"Gia đình là hạnh phúc" là câu khẩu hiệu được in trên cửa trước của 1 ngôi nhà nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Tứ Xuyên. Từ bàn mạt chược kê ngay ngắn cho đến chiếc ghế dành cho trẻ em đặt đối diện tivi, tất cả đã sẵn sàng cho cuộc đoàn tụ gia đình. Chủ nhà đã có tới 6 tuần để nghỉ ngơi, tạm rời cuộc sống bận rộn vất vả ở Bắc Kinh.
Chung tình cảnh với 173 triệu lao động nhập cư trên cả nước, công việc của họ đã bị ngưng trệ hoàn toàn vì virus corona. Tồi tệ hơn, dịp Tết năm nay, thay vì đoàn tụ thì đến giờ họ vẫn chưa được gặp đứa con trai duy nhất. Cách lệnh phong tỏa và hạn chế di chuyển khiến anh bị mắc kẹt ở Thiểm Tây cùng với vợ và đứa con trai 8 tuổi.
Xét về y học thì dịch Covid-19 ít ảnh hưởng nhất đến góc nhỏ này của tỉnh Tứ Xuyên. Chỉ có 22 ca nhiễm và không có ca tử vong nào ở thành phố gần nhất – Mianyang - và ở những ngôi làng xung quanh đó. Tuy nhiên, lệnh phong tỏa vẫn khiến dịch vụ xe buýt công cộng ngừng hoạt động. Những ngôi làng bị đóng cửa với những trạm kiểm soát được giám sát chặt chẽ bởi các quan chức địa phương và những tình nguyện viên luôn đeo khẩu trang, cầm trên tay nhiệt kế điện tử và lọ xịt kháng khuẩn.
Những ngày này Trung Quốc là đất nước của những nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng, của những tòa nhà văn phòng trống trơn và hàng quán vắng tanh. Tứ Xuyên – nơi cách thủ đô Bắc Kinh 1.700km về phía Tây Nam – là địa điểm lý tưởng để quan sát cuộc sống của những lao động nhập cư Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Phóng viên của The Economist đã trò chuyện với một vài công nhân trên những chiếc ghế đẩu bằng nhựa bên ngoài 1 tòa nhà 3 tầng được xây từ năm 2008 với chi phí vào khoảng 120.000 tệ (tương đương 17.130 USD). Ngôi nhà nằm trên mảnh đất thuộc sở hữu của 1 người đàn ông 54 tuổi làm thợ sơn ở Bắc Kinh. Ông thường được trả 3.000 tệ mỗi tháng, trong khi người vợ làm tạp vụ cho 1 công ty bảo hiểm và có mức lương bằng khoảng 2/3 số đó.
Mức tổng thu nhập như vậy giúp họ lọt vào nhóm những công nhân có thu nhập trung bình ở Trung Quốc, nhưng họ phải chi tiêu rất tằn tiện. Tiền thuê nhà là 1.000 tệ mỗi tháng, và ông bà tiết kiệm bằng cách mang cơm đi ăn trưa và đi làm bằng xe buýt thay vì đi tàu điện ngầm. Họ tới sống ở Bắc Kinh từ năm 2004 nhưng chưa từng đi thăm thú thủ đô, ngoại trừ chuyến đi tới Tử Cấm Thành và 1 chuyến khác tới lăng mộ Mao Trạch Đông.
Giờ đây hàng sáng họ đều kiểm tra tin nhắn điện thoại, thấp thỏm hi vọng sẽ được gọi đi làm trở lại. Vì đi từ bên ngoài vào Bắc Kinh, họ sẽ phải trải qua 14 ngày tự cách ly nếu không muốn bị phạt. Nhưng không phải nỗi cô đơn là thứ khiến họ lo lắng. Tiền bạc là thứ đáng lo hơn nhiều, vì họ sẽ không thể kiếm tiền trong quãng thời gian đó. Mỗi tháng họ tiết kiệm được nhiều nhất là 1.000 nhân dân tệ, và nhiều năm qua số tiền tiết kiệm đó đã được sử dụng để sửa sang ngôi nhà ở quê hay gửi tiền cho đứa cháu nội.
Trung Quốc có tỷ lệ tiết kiệm khá cao so với tiêu chuẩn thế giới, kể cả người nghèo cũng thường tiết kiệm được 20% thu nhập khả dụng. Ngược lại, nghiên cứu mà Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thực hiện năm 2017 cho thấy 44% người Mỹ không có đủ tiền tiết kiệm để chi trả cho hóa đơn 400 USD bất ngờ phát sinh. Nguyên nhân đằng sau sự đối lập này là do hệ thống lương hưu và bảo hiểm y tế còn nhiều yếu kém của Trung Quốc. Cặp đôi ở Tứ Xuyên nghĩ rằng tiền tiết kiệm có thể giúp họ sống sót thêm tối đa là 6 tháng nữa.
Những lao động nhập cư còn bị ám ảnh bởi cảm giác bất lực. Tại trạm tàu điện gần như vắng tanh ở Mianyang, 1 cặp vợ chồng trung niên đang chuẩn bị lên tàu quay trở lại Chiết Giang, nơi có tỷ lệ mắc bệnh khá cao, với vẻ mặt buồn rầu. Cùng làm việc ở 1 nhà máy sản xuất vải lót chuyên dùng cho khẩu trang tại Gia Hưng, gần Thượng Hải, họ được lệnh phải quay trở lại làm việc. Hai vợ chồng không biết liệu mình có được trả lương trong 2 tuần tự cách ly tại nhà sắp tới hay không, và thậm chí cũng không biết chủ nhà có cho họ vào phòng trọ nữa không.
Nền kinh tế Trung Quốc cần đến lao động nhập cư nhiều như thế nào thì những người lao động cũng cần đến lương của họ nhiều như vậy. Đáng buồn hơn, độ tuổi trung bình của nhóm này là ngoài 40, khi mà những người trẻ hơn giờ có xu hướng tìm kiếm các công việc gần quê nhà hơn. Mặc dù Covid-19 là thách thức mà tất cả các quốc gia trên thế giới phải đối mặt, riêng ở Trung Quốc, dịch bệnh càng khắc sâu thêm khoảng cách chênh lệch giàu nghèo đáng lo ngại trong xã hội nước này.
Tham khảo Economist
Xem thêm các tin tức nóng về virus corona trên thế giới tại đây.