THACO và cuộc tái thiết ở HAGL Agrico: Đường xa vạn dặm!

Như Quỳnh |

Mặc dù đã rất cố gắng, nhưng sau 1 năm tiếp quản HAGL Agrico, THACO vẫn chưa thể khiến doanh nghiệp này khởi sắc hơn. Dự kiến năm 2022, HAGL Agrico sẽ tiếp tục lỗ 150 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh – giảm ½ so với 2021, dự kiến lỗ trước thuế là 2.713 tỷ đồng. Để biến HAGL Agrico thành một doanh nghiệp ‘khỏe mạnh’, THACO còn rất nhiều việc phải làm.

Vào đầu năm 2021, trong buổi lễ tiếp quản chính thức HAGL Agrico (HNG) từ Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Chủ tịch THACO Group - Trần Bá Dương đẽ xem doanh nghiệp này thử thách lớn thứ ba và cuối cùng trong cuộc đời mình.

"Người HAGL Agrico hay ví rằng: Cây cao su như con của người dân tộc, cây ăn trái giống như con của các ‘đại gia’, rất õng ẹo và dễ bệnh, cần phải chăm sóc – nuông chiều.

Do vậy, đòi hỏi chúng ta phải có thời gian và tôi cũng xin cho tôi thời gian, cũng đừng kỳ vọng vào tôi quá nhiều. Tôi cũng xin nhắn nhủ với các cổ đông: Sau khi phong thanh nghe tôi nhận chức chủ tịch, cổ phiếu HNG từ 11.000 đồng lên đến 17.000 đến 18.000 đồng; áp lực này quá lớn đối với cá nhân tôi!

Tôi xin khẳng định rằng: Trong vài năm tới, hành trình để có doanh thu 1.700 tỷ đồng từ trái cây – tức khoảng 10% vốn tự có 17.000 tỷ đồng ở thời điểm hiện tại, cũng như xoá được nợ luỹ kế hơn 2.000 tỷ sẽ vô cùng khó khăn", ông Trần Bá Dương bày tỏ vào thời điểm đó.

CÁC CHỈ SỐ VỀ KINH DOANH – SẢN XUẤT VẪN RẤT ĐÁNG LO NGẠI

Tuy nhiên, thực tế thị trường cộng với sự hoành hành ngang ngược của Covid-19 trong năm 2021, đã khiến những gì diễn ra tại HAGL Agrico còn bết bát hơn tưởng tượng của vị doanh nhân dày dạng kinh nghiệm này.

Giữa năm 2021 THACO từng 1 lần điều chỉnh mục tiêu kinh doanh cho năm 2021, nhưng kể cả vậy thì họ vẫn không thể hoàn thành mục tiêu mới đã giảm nhẹ.

Kế hoạch vào tháng 1/2021: Doanh thu dự kiến năm 2021 là 2.109 tỷ đồng - trong đó doanh thu trái cây 1.766 tỷ đồng và mủ cao su 343 tỷ đồng; tổng mức đầu tư dự kiến ước khoảng 1.900 tỷ đồng.

Kế hoạch điều chỉnh vào tháng tháng 6/2021: Doanh thu dự kiến đạt 1.465 tỷ đồng, lỗ 84 tỷ đồng, với tổng mức đầu tư 1.024 tỷ đồng.

Thực tế thực hiện: Doanh thu thuần đạt 1.199 tỷ đồng, hoàn thành 82% kế hoạch đề ra - trong đó doanh thu từ trái cây 840 tỷ đồng, mủ cao su 260 tỷ đồng, vật tư nông nghiệp và cung cấp dịch vụ 99 tỷ đồng. Lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh là 304 tỷ đồng.

THACO và cuộc tái thiết ở HAGL Agrico: Đường xa vạn dặm! - Ảnh 1.

Đồng thời, năm 2021 công ty đã ghi nhận và hạch toán các khoản chi phí đã phát sinh từ năm 2020 trở về trước là 815 tỷ đồng; lỗ sau thuế năm 2021 là 1.119 tỷ đồng.

Sau một năm ‘nằm gai nếm mật’ và đã hiểu tận chân tơ kẻ tóc của HAGL Agrico cộng với bản tính thận trọng vốn có, THACO đã đặt ra một kế hoạch kinh doanh không quá đột phá cho năm 2022.

Sản lượng trái cây các loại của HAGL Agrico 2022 dự kiến đạt 124.000 tấn, trong đó: 120.000 tấn chuối, 3.800 tấn dứa và 200 tấn trái cây khác; sản lượng mủ cao su: dự kiến 10.800 tấn. Theo đó, doanh thu năm 2022 dự kiến đạt 1.731 tỷ đồng.

Hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022 dự kiến lỗ 150 tỷ đồng, đồng thời ghi nhận chi phí chuyển đổi và huỷ bỏ vườn cây từ năm 2020 trở về trước là 2.563 tỷ đồng. Dự kiến lỗ trước thuế của HGL Agrico năm 2022 là: 2.713 tỷ đồng.

Tổng mức đầu tư theo kế hoạch năm 2022 là: 905 tỷ đồng; nguồn vốn đầu tư dự kiến sẽ tiếp tục vay từ THAGRICO. Tính đến 31/03/2022: số tiền THAGRICO đã cho HNG vay là: 720 tỷ đồng.

Ước tính, lỗ lũy kế của HNG đến năm 2023 - bao gồm 1.600 tỷ đồng chuyển đổi vườn cây cho sang năm; sẽ vào khoảng 7.773 tỷ. Trừ đi thặng dư vốn cổ phần là 1.170 tỷ, tương ứng thua lỗ thực tế của HNG khoảng 6.600 tỷ. Lạc quan nhất, phải đến 2024 thì HNG mới bắt đầu có lời.

"Thực trạng hậu Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của HNG, cụ thể là: giá vật tư nông nghiệp tăng cao như phân bón Kali, Ure; bao bì đóng gói trái cây trong năm 2022 đang tăng so với năm 2021.

Về vận chuyển: tình trạng thiếu hụt container lạnh để xuất khẩu trái cây, chi phí container lạnh tăng cao; thời gian vận chuyển và thông quan tăng từ 12 ngày - 35 ngày làm dồn ứ hàng, tăng chi phí kho bãi và giảm chất lượng trái cây", Chủ tịch Trần Bá Dương cho hay trong ĐHCĐ 2022 của Agrico HAGL.

THACO và cuộc tái thiết ở HAGL Agrico: Đường xa vạn dặm! - Ảnh 2.

Chủ tịch Trần Bá Dương

Thật ra, những khó khăn kể trên không mới, bởi nó chỉ là ‘leo thang’ so với năm 2021.

Cụ thể: cuối năm 2021, giá vật tư nông nghiệp tăng cao, phân bón tăng 160%, bao bì đóng gói trái cây tăng 25% so với đầu năm 2021. Tình trạng thiếu hụt container lạnh để xuất khẩu trái cây, các hãng tàu thường xuyên hủy chuyến và kéo dài thời gian vận chuyển dẫn đến chi phí bán hàng tăng hơn 20% so với năm 2020.

Trong năm 2021 chính phủ Trung Quốc vẫn siết chặt việc kiểm soát hàng hóa nhập khẩu để phòng chống Covid, thời gian thông quan tại các cảng bị kéo dài làm tăng chi phí và giảm chất lượng trái cây.

Còn chính phủ Lào vẫn áp dụng các biện pháp giãn cách, hạn chế đi lại giữa các tỉnh và người nhập cảnh từ nước ngoài dẫn đến các nông trường của HNG thiếu nhân công lao động người địa phương, thiếu cán bộ kỹ thuật và nhà thầu thi công từ Việt Nam, thời gian nhập cảnh cách ly ảnh hưởng công việc và tăng chi phí.

Chưa hết, tháng 10/2021, do ảnh hưởng của mưa lớn và tình trạng xả đập thủy điện Sekaman, gây ngập lụt làm thiệt hại 876 ha chuối tại khu vực Namkong – Phuvong.

Nhưng, không chỉ về các chỉ số kinh doanh mà cơ sở vật chất và tình trạng pháp lý của một số diện tích vùng trồng của HNG đang có vấn đề.

HẠ TẦNG CƠ SỞ SẢN XUẤT TẠO LÀO ĐANG TRONG TÌNH TRẠNG YẾU KÉM

Tại Lào, hiện HAGL Agrico có tổng diện tích đất là 27.383ha, diện tích cây ăn trái đã trồng là 10.075ha.

Trong đó, chuối chiếm 4.180ha với 20% diện tích vườn tốt, 52% diện tích vườn trung bình và 28% diện tích vườn xấu. Diện tích dứa của HNG là 158ha; cây ăn trái khác (xoài, mít, bưởi, dừa) là 5.737ha. Diện tích cao su còn lại là 17.308ha, trong đó 42% diện tích vườn có khả năng khai thác mủ, còn lại là vườn cây xấu, cây kém phát triển, không khai thác được mủ.

Tuy nhiên, hầu hết diện tích trồng cây ăn trái có hệ thống tưới tiêu chưa bài bản, vườn cây chưa được san lấp mà chủ yếu trồng dựa vào địa hình tự nhiên.

Về thuỷ lợi: Các kênh và đường ống sắt dẫn nước bị hư hỏng nặng, vị trí đặt các trạm bơm bờ sông chưa phù hợp, nguồn nước tưới lấy từ sông Sesou bị ô nhiễm nặng.

Về điện: Nguồn điện và hệ thống lưới điện chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu điện phục vụ tưới và sản xuất.

THACO và cuộc tái thiết ở HAGL Agrico: Đường xa vạn dặm! - Ảnh 3.

Chỉ có 42% diện tích vườn cao su tại Lào của HNG là có khả năng khai thác mủ, còn lại là 'bỏ đi'.

Về giao thông: do chưa có quy hoạch vùng trồng cây ăn trái nên đường giao thông chủ yếu đi theo lô cao su. Hầu hết đường ở các vùng trồng tại Lào đã xuống cấp, không được duy tu bảo trì ảnh hưởng đến hoạt động vận chuyển, thu hoạch trái cây. Thậm chí, một số nơi chưa có đường giao thông đảm bảo vận chuyển, kết nối nông trường cây ăn trái.

Về cơ sở vật chất: các nhà xưởng đóng gói chuối và hệ thống ròng rọc thu hoạch chưa đầu tư đồng bộ và quy hoạch không đúng vị trí, thiếu kho lạnh bảo quản trái cây; nhà ở cán bộ và công nhân chủ yếu sử dụng lại các công trình cũ đầu tư cho các nông trường cao su.

Về tổ chức sản xuất: chưa quy hoạch vùng trồng trọt cây ăn trái; hầu hết mặt bằng vườn cây để tự nhiên chưa được thiết kế và làm mặt bằng bài bản trước khi trồng nên khó áp dụng cơ giới hoá, đồng thời gây ngập úng cục bộ vào mùa mưa. Hơn nữa, các vùng trồng cây ăn trái rải rác, đan xen trong cao su nên không phù hợp cho công tác tổ chức sản xuất và quản lý tập trung.

VƯỚNG VẤN ĐỀ PHÁP LÝ TẠI CAMPUCHIA

Tại Campuchia: tổng diện tích đất của HNG là 8,375ha, trong đó diện tích đã trồng cây ăn trái là: 1.924ha, (chuối: 476ha - xoài, mít: 1.448ha). Diện tích cao su còn lại là: 3.603ha đang cho các hộ nông dân thuê khai thác. Diện tích cao su và cây ăn trái đã chết là 2.848ha.

Bên cạnh đó, HNG cũng đang giải quyết tranh chấp pháp lý đất với 12 làng trên tổng diện tích tranh chấp là 742 ha, thuộc huyện Oyadav, tỉnh Rattanakiri, Campuchia. HNG dự định sẽ cố gắng kết thúc việc tranh chấp trong năm 2022.

Qua khảo sát - đánh giá thực tế của THACO, thì dự án tại địa phương kể trên cũng không phù hợp để trồng cây ăn trái do địa thế nhiều đồi dốc và đường giao thông vận chuyển không thuận tiện.

DO CHƯA THỂ HUY ĐỘNG VỐN BÊN NGOÀI NÊN HNG VẪN PHẢI ĐẦU TƯ CHỦ YẾU BẰNG TIỀN VAY TỪ THAGRICO

Nguồn chi đầu tư trong năm 2021 của HNG được vay từ THAGRICO do HNG không thể huy động vốn từ các tổ chức tín dụng.

Nguyên do: Tài sản (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Lào và Campuchia) thuộc sở hữu của HNG đã thế chấp trước đó cho các ngân hàng để đồng đảm bảo cho các khoản vay trái phiếu của Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAG) tại BIDV.

Trong năm 2021, vì nhiều lý do khác nhau, công ty đã tạm dừng việc phát hành và chào bán 741.446.105 cổ phiếu HNG. Do đó, họ đã không thực hiện tăng vốn điều lệ như dự kiến.

THACO và cuộc tái thiết ở HAGL Agrico: Đường xa vạn dặm! - Ảnh 4.

HNG hy vọng sẽ huy động được vốn đầu tư cơ sở vật chất ngoài THAGRICO trong năm 2022.

Trong năm 2022, HNG tiếp tục làm việc với HAGL và BIDV để giải quyết công nợ giữa các bên và nhận lại các chứng nhận quyền sử dụng đất các dự án tại Lào và Campuchia, để triển khai pháp lý đầu tư dự án và huy động nguồn vốn để có dòng tiền đầu tư.

Trong ĐHCĐ 2022 vừa qua của Tập đoàn HAGL, Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức cho biết: doanh nghiệp này vừa có kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ để huy động 1.700 tỷ đồng, 700 tỷ đồng trong đó sẽ được họ dùng để trả nợ gốc cho đợt phát hành trái phiếu vào 30/12/2016 – với chủ nợ là ngân hàng BIDV.

Như thế, BIDV sẽ nhả tài sản thế chấp bên Campuchia cho HAGL và HAGL sẽ trả lại tài sản này cho HAGL Agrico – THACO. Và HAGL Agrico – THACO sẽ trả lại 2.000 tỷ đồng còn nợ HAGL. Sau khi bán HAGL Agrico cho THACO, tài sản chồng chéo của HAGL và HAGL Agrico lên đến 7.000 tỷ đồng.

Cũng trong ĐHCĐ 2022 của HAGL, Chủ tịch Trần Bá Dương cho hay: ưu tiên trước mắt của doanh nghiệp là phải cải tạo và xây mới cơ sở vật chất và đội ngũ nhân sự, trước khi nghĩ đến chuyện trồng cây gì và nuôi con gì trên diện tích lớn.

Trong năm 2022, HNG sẽ đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và công trình trên đất phục vụ sản xuất: gồm 17 km hệ thống ống/kênh dẫn nước; 02 hồ trung tâm, 3 hồ trung chuyển, 07 hồ tưới; 10 km tuyến đê bao chống ngập; nâng cấp 30 km đường dây điện, đầu tư 28km đường giao thông.

Ngoài ra, HNG còn đầu tư 1 xưởng đóng gói và 768 căn nhà ở cho 3.000 công nhân; đầu tư 34 xe cơ giới thi công, phương tiện vận chuyển và nhiều thiết bị nông nghiệp khác phục vụ cơ giới hoá. HAGL Agrico cũng sẽ trồng mới 315ha dứa để tiếp tục nhân giống cho năm 2023.

Niềm vui duy nhất của NHG chính là sân bay NongKhang (Lào) sắp khánh thành.

Theo đó, khối lượng thi công của sân bay NongKhang đã đạt 92,34%, khối lượng còn lại sẽ hoàn thành để bàn giao sân bay trong năm 2022, với giá trị đầu tư còn lại dự kiến là 176 tỷ đồng. Tổng giá trị dự án sân bay NongKhang là 85 triệu USD, HNG chưa có phương án thu hồi khoản đầu tư này từ chính phủ Lào.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại