Thái Lan đặt mục tiêu tiêm chủng Covid-19 cho 70% dân số thủ đô trong 2 tháng

PV/VOV-Bangkok, Phạm Tuyên/VOV1, Phạm Hà/VOV1 |

Người đứng đầu chính phủ Thái Lan, ông Prayut Chan-o-cha, đã đưa ra mục tiêu tiêm vaccine phòng Covid-19 cho 5 triệu người ở thủ đô Bangkok từ nay cho tới hết tháng 7 để hy vọng có thể ngăn chặn được đà lây lan của dịch.

Thủ tướng Prayut và các quan chức Thái Lan đeo khẩu trang ngừa Covid-19. Ảnh: AFP.

Thủ tướng Prayut và các quan chức Thái Lan đeo khẩu trang ngừa Covid-19. Ảnh: AFP.

Phát biểu sau cuộc họp nội các hàng tuần, thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm vaccine hàng loạt tại thủ đô Bangkok, thành phố lớn nhất đất nước. Theo kế hoạch được vạch ra, Thái Lan sẽ bắt đầu tiêm chủng đồng loạt ở các tỉnh vào ngày 1/6. Tuy nhiên, các trường hợp mắc bệnh mới đa phần đều ở Bangkok nên theo ông Prayut, phải ưu tiên chủ động xét nghiệm và tiêm chủng đối với thành phố quan trọng nhất đất nước.

Chính phủ Thái Lan cũng đặt mục tiêu tiêm vaccine cho ít nhất 5 triệu người, tức khoảng 70% dân số của thành phố trong tháng 6 và tháng 7 với hy vọng có thể đạt được miễn dịch cộng đồng.. Việc triển khai vaccine ở Bangkok sẽ chủ yếu dựa vào các bệnh viện và 25 trung tâm tiêm chủng khác.

Ngoài ra, trên toàn Thái Lan, các công dân có thể đặt lịch hẹn tiêm chủng trên một ứng dụng của điện thoại thông minh. Những người làm các công việc có nguy cơ lây nhiễm cao sẽ được ưu tiên tiêm trước. Thái Lan cũng khẳng định họ có đủ lượng vaccine để có thể tiến hành chiến dịch tiêm chủng của mình.

Một điểm nóng về lây nhiễm Covid-19 khác tại Thái Lan là các nhà tù, thủ tướng Thái Lan cho hay đã chỉ đạo chủ động kiểm tra đối với các tù nhân, thành lập khu cách ly riêng ở bên trong chính nhà tù và chuyển các bệnh nhân nặng ra điều trị tại bệnh viện. Với cách tiếp cận này, thủ tướng Thái Lan hy vọng tình hình sẽ nhanh chóng vào tầm kiểm soát và nguy cơ lây lan từ nhà tù ra cộng đồng bên ngoài là ở mức thấp.

Hiện tại Thái Lan vẫn đang vật lộn với làn sóng Covid-19 mới, cho tới nay nước này đã ghi nhận hơn 110 ngàn trường hợp nhiễm bệnh trong đó đỉnh điểm có ngày có tới gần 10 ngàn ca nhiễm.

Liên quan đến đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở Đông Nam Á, Bộ Y tế Singapore hôm qua (18/5) đã bác bỏ tuyên bố của một chính trị gia Ấn Độ về một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện ở Singapore. Theo Bộ Y tế Singapore, các ca mắc Covid-19 mới ghi nhận ở nước này trong những tuần qua là biến thể B1617.2, có nguồn gốc từ Ấn Độ.

Trước đó (18/5), trên trang Twitter cá nhân, Thủ hiến New Delhi Arvind Kejriwal đã kêu gọi chính phủ Ấn Độ hủy các chuyến bay với Singapore do biến thể mới của Covid-19 ở quốc đảo này có thể sẽ gây ra làn sóng Covid-19 mới ở Ấn Độ.

Tính đến hôm qua (18/5), Singapore đã ghi nhận hàng chục trường hợp nhiễm biến thể B1617.2 ở nhiều ổ dịch, nhất là tại Sân bay quốc tế Changi và Bệnh viện Tan Tock Seng. Trong bối cảnh đó, Chính phủ Singapore đã ra quy định bắt buộc cách ly 21 ngày tại các cơ sở được chỉ định đối với hầu hết người nhập cảnh, đồng thời “siết chặt” các biện pháp giãn cách xã hội.

Trong khi đó, về vấn đề sử dụng vaccine theo kiểu kết hợp, Bộ Y tế Tây Ban Nha đưa ra đề xuất những người dưới 60 tuổi đã tiêm liều vaccine ngừa Covid-19 AstraZeneca thứ nhất, có thể tiêm liều thứ 2 vaccine của Pfizer.

Trong cuộc họp diễn ra hôm 18/5, Ủy ban Y tế Tây Ban Nha đã ủng hộ đề xuất của Bộ Y tế nước này. Đề xuất đưa ra sau khi một nghiên cứu gần đây của Viện Y tế quốc gia Carlos cho thấy, việc kết hợp hai liều vaccine của AstraZeneca và Pfizer vẫn an toàn và hiệu quả.

Quyết định của Ủy ban Y tế sẽ tác động đến khoảng 1,5 triệu người Tây Ban Nha, đã tiêm một liều vaccine AstraZeneca, trước khi chính phủ cấm tiêm cho những người dưới 60 tuổi do mối lo ngại về hiện tượng đông máu (huyết khối)./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại