Thảm họa của sinh vật ngoại lai với hệ sinh thái Việt Nam

VIỆT VŨ |

Sinh vật ngoại lai xâm hại là loài chiếm nơi sinh sống hoặc gây ảnh hưởng xấu đến những loài sinh vật bản địa của vùng đó, làm mất đi sự cân bằng sinh thái.

Theo Luật đa dạng sinh học Việt Nam 2008, sinh vật ngoại lai là loài xuất hiện, sinh trưởng và phát triển ở khu vực mà vốn không phải là môi trường sống tự nhiên của chúng. Sinh vật ngoại lai xâm hại là loài chiếm nơi sinh sống hoặc gây ảnh hưởng xấu đến những loài sinh vật bản địa của vùng đó.

Sinh vật ngoại lai nguy hiểm thế nào?

Sinh vật ngoại lai xâm hại có thể xâm nhập vào nước ta bằng nhiều con đường. Chẳng hạn như nhập khẩu chúng với mục đích phục vụ trong việc sản xuất, kinh doanh, nuôi trồng, phục vụ khoa học hoặc có thể là do du nhập không chủ đích là bám vào các phương tiện vận tải.

Loài này có điểm chung là sinh sản nhanh chóng; khả năng cạnh tranh nguồn thức ăn, nơi sinh sống rất lớn; biên độ sinh thái của loài ngoại lai rộng, chúng thích ứng nhanh chóng với những thay đổi của môi trường.

Sinh vật ngoại lai để lại rất nhiều tiêu cực như cạnh tranh thức ăn, nơi cư trú với các loài sinh vật bản địa; làm giảm tính đa dạng sinh học trong các hệ sinh thái; cản trở sự tái sinh tự nhiên của những loài bản địa do khả năng sinh trưởng và phát triển nhanh với mật độ dày đặc của loài ngoại lai; lai giống với những loài sinh vật bản địa, làm suy giảm nguồn gen.

Đối với loài ngoại lai có khả năng thụ tinh chéo, sinh vật ngoại lai làm rối loạn hệ thống gen của sinh vật bản địa và cạnh tranh, tiêu diệt dần loài bản địa, dẫn đến sự thay đổi, suy thoái hoặc tiêu diệt luôn cả hệ sinh thái bản địa. Đặc biệt, sinh vât ngoại lai có thể truyền bệnh và kí sinh trùng.

Hiện tại, Việt Nam có rất nhiều sinh vật ngoại lai. Trong đó ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ sinh thái nhất chính là ốc bươu vàng và cây trinh nữ đầm lầy.

Những sinh vật ngoại lai ảnh hưởng xấu hệ sinh thái Việt Nam

Cây trinh nữ đầm lầy (cây mai dương) có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới châu Mỹ, du nhập vào châu Á từ cuối thế kỉ 19. Nó bắt đầu phát tán vào Việt Nam năm 1979 tại Mộc Hóa, Long An. Hiện loài này xuất hiện trên cả nước.

Cây mai dương khi sinh sôi mạnh tạo thành một thảm cây bụi cao, làm cho các loài cây khác không phát triển được. Cây cao đến 6 m, phân thành nhiều nhánh, thân và cành có nhiều gai nhọn; từ lúc hạt nảy mầm đến lúc cây ra hoa khoảng 6 - 8 tháng. Trái của loài có màu nâu, chứa từ 14 đến 26 hạt. Một cây sản sinh được 9.000 hạt. Hạt rất dễ phát tán theo gió hay trôi theo dòng nước, có thể giữ sức nảy mầm trên 20 năm.

Cây mai dương xếp vào danh sách 100 loài thực vật ngoại lai nguy hiểm nhất thế giới do sức sống, sức phát triển nhanh chóng của chúng. Thân mai dương có chứa mimosin, một loại axit amin có thể gây độc hại đối với nhiều loại động vật.

Thảm họa của sinh vật ngoại lai với hệ sinh thái Việt Nam - Ảnh 1.

Cây mai dương.

Cây Mai dương sẽ cạnh tranh và dần dần tiêu diệt các loài cây khác, nhất là các loài thảo mộc, các loài thực vật phát triển ở tầm thấp. Đối với những vùng trồng lúa nước và hoa màu, loài cây này sẽ cản trở việc làm đất và chăm sóc các loại cây trồng. ở những khu vực mà loài cây này mọc dày đặc với mật độ phủ kín thì không loài cây, loài động vật nào sống được dưới tán của chúng.

Đứng thứ 2 là ốc bươu vàng, sinh vật này được coi là "thảm họa" đối với môi trường Việt Nam. Loài sinh vật ngoại lai xâm hại này có nguồn gốc từ Nam Mỹ, sinh sống ở những vùng đầm lầy. Loài này bắt đầu du nhập vào nước ta từ trước năm 1985. Ốc bươu vàng chính là ký chủ trung gian lây truyền sán phổi từ chuột sang người.

Trong điều kiện sinh thái thuận lợi, phù hợp, ốc bươu vàng sinh trưởng và phát triển với tốc độ chóng mặt, nhanh chóng trở thành dịch hại cho nhiều loại cây trồng, điển hình là cây lúa.

Tiếp đến là Lục bình hay còn gọi là bèo tây, bèo lục bình, bèo Nhật Bản bắt đầu di nhập vào nước ta năm 1902. Loài này phát triển và sinh trưởng với tốc độ nhanh, phủ kín mặt nước trong thời gian ngắn nếu điều kiện thuận lợi.

Khi bèo lục bình thối mục sẽ làm giảm lượng oxy hòa tan trong nước gây chế cá và những loài thủy sinh khác. Bên cạnh đó lục bình còn cản trở giao thông đường thủy, làm giảm sức tưới tiêu, chậm dòng chảy, giảm khả năng phát điện và làm tăng kinh phí bảo trì các hồ chứa nước.

Ngoài ra, Việt Nam còn rất nhiều sinh vật ngoại lai gây hại khác. Đơn cử như sâu róm thông, cây bông ổi, ốc sên, chuột hamster, rùa tai đỏ,....

Bộ NN-PTNT mới đây có công văn hỏa tốc đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các ban ngành có liên quan tổ chức kiểm tra, xử lí nghiêm các trường hợp vi phạm liên quan đến tôm hùm đất.

Bộ NN-PTNT khẳng định đây là loài thủy sinh có nguồn gốc ngoại lai, ăn tạp sống bò dưới đáy, ưa đào hang, hoạt động về đêm và có sức chống chịu, thích nghi cao. Loài tôm này vừa phá hại lúa, tiêu diệt tôm bản địa, vừa có thể là nguồn gây bệnh cho các loài sinh vật khác.

Đây là loài tôm không có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam và được xác định là loài ngoại lai xâm hại. Việc kinh doanh, tiêu thụ loài này là vi phạm quy định về đa dạng sinh học và thủy sản.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại