Thảm họa cháy tàu ngầm, 14 thủy thủ thiệt mạng: Cú sốc cho Hải quân Nga và phép thử với Tổng thống Putin

Song Hy |

Thảm kịch với tàu ngầm làm 14 thủy thủ thiệt mạng là mất mát to lớn với Hải quân Nga, cũng đồng thời là phép thử cho các chương trình tuyệt mật của ông Putin.

Hơn 10 năm sau thảm kịch rò rỉ khí freon làm 20 thủy thủ thiệt mạng trên tàu ngầm Nerpa, Hải quân Nga mới lại chứng kiến một tai nạn với tàu ngầm nghiêm trọng đến vậy.

14 thủy thủ thiệt mạng do bị ngạt khói sau khi một tàu lặn khảo sát nước sâu phát nổ trong lúc thực hiện khảo sát quân sự ở biển Barents.

Bộ Quốc phòng Nga không công bố thông tin về con tàu gặp nạn nhưng theo các chuyên gia quân sự, nó có thể là tàu ngầm do thám Losharik, một trong những khí tài dưới biển bí mật nhất mà Nga nghiên cứu và phát triển nhiều năm qua.

Thảm họa cháy tàu ngầm, 14 thủy thủ thiệt mạng: Cú sốc cho Hải quân Nga và phép thử với Tổng thống Putin - Ảnh 1.

Một tàu ngầm của Hải quân Nga. (Ảnh: Rferl)

Theo ABC News, các thủy thủ thiệt mạng được biên chế trong một đơn vị bí mật đóng quân ở St Petersburg, chịu trách nhiệm vận hành các "trạm nước sâu tự động" thuộc dự án Losharik.

Con số thương vong cụ thể cũng như thâm niên công tác của các nạn nhân thiệt mạng không được công bố. Daily Mail nói rằng chỉ có 4 người còn sống sau thảm họa hôm 1/7.

Thông báo từ Bộ Quốc phòng Nga khẳng định con tàu gặp nạn khi đang đo sinh trắc học tại vùng biển thuộc lãnh hải Nga, nhưng giới quan sát cho rằng nhiệm vụ thực tế của nó không đơn giản như vậy.

ABC News đặt giả thiết có thể con tàu đang tham gia vào thử nghiệm bí mật siêu ngư lôi sát thủ Poseidon của Nga. The Drive thì cho rằng vụ nổ có thể xảy ra trên tổ hợp tàu ngầm hạt nhân do thám tuyệt mật của Nga bao gồm Losharik và BS-64 "Podmoskovye", trong đó Losharik nắm vai trò như thiết bị phụ trợ.

Nga trong quá khứ từng chứng kiến không ít các thảm kịch liên quan tới các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân như RFS Kursk Oscar II năm 2000 hay Nerpa năm 2008.

Nhưng tai nạn lần này xảy ra đối với một khí tài được thiết kế đặc biệt, hoạt động trong môi trường vật lý khắc nghiệt, trong đó sự an toàn và chuyên nghiệp của phi hành đoàn là chìa khóa để tồn tại và thành công.

Tổng thống Putin trong những tuyên bố đầu tiên về vụ việc thừa nhận nước Nga đã mất đi 7 Đại tá và 2 Anh hùng. Điều này cho thấy thủy thủ đoàn trên tàu đều là các quân nhân dạn dày kinh nghiệm và được tuyển chọn hết sức quy củ.

Việc mất đi cùng một lúc các cá nhân ưu tú như vậy là một mát mát to lớn với Hải quân Nga. Nó cũng tương đương với sự hy sinh của các phi hành gia trong các nhiệm vụ khám phá vũ trụ, theo ABC News.

"Phải mất rất nhiều năm để đào tạo cho tới khi họ sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Công việc thay thế sẽ hao tổn rất nhiều thời gian và công sức. Nhưng hơn cả là sự mất mát, nỗi đau không thể đo đếm ở lại với thân nhân những người tử nạn", ABC News cho hay.

Một trong những vấn đề được quan tâm nhất hiện nay là liệu chính phủ Nga sẽ gợi mở bao nhiêu về chương trình tàu ngầm bí mật của mình kể cả khi điện Kremlin khẳng định không có kế hoạch công bố nguyên nhân thảm kịch hôm 1/7.

Nó cũng sẽ là thử thách lớn với Tổng thống Putin và Hải quân Nga khi mà Lễ kỷ niệm Ngày Hải quân Nga 31/7 đang đến gần. Người ta liệu có "khởi binh vấn tội" nhà lãnh đạo Nga về mức độ an toàn của các thử nghiệm tuyệt mật mà ông đang cho thực hiện?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại