tại các quốc gia đã quen với nắng nóng, sóng nhiệt vẫn tác hại trầm trọng. Một số thành phố ở Trung Quốc buộc phải tắt đèn đường, tăng giá điện vì mạng lưới năng lượng bị quá tải, dẫn đến thiếu điện dùng.

Trên tất cả, nắng nóng hủy hoại nông nghiệp, buộc nông dân phải chuyển đến các thành phố tìm kiếm sinh kế mới. Đất đai bị bỏ hoang càng thêm khô hạn, phát sinh hỏa hoạn.

Nhìn chung, biến đổi khí hậu sẽ không dừng lại. Trái đất chỉ ngày càng nóng lên, cả ở nhiệt độ khí hậu lẫn "nhiệt độ chính trị". Chúng ta cần và bắt buộc phải cắt giảm lượng khí thải, đồng thời tập thích ứng dần với một thế giới nóng lên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại