Ông Lee đã bị tuyên án tù 2,5 năm vào hồi tháng 1 sau khi Tòa án tối cao Seoul kết tội ông tham ô và hối lộ. Ông sẽ được thả vào ngày 13/8 tới đây.
Bộ trưởng bộ tư pháp Park Beom-kye nói rằng ông Lee là 1 trong 810 tù nhân được ân xá trong dịp ngày Lễ giải phóng của đất nước tới đây. Năm ngoái, hơn 600 người đã được ân xá trong dịp này.
"Do tình trạng quá tải của các cơ sở cải tạo, nguy cơ dễ mắc các bệnh truyền nhiễm và để giúp khắc phục tình trạng kinh tế của đất nước, số lượng người được ân xá trong năm nay đã tăng lên đáng kể so với năm ngoái", bộ trưởng Park cho biết.
Samsung từ chối bình luận về thông tin kể trên.
Dù được tự do nhưng nhiều khả năng ông Lee vẫn không thể trở lại làm việc. Ông sẽ phải chịu lệnh cấm lao động 5 năm theo luật pháp Hàn Quốc.
Ngoài ra, những người được ân xá cũng không được phép đi công tác nước ngoài cho đến khi hết 5 năm. Dĩ nhiên, ông Lee có thể nộp đơn lên Bộ Tư pháp để xin cho mình ngoại lệ, nhưng không rõ liệu ông có làm như vậy hay không.
Trước đó, ông Lee đã vướng vào vụ bê bối liên quan tới cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye vốn cũng đang ngồi tù.
Ông Lee đã bị kết án 5 năm tù vào tháng 8 năm 2017 vì tội hối lộ và tham ô nhưng ông được tự do sau chưa đầy một năm khi tòa phúc thẩm tuyên một số tội danh và cho hưởng án treo.
Sau đó, ông Lee tiếp tục bị đưa trở lại nhà tù vào tháng 1 sau và bị kết án tù 2,5 năm trong một phiên tái thẩm. Cha của ông, Chủ tịch Lee Kun-hee đã qua đời vào năm ngoái sau khi hôn mê kể từ khi bị đau tim vào năm 2014. Trên thực tế, suốt kể từ thời điểm đó, "thái tử" Lee đã nắm quyền điều hành cao nhất ở Samsung.
Dù vẫn có một số cuộc biểu tình phản đối ông Lee ra tù sớm, ủng hộ của công chúng đối với điều này vào khoảng 70%, theo hai cuộc khảo sát.
Trên mạng, một số người cho rằng ông Lee đã trả giá hết mọi tội lỗi trong khi số khác nhấn mạnh nếu không có ông Lee, Samsung sẽ đi sau đối thủ khác vào lúc thị trường bán dẫn khủng hoảng và các đối thủ như TSMC, Intel đều đang đầu tư lớn.
Hoạt động hàng ngày của Samsung ít bị ảnh hưởng khi ông Lee ngồi tù. Lợi nhuận hoạt động quý II tăng 54%. Kể cả khi ông ngồi tù đợt đầu năm 2017, Samsung cũng ghi nhận lợi nhuận thường niên 46,6 tỷ USD. Song các chuyên gia nhận định cơ cấu tổ chức phức tạp của tập đoàn khiến không có ai, trừ ông Lee, được thông qua quyết định chiến lược cần đến tiền từ ba bộ phận chính: di động, điện tử tiêu dùng và chip.
Giáo sư Đại học Quốc gia Seoul Jaeyong Song, tác giả cuốn sách "The Samsung Way", cho biết trong thực tế, những chiến lược mang tính rủi ro như M&A, các thương vụ tỷ đô đều do ông chủ Samsung quyết định.
"CEO (Tổng Giám đốc) tại Hàn Quốc giống với COO (Giám đốc Điều hành) hơn. Họ quan tâm đến lợi nhuận ngắn hạn, còn ông chủ để ý đến cạnh tranh dài hạn vì nhiệm kỳ của họ là trọn đời".
Các nhà phân tích liên hệ các rắc rối pháp lý của ông Lee với núi tiền mặt của Samsung. Tính đến cuối tháng 6, Samsung sở hữu dưới 100 tỷ USD tiền mặt và chưa thực hiện vụ thâu tóm lớn nào kể từ năm 2016.