Một trong những tiệm cafe Higland với chủ đề cần sa tại Bangkok. Ảnh: Vijitra Duangdee
Tuy nhiên, giới phê bình cảnh báo điều này chỉ đem lại lợi nhuận cho các nhà đầu tư và ông trùm thay vì những người lao động bình thường và nông dân – những đối tượng mà thu nhập của họ mất đi đáng kể vì dịch bệnh.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), người Thái qua nhiều thế hệ vẫn sử dụng lá cần sa trong khi nấu mì và giảm đau. Loại cây này phát triển tốt trên đất có độ pH trung tính và khí hậu ẩm. Song cho đến gần đây, các sản phẩm làm từ cần sa mới được sản xuất và giao dịch hợp pháp.
Cụ thể, từ năm 2019, Thái Lan đã hợp pháp hóa việc sử dụng cần sa cho các mục đích y tế sau nhiều năm thảo luận. Tuy nhiên, phải đến tháng 1 năm nay, luật sửa đổi đã mở đường cho việc thương mại hóa ngành công nghiệp này, quy định gười có giấy phép có thể trồng, bán và xuất khẩu hàng hóa làm từ thân, lá và rễ của cây gai dầu – một phiên bản khác của cần sa được trồng đặc biệt để sử dụng trong công nghiệp.
Do đó, các nhà đầu tư mong đợi viễn cảnh về một đế chế cần sa tại Thái Lan khi các sản phẩm giảm đau đến đồ ăn nhẹ và xà phòng từ cây gai dầu cuối cùng cũng được tung ra thị trường.
Tom Kruesopon, một nhà đầu tư đầy kinh nghiệm tại Thái Lan, cho biết quốc gia này sẽ sở hữu một ngành công nghiệp cần sa có giá trị 50 tỷ USD trong 5 năm tới.
Luật pháp Thái Lan cho phép chiết xuất CBD - hợp chất cannabidiol - từ cây cần sa vì những lợi ích y học, từ hỗ trợ giấc ngủ đến giảm viêm và đau. Tuy nhiên, tetrahydrocannabinol (THC) - thành phần tác động lên thần kinh đối với người dùng vẫn là bất hợp pháp và phải được tách ra trong một quy trình chiết xuất phức tạp.
Những người ủng hộ ngành công nghiệp non trẻ này dự đoán các công ty Thái Lan sẽ sớm xuất khẩu mỹ phẩm, đồ ăn nhẹ và kem đánh răng làm từ cần sa, trong khi khách du lịch y tế sẽ đổ xô sử dụng dầu CBD chất lượng cao tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe.
“Campuchia, Myanmar và Lào đang tìm đến chúng tôi. Chúng tôi sẽ là người bạn giàu kinh nghiệm cho các quốc gia láng giềng”, ông Kris Thirakaosal - Giám đốc điều hành của Golden Triangle Group, công ty đã trồng giống cây mẹ tên là Raksa có hàm lượng CBD cao ở phía bắc Chiang Rai – nhận định.
Tại một nhà hàng sang trọng ở Bangkok, Bộ trưởng Y tế Anutin Charnvirakul người đã đi đầu trong nỗ lực hợp pháp hóa cây gai dầu đã đến tham dự một sự kiện quảng cáo và nếm thử sản phẩm từ cần sa do công ty Eleised Estate tổ chức. Bộ trưởng đã gặp những người nổi tiếng và nhà đầu tư tại đây trong khi khách hàng nếm thử kem ganja và thảo luận về lợi ích sức khỏe của các sản phẩm làm từ cây gai dầu.
“Giống như tất cả các loại cây khác, loại cây này có cả công dụng tốt và xấu. Như đường, muối, ớt vậy, một lượng nhỏ sẽ mang lại lợi ích cho con người. Miễn là người Thái biết cách sử dụng các bộ phận hữu ích của loại cây này và không bao giờ thỏa hiệp về chất lượng hoặc vượt quá việc sử dụng hợp pháp của loại cây này thì đây sẽ là một ngành công nghiệp không giới hạn.
Hút, trồng hoặc bán cần sa cho mục đích giải trí vẫn là bất hợp pháp và có thể bị phạt nặng với án tù lên đến 5 năm nếu sở hữu dưới 10kg và lên đến 15 năm nếu sở hữu hoặc có ý định bán hơn 10kg . Giới phê bình cho rằng các quy định luật pháp nghiêm ngặt hiện giờ sẽ khiến những người nông dân hoặc người dân bình thường không được hưởng lợi từ việc trồng và sản xuất cây cần sa.
Chuwit Kamolvisit, một chủ tiệm mát xa đang lên các dự án kinh doanh cần sa, cho biết: “Chính phủ cần phải mở rộng quy định hơn bởi vì nếu họ không làm vậy thì lợi ích sẽ chỉ rơi vào tay các ông trùm”.
Về lý thuyết, nông dân có thể trồng sáu cây cần mỗi nhà. Nhưng trước tiên họ cần thành lập một hợp tác xã và có được giấy phép. Chính phủ cam kết mua hoa cần sa khô với nồng độ CBD là 12% với giá 45.000 baht/kg (1.450 USD) từ các hợp tác xã. Tuy nhiên, cho đến nay việc thu nhận bị hạn chế vì chỉ có 82 hợp tác xã đăng ký.