Năm 2015, khi lá thăm đưa ĐT Việt Nam nằm ở bảng F cùng Iraq, Thái Lan, Indonesia và Đài Loan tại vòng loại World Cup 2018, VFF đã xác định đối thủ chính là Thái Lan. Ở thời điểm đó, lãnh đạo VFF và ban huấn luyện của ĐT Việt Nam đều nghĩ đại diện Tây Á là Iraq quá mạnh và vượt tầm so với chúng ta.
Thế nên tất cả dường như mặc định Iraq sẽ nghiễm nhiên có được ngôi đầu bảng. Chúng ta xác định Thái Lan là đối thủ trực tiếp và hướng đến một cuộc cạnh tranh ngôi nhì bảng.
Nhưng người Thái thì khác, họ xác định Iraq mới là đối thủ trực tiếp và hướng đến ngôi đầu bảng. Nhìn vào tham vọng của Thái Lan, có thể thấy rằng đã từ lâu họ không còn coi Việt Nam là đối thủ trực tiếp. Sau khin vòng loại kết thúc, Thái Lan đã cho thấy họ không hề đặt mục tiêu vượt tầm với việc giành ngôi đầu một cách thuyết phục.
Chính Iraq mới là đội bóng phải vất vả cạnh trạnh ngôi nhì bảng với Việt Nam. Khi Thái Lan giành vé vào vòng loại cuối cùng World Cup 2018 chúng ta mới chợt bừng tỉnh rằng đã bị họ bỏ một khoảng cách xa.
Việt Nam từng thua toàn diện trước Thái Lan ở Vòng loại World Cup 2018. Ảnh: TL
Thế nhưng, bài học mà chúng ta cần nhìn từ người Thái chính là việc cần phải xác định được tham vọng với các đối thủ trên tầm chứ không chỉ dừng lại ở các đội bóng ngang tầm. Đây là điều mà HLV Park Hang-seo đã rút ra cho chính các cầu thủ sau mỗi giải đấu lớn mà chúng ta có thành tích.
Ông Park nói rằng chúng ta vẫn tôn trọng và đánh giá Thái Lan là đối thủ mạnh, nhưng bây giờ tất cả phải xác định đối thủ trực tiếp là Hàn Quốc, Nhật Bản hay những đội bóng đẳng cấp Châu Á khác.
Dù họ có trình độ và khoảng cách hơn so với chúng ta nhưng việc xác định như vậy sẽ giúp các cầu thủ tự tin hơn. Điều này đã được phần nào tôi rèn tại các sân chơi châu lục từ VCK U23 Châu Á, ASIAD 18 và Asian Cup 2019. Các cầu thủ Việt Nam phần nào đã được cọ xát với những đối thủ mạnh.
HLV Park Hang-seo trong chiến thắng của Việt Nam trước Thái Lan ở King's Cup 2019. Ảnh: Đ.Đ
Dưới thời HLV Park Hang-seo, chúng ta đã thắng Thái Lan ở cả cấp độ U23 và ĐTQG. Trong năm 2019, U23 Việt Nam đã vượt qua U23 Thái Lan với tỉ số 4-0 tại Vòng loại U23 Châu Á 2020, còn ĐT Việt Nam đã đánh bại ĐT Thái Lan ở King’s Cup tại Buriram. Đó là những cú hích giúp cho chính các cầu thủ tự tin hơn trong việc đối đầu với người Thái. Nhưng chúng ta cần xác định rằng, đó không phải là thước đo cho cuộc đối đầu giữa hai đội ở sân chơi World Cup.
HLV Kiatisak trả lời trên tờ Siam Sport: “Đối với trận gặp Việt Nam, tôi không nghĩ về King's Cup mà cho rằng sân chơi World Cup nghiêm túc và tập trung hơn mới phản ánh hết thực tế sức mạnh của hai đội”. Thực tế, cuộc đối đầu của hai đội tại King’s Cup 2019, Thái Lan cũng không có đội hình mạnh nhất. Do đó mà kết quả cũng không thể phản ánh hết cục diện của hai nền bóng đá.
Thái Lan bổ nhiệm HLV Akira Nishino. Ảnh: Bangkok Post.
Thái Lan đã bổ nhiệm HLV Akira Nishino ngay trước thềm lễ bốc thăm Vòng loại thứ 2 World Cup 2022 khu vực Châu Á. Với thành tích từng dẫn dắt đội tuyển Nhật Bản lọt đến vòng 1/8 World Cup 2018, ông Akira Nishino được xem là một bản hợp đồng chưa đựng nhiều tham vọng của Thái Lan. Trước đó, Thái Lan cũng từng sở hữu HLV Milovan Rajevac – người từng dẫn dắt ĐT Ghana vào đến tứ kết World Cup 2010 tại Nam Phi.
Với ĐT Thái Lan, họ đã từng lọt vào đến vòng loại cuối cùng World Cup 2018. Họ đã từng ở rất gần sân chơi thế giới. Còn với ĐT Việt Nam, tất cả những gì chúng ta chờ đợi là tài thao lược của “phù thuỷ” Park Hang-seo. Cuộc đối đầu giữa Việt Nam – Thái Lan sẽ rất được chờ đợi, kết quả sẽ là thước đo cho tham vọng của hai nền bóng đá.