Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) cảnh báo mưa lớn, lở đất và gió mạnh khi cơn bão Lan đổ bộ vào miền Trung nước này sáng 15-8.
Đây là cơn bão thứ hai mà Nhật Bản phải hứng chịu trong vòng chưa đến 1 tuần. Sau khi đổ bộ, bão Lan tiến thẳng đến Osaka, thành phố ở miền Tây Nhật Bản và cũng là khu siêu đô thị lớn thứ hai nước này. Lan có thể đổ lượng mưa lên tới 400 mm trong 24 giờ tính đến 6 giờ sáng ngày 15-8 ở một số khu vực kèm sức gió tối đa 144 km/giờ.
Lệnh sơ tán cấp 3 (cấp 5 là cao nhất) được ban bố cho khoảng 26.000 cư dân cao tuổi tại một thị trấn ở tỉnh Wakayama, theo đài NHK. Hai công ty hàng không lớn nhất Nhật Bản là Japan Airlines (JAL) và ANA Holdings Inc đã thông báo gián đoạn chuyến bay, trong đó JAL hủy hơn 250 chuyến trong ngày 14 và 15-8.
Nhiều chuyến tàu cao tốc thuộc 2 công ty Đường sắt Trung tâm Nhật Bản và Đường sắt Tây Nhật Bản bị đình chỉ một phần vào ngày 15-8, riêng tuyến giữa Osaka và Nagoya bị tạm dừng. Bão Lan có nguy cơ làm gián đoạn một trong những mùa du lịch bận rộn nhất Nhật Bản là kỳ nghỉ hè Obon.
Lực lượng cứu hộ đưa người dân khỏi các khu vực chìm trong biển nước ở TP Ussuriysk - Nga do ảnh hưởng bão Khanun hôm 12-8Ảnh: BỘ KHẨN CẤP NGA/REUTERS
Chưa đầy một tuần trước, bão Khanun hai lần đổ bộ vào Nhật Bản trước khi tấn công bán đảo Triều Tiên.
Dù đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới kể từ khi đổ bộ vào tỉnh Liêu Ninh - Trung Quốc đêm 11-8, Khanun vẫn gây lũ lụt ở Trung Quốc và Nga.
Theo Đài Truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV), một trận lở đất hôm 13-8 ở TP Tây An, phía Tây Bắc Trung Quốc, khiến 21 người thiệt mạng, 6 người mất tích.
Lượng mưa qua đêm ở Liêu Ninh đạt đỉnh 52 mm mỗi giờ, 4 hồ chứa vượt quá giới hạn lũ lụt. Khanun đổ bộ giữa lúc Trung Quốc vẫn quay cuồng vì hậu quả của Doksuri. Hai cơn bão cùng gây thiệt hại nặng cho hàng trăm ngàn héc-ta cây trồng ở tỉnh Hắc Long Giang.
Trung Quốc tiếp tục duy trì ứng phó khẩn cấp với lũ lụt ở các tỉnh, thành như Thiên Tân, Bắc Kinh, Hà Bắc, Hắc Long Giang, Cát Lâm, Liêu Ninh, theo CCTV.
Trong khi đó, hai tuần mưa xối xả do gió mùa cực đoan đã khiến ít nhất 55 người thiệt mạng và hơn 1 triệu người bị ảnh hưởng ở Bangladesh, nơi lũ lụt và lở đất vừa tàn phá miền Đông Nam. Lượng mưa khốc liệt nhất ghi nhận hôm 7-8 lên tới 312 mm. Hiện hàng trăm ngôi làng vẫn ngập sâu.
Mưa gió mùa kết hợp với sông băng tan chảy ở khu vực dãy Himalaya phía Ấn Độ cũng gây lở đất và làm ít nhất 18 người thiệt mạng cuối tuần qua, hàng chục người khác mắc kẹt hoặc mất tích.
Tại bang Humachal Pradesh, lở đất san phẳng nhiều ngôi nhà, xe buýt và ô tô treo trên mép vách đá, hàng trăm người chờ được cứu hộ… Một ngôi đền lớn ở thủ phủ bang Shimla bị sập, ít nhất 9 thi thể đã được tìm thấy.
Tại Mỹ, số nạn nhân tử vong do cháy rừng trên đảo Maui, Hawaii đến chiều 14-8 (giờ địa phương) đã tăng lên 96 người trong khi chó nghiệp vụ vẫn đang sục sạo đống đổ nát, nhiều người cuống cuồng tìm kiếm người thân. Ước tính hàng trăm người vẫn còn mất tích, theo Reuters.
Tạm thời du khách được yêu cầu tránh đến Maui, bởi nhiều khách sạn chưa bị phá hủy hiện trở thành nơi tạm cư cho người dân và lực lượng cứu hộ. Khoảng 46.000 cư dân và du khách đã lên máy bay rời Maui sau thảm họa.