Kể từ đầu tuần, nhiều nhà hoạt động tụ tập ở nhiều địa điểm tại thủ đô Bangkok để phản đối dự thảo hiến pháp do quân đội hậu thuẫn và phản đối việc bắt giữ một cựu bộ trưởng lên tiếng chống lại dự thảo.
Khi được hỏi ai đứng đằng sau những cuộc biểu tình, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đáp: "Những người vận động hành lang sống ở nước ngoài và Thaksin".
Quân đội lật đổ ông Thaksin trong một cuộc đảo chính năm 2006. Thaksin sống lưu vong kể từ khi bị kết án tù năm 2008 với các cáo buộc tham nhũng mà ông nói là có động cơ chính trị.
Thaksin vẫn được lòng những người ủng hộ nghèo ở nông thôn, và vẫn còn sức ảnh hưởng lớn. Với sự giàu có của mình, ông được coi là có khả năng hỗ trợ hoạt động chống đối tích cực hơn với chính phủ, nếu ông lựa chọn cách này.
Thaksin chưa đưa ra bình luận gì, nhưng Noppadon Pattama, cựu cố vấn pháp lý cho Thaksin nói trong một tuyên bố rằng cựu thủ tướng không đứng sau các cuộc biểu tình.
"Thaksin Shinawatra không làm việc cho bất kỳ người vận động hành lang nào ở nước ngoài. Ông ấy cũng không đứng sau bất kỳ chính phủ lưu vong nào" - tuyên bố viết.
7 người đã bị bắt giữ tại các cuộc biểu tình, nhưng không có bạo lực xảy ra.
Những người chống đối chính quyền quân sự, kể cả những người ủng hộ Thaksin, đều phản đối dự thảo hiến pháp - sẽ được đưa ra trưng cầu dân ý vào ngày 7.8, nói rằng dự thảo cho phép quân đội nhiều quyền lực hơn.
Trong khi đó, quân đội phản bác việc tìm kiếm quyền lực vô thời hạn, cho rằng hiến pháp phải hàn gắn được sự chia rẽ, mở ra nền chính trị ổn định và trong sạch.
Chính quyền quân sự Thái Lan hứa hẹn tổ chức bầu cử vào giữa năm sau.