Hội phụ nữ Vernon cai quản dinh thự Washington
Khu dinh thự riêng của George Washington, vị Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ, được xây trên khu đồi Vernon (Mount Vernon) cạnh bờ sông Potomac đẹp huyền ảo, cách trung tâm thủ đô DC khoảng 50km, rộng khoảng 2 triệu m2, lớn gần 700 lần so với khu nhà vua Mèo với 3000 m2.
Biệt thự chính được Washington xây bằng gỗ theo phong cách Palladio từ năm 1758 đến 1778 trước khi ông lên Tổng thống. Nhà ngang, nhà dọc, nơi để lúa mỳ, nơi nuôi ngựa, vườn tược, chỗ nô lệ ở, vẫn được giữ y chang như cách đây mấy trăm năm.
Trong thời gian hai nhiệm kỳ Tổng thống (1789-1797), George Washington đã sống tổng cộng hơn 400 ngày trong dinh thự, chính ông tham gia vào việc tu sửa, xây thêm kể cả làm vườn.
Sau khi ông mất (1799), khu nhà đã qua nhiều tay chủ khác nhau, dinh thự bị xuống cấp nghiêm trọng do con cháu không có tiền bảo trì và tu sửa.
Năm 1858, Hội Phụ nữ Mount Vernon, một tổ chức dân sự phi lợi nhuận, đã bỏ tiền mua lại khu nhà và giữ gìn cho tới ngày nay.
Dù trải qua nội chiến Nam Bắc, nhưng những người phụ nữ đã bám đất, bám dinh thự, giữ gìn di sản của vị Tổng thống đầu tiên, biến thành điểm du lịch hấp dẫn. Vào mùa cao điểm thường phải ra thông báo "hết chỗ" do ban quản lý chỉ cho phép số lượng khách có hạn nhưng đã tiếp phải có dịch vụ chất lượng.
Có chuyện vui, cách đây mấy thế kỷ, khi lính chiến Nam Bắc đi vào khu nhà sắp đánh nhau thì các bà tay không ra can ngăn và bảo họ, nếu vào khu này nên mặc thường phục, bỏ vũ khí đi hoặc che đi để không xảy ra xung đột trong khuôn viên. Vì thế mà khu nhà nguyên vẹn sau mấy trăm năm.
Năm 1960, khu dinh thự được Quốc hội Mỹ công nhận là di tích lịch sử quốc gia nhưng chính phủ chẳng bỏ một đồng xu thuế nào cho khu này.
Hiện Hội Phụ nữ Vernon tự quản lý, bảo trì, xin tiền tài trợ kể cả bán vé vào thăm và họ tiếp tục làm chủ, có lẽ sẽ như thế cho tới khi không còn nước Mỹ. Lãnh đạo nước Mỹ chẳng nghĩ gì chuyện sang tên sổ đỏ cho một cơ quan nhà nước nào hết.
Quỹ Jefferson sở hữu dinh thự Jefferson
Thomas Jefferson được coi là cha đẻ của Tuyên ngôn Độc lập nổi tiếng của Hoa Kỳ và cũng là Tổng thống thứ 3 của Hoa Kỳ. Và vị Tổng thống này cũng tự xây nhà.
Khu dinh thự nằm trên đồi Monticello ở thành phố Charlottesville, tiểu bang Virginia, cách DC hơn hai giờ xe hơi về phía tây, một trong 10 địa điểm đáng sống nhất nước Mỹ.
Với giá vé hơn 20 USD, du khách được chứng kiến vẻ đẹp kỳ vĩ Monticello, một khu đồi rộng 5000 acres (2022 hecta) thuộc sở hữu của gia đình Jefferson.
Ai từng đi dạo quanh hồ Tidal Basin ở Washington DC ngắm hoa anh đào nở, sẽ thấy nhà tưởng niệm Thomas Jefferson soi bóng uy nghi bên hồ trong xanh dưới sắc xuân về. Tới Monticello, sẽ ngỡ ngàng vì hai ngôi nhà phảng phất có kiến trúc mái vòm cong khá giống nhau.
Khu Monticello là tác phẩm để đời về kiến trúc, xây dựng, phòng thí nghiệm, kể cả vườn tược và kỹ thuật canh nông của vị tổng thống có lẽ cần cù nhất nước Mỹ.
Tòa lâu đài do chính Jefferson thiết kế, chỉ đạo thi công trong suốt 40 năm trời, viên gạch đầu tiên được xây năm 1769. Sau chuyến thăm châu Âu năm 1784, Jefferson đã thay đổi lại thiết kế cho phù hợp với kiến trúc dome (mái vòm tròn) như hiện nay.
Dù đã sau 200 năm mà ngôi nhà vẫn còn 2/3 cửa kính được sản xuất ở châu Âu từ thời Jefferson còn sống. Gạch được nung tại nhà, gỗ lim khai thác trong khu rừng của gia đình, thợ mộc, thợ xây được thuê trong những làng lân cận. Tổng cộng số tiền bỏ ra trong mấy chục năm vào khoảng 100.000 đô la thời giá bấy giờ.
Để có khu trang trại rộng hơn 2000 hecta, ngôi nhà với vườn cây đủ các loài hoa trái, Jefferson đã bỏ rất nhiều tiền và công sức vào đó để sống một cuộc đời quí tộc ở vùng thôn dã Montecillo.
Ra khỏi Nhà Trắng, ông là người nợ đầm đìa đến nỗi phải bán bớt tài sản, đất đai để trả nợ, một tổng thống nghèo nhất nước Mỹ trong suốt lịch sử hơn 200 năm qua, đến nỗi con gái cũng phải sống bằng nguồn từ thiện.
Sau khi Jefferson mất (4-7-1826), khu nhà rơi vào khủng hoảng do nợ nần của ông để lại, cô con gái đã bán cho người khác và khu dinh thự Monticello qua nhiều chủ.
Cuối cùng vị Đô đốc Hải quân Uriah Levy đã mua được. Do kính trọng Jefferson, ông này bỏ khá nhiều tiền để trùng tu khu biệt thự. Trong chiến tranh Nam Bắc, khu Monticello bị miền Nam chiếm và trao quyền cho người khác.
Sau chiến tranh, miền Bắc thắng, khu nhà lại về với Đô đốc Levy và gia đình ông quản lý di sản trong gần 100 năm. Cuối cùng vào năm 1923, một tổ chức tư nhân mang tên quỹ Jefferson đã mua lại Monticello và làm chủ từ đó.
Giống như dinh thự của Washington ở Vernon, khu Monticello cũng được công nhận là di sản quốc gia và cũng do tổ chức dân sự quản lý, không dùng một xu thuế nào của chính phủ.
Hàng năm có hàng triệu người thăm, với tiền vé vài chục đô la/người vừa du lịch văn hóa vừa giáo dục lịch sử, thì tiền thu cũng khá đủ để trang trải chi phí, nhưng lớn hơn là tạo tầm nhìn cho thế hệ tương lai.
Ai sẽ ở trong dinh thự vua Mèo?
Người viết bài này đã thăm dinh thự họ Vương (nhà vua Mèo) ở Sà Phìn thuộc huyện Đồng Văn của Hà Giang vài lần và ngưỡng mộ kiến trúc khu nhà gần 3000m2 xây dựng từ năm 1919 cách đây gần 1 thế kỷ với giá 15 vạn đồng bạc trắng tương đương với 150 tỷ đồng giá hiện thời.
Khách du lịch cứ nghĩ dinh thự vua Mèo phải do con cháu vua Mèo quản lý và được làm chủ nhưng báo chí gần đây nói nhiều mới hiểu hơn. Năm 1993 khu dinh thự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp vào hạng di tích quốc gia, mà chủ sở hữu là gia đình họ Vương không biết.
Gần 10 năm, địa phương muốn trùng tu dinh thự, khi đó họ mới biết dinh thự có ý nghĩa quốc gia và dòng họ phải chuyển ra khỏi dinh thự với mức đền bù 500 triệu đồng cho 10 người và mỗi người được 100m2 đất xây nhà tạm ở.
Năm 2012, chính quyền địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của dinh thự cho Phòng Văn hóa - Thông tin Đồng Văn quản lý lâu dài, xem như đã quốc hữu hóa toàn bộ nhà của vua Mèo.
Vụ này gia đình cũng mù tịt thông tin. Cho tới năm nay (2018), khi định làm thủ tục xin cấp sổ đỏ, họ Vương mới biết khu nhà đã được cấp chứng nhận cho chủ khác.
Dinh thự vua Mèo có tính lịch sử và văn hóa không kém gì khu nhà của Jefferson hay Washington. Tôi mong khu nhà vua Mèo sẽ là điểm đến của du khách khắp nơi, như du khách tới Mỹ đều mơ được thăm nhà của 2 vị Tổng thống.
Tìm ra mô hình quản lý bền vững là một công việc khó, nhưng mô hình nào thì cũng nên để ngôi nhà thực sự là của người Mèo.
Tôi cho rằng dinh thự vua Mèo không có người Mèo sẽ làm cho du khách quay lưng, di sản văn hóa sẽ chấm dứt. Sự trùng tu không thể bắt đầu bằng việc chặt mấy chục cây sa mộc 100 tuổi và kiến tạo một ngôi nhà không người.