Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Thái Lan cho biết nước này sẽ triển khai xây dựng một cây cầu cạn cùng cơ sở hạ tầng 2 bên bờ biển để kết nối biển Andaman thuộc Ấn Độ Dương với Vịnh Thái Lan thuộc Thái Bình Dương. Cây cầu cạn sẽ được xây dựng xuyên qua 2 tỉnh phía Nam Thái Lan là Chumphon và Ranong.
Theo đó, siêu dự án này sẽ tạo ra một tuyến đường kết nối Đông-Tây mới, rút ngắn 1.200 km quãng đường hàng hải quốc tế cho tàu thuyền, vốn phải đi qua eo biển Malacca, và được dự báo sẽ đạt công suất tối đa vào năm 2030. Điều này sẽ giúp giảm thời gian vận chuyển từ 6-9 ngày cũng như giảm các chi phí hậu cần do tình trạng tắc nghẽn hàng hải tại eo biển Malacca.
Thủ tướng Thái Lan khẳng định siêu dự án cầu cạn sẽ là tuyến hàng hải bổ sung, hỗ trợ tăng trưởng cho thương mại quốc tế. Đây cũng là giải pháp quan trọng cho các vấn đề ở eo biển Malacca hiện nay như tình trạng tắc nghẽn và tai nạn hàng hải hay nạn cướp biển…
Thủ tướng Thái Lan chủ trì buổi quảng bá siêu dự án "cầu cạn" tại Mỹ hôm 13/11. Nguồn: Tài khoản X của Thủ tướng Thái Lan
Kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 9/2023, Chính phủ mới ở Thái Lan đã khẳng định sẽ tập trung các nguồn lực để thúc đẩy siêu dự án “cầu cạn” với kỳ vọng đưa Thái Lan trở thành trung tâm giao thông và hậu cần hàng hải hàng đầu châu Á. Dự án này dự kiến sẽ tạo ra khoảng 280.000 việc làm ở các tỉnh phía Nam Thái Lan và thúc đẩy kinh tế Thái Lan tăng trưởng ở mức 5,5% trong dài hạn.
Theo thiết kế dự kiến, siêu dự án sẽ gồm 2 cảng biển nước sâu được xây dựng tại tỉnh Chumphon và Ranong cùng hệ thống đường cao tốc và đường sắt đôi tốc độ cao kết nối vận tải giữa 2 cảng biển. Ngoài ra, siêu dự án này có thể còn bao gồm hệ thống đường ống dẫn dầu khí xuyên qua 2 địa phương này của Thái Lan.
Chính phủ Thái Lan dự kiến sẽ thông báo mời thầu quốc tế vào đầu năm 2025 để dự án có thể chính thức được triển khai từ quý III/2025.