Thái tử Ả Rập Saudi trả giá đến đâu vì vụ nhà báo bị sát hại?

P.Võ |

Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman xem mình là nhà lãnh đạo tương lai của nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới trong nhiều thập kỷ tới nhưng con đường đến ngai vàng đang gặp trở ngại vì cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi.

Tác động từ vụ sát hại ông Khashoggi bên trong lãnh sự quán Ả Rập Saudi tại TP Istanbul - Thổ Nhĩ Kỳ hôm 2-10, làm dấy lên câu hỏi liệu Thái tử Mohammed (33 tuổi, còn được biết đến với cái tên viết tắt MBS) có còn duy trì được sức mạnh quyền lực như trước hoặc liệu ông có bị người cha, Quốc vương Salman bin Abdulaziz, ra tay kiềm chế hay không.

Đáng chú ý là một ngày sau khi Khashoggi, một người Ả Rập Saudi sống lưu vong thường xuyên chỉ trích Riyadh, mất tích, MBS nói với Bloomberg News rằng ông ta đã rời khỏi lãnh sự quán. Đến cuối tuần rồi, chính quyền Ả Rập Saudi mới nói lại rằng ông Khashoggi thiệt mạng trong một vụ ẩu đả bên trong lãnh sự quán.

Phản ứng chậm nói trên, cộng với những thông tin rò rỉ về chi tiết ghê rợn liên quan đến cáo buộc ông Khashoggi bị tra tấn, đã làm hoen ố danh tiếng của MBS ở trong và ngoài nước như một người cải tổ và hiện đại hóa Ả Rập Saudi.

Ông Paul Sullivan, chuyên gia tại Trường ĐH Georgetown (Mỹ) cho rằng sức ép sẽ gia tăng trong nội bộ Ả Rập Saudi về việc kiềm chế nhiều hơn những hành động bị xem là bộc phát của MBS.

Bất kỳ động thái nào như thế của Quốc vương Salman, 82 tuổi, sẽ khiến người ta đặt dấu hỏi đối với những kế hoạch tham vọng của MBS, như cải tổ nền kinh tế và những chính sách đối ngoại gây tranh cãi, như can thiệp tình hình Yemen và tranh cãi với Qatar.

Trước mắt, việc MBS được trao trách nhiệm giám sát một ủy ban được lập ra để tái thiết cơ quan tình báo cho thấy Quốc vương Salman vẫn chưa hết niềm tin vào người được lựa chọn để kế vị ngai vàng ông để lại, theo nhận định của Công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group (Mỹ).

Dù vậy, ông James M. Dorsey, chuyên gia tại Trường Công nghệ Nanyang (Singapore) dự báo quyền lực của MBS sẽ bị cắt giảm không chính thức thời gian tới.

Thái tử Ả Rập Saudi trả giá đến đâu vì vụ nhà báo bị sát hại? - Ảnh 2.

Quốc vương Salman bin Abdulaziz. Ảnh: Bloomberg

Đi xa hơn, sử gia Madawi al-Rasheed đã kêu gọi Quốc vương Salman loại bỏ người con "thảm họa" nói trên khỏi vị trí người kế vị ngai vàng.

Trong bài viết trên tờ The New York Times, ông Madawi al-Rasheed nhắc đến một số ứng viên thay thế tiềm tàng, như Hoàng thân Ahmed bin Abdulaziz (em trai Quốc vương Salman) hoặc Hoàng thân Muhammad bin Nayef (cháu Quốc vương Salman).

Tờ Le Figaro gần đây tiết lộ một hội đồng phụ trách vấn đề kế vị ngai vàng ở Ả Rập Saudi đã nhóm họp bí mật để quyết định xem ai có thể thay thế được MBS. Theo tờ báo, ứng viên hàng đầu đang là Hoàng tử Khalid bin Salman, em trai của MBS và hiện là đại sứ Ả Rập Saudi tại Mỹ.

Thái tử Ả Rập Saudi trả giá đến đâu vì vụ nhà báo bị sát hại? - Ảnh 3.

Hoàng tử Khalid bin Salman. Ảnh: Bill Clark/CQ Roll Call

Cho dù tác động lâu dài có là gì, cuộc khủng hoảng này đã làm chậm lại đà thăng tiến nhanh chóng của MBS kể từ khi Quốc vương Salman đăng cơ hồi tháng 1-2015 và chọn MBS làm thái tử năm 2017.

Kể từ đó, MBS nhanh chóng có những bước đi củng cố quyền lực, như bắt giữ hàng chục doanh nhân nổi tiếng trong động thái được cho là nhằm trấn áp tham nhũng. Không dừng lại ở đó, MBS còn phát động chiến dịch tẩy chay Qatar và dính vào các tranh cãi với Đức và Canada.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại