Chuyên gia giáo dục “không cho con học Ams” châm ngòi cuộc chiến “trường chuyên”
Những ngày vừa qua, bài đăng chia sẻ ý kiến của một chuyên gia giáo dục về việc chị không cho con học trường Ams (THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam) đã thổi bùng nhiều tranh cãi trên mạng xã hội.
Theo vị phụ huynh này, ngay từ đầu con gái đòi thi vào trường Ams. Dù con khá chăm và học ổn, nhưng bản thân chị lại không muốn con thi vào ngôi trường này vì nhiều lý do như: Trường Ams học theo chuyên từng môn, dễ học lệch; môi trường quá cạnh tranh như trường Ams sẽ khiến các con sống mệt mỏi, so bì nhau, từ đó dễ nảy sinh tính cách hẹp hòi, hay chê bai, dìm hàng bạn bè, thiếu bao dung; khi gặp thất bại, con sẽ vất vả để vượt qua nỗi thất vọng bản thân hơn hẳn học nơi khác…
Chia sẻ của chuyên gia giáo dục về lý do không cho con học trường Ams gây ra nhiều tranh cãi
Vị phụ huynh này cũng chia sẻ, chị đã tìm cách “phá công cuộc” vào trường Ams của con bằng cách không cho con đi học thêm bất kỳ lớp nào. Cuối cùng, con chị đã trượt khi thi vào lớp chuyên của trường Ams, các lớp khác đủ điểm đỗ. Rồi con chị chọn học trường khác.
Sau khi được đăng tải trên MXH, bài đăng của vị chuyên gia nhanh chóng gây ra tranh cãi kịch liệt. Vấn đề “trường chuyên - lớp chọn” - câu chuyện tưởng chừng chỉ xuất hiện cách đây 5-10 năm bỗng chốc bị lôi lại một cách không cần thiết. Bên cạnh đó, cư dân mạng còn tỏ ra bức xúc khiến cuộc tranh cãi càng thêm gay gắt.
Cụ thể hơn, nhiều ý kiến cho rằng việc chuyên gia này đánh giá một thứ mà mình “chưa từng trải qua” (nhất là theo hướng rất tiêu cực) là phiến diện và thiếu chính xác. Bởi thực tế, con gái chị chưa từng học tại Ams bất kỳ một ngày nào.
Ngoài ra, một số phụ huynh khác nhận định, “không cho con học trường Ams” là ý muốn của vị chuyên gia này chứ không phải của con chị. Vậy là, tuy nói rất nhiều lý lẽ “vì con” nhưng đến cuối cùng, con vị này vẫn phải lựa chọn theo ý muốn của mẹ, đó là không được học thêm. Đây cũng là một trong số những nguyên nhân lớn khiến cô bé không đạt được mục tiêu ban đầu, đó là thi đỗ vào trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam.
Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam là một trong những trường chuyên hàng đầu Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung
“Cảm ơn mẹ, vì đã tin con có thể vào Ams”
Trong lúc sự việc đã trở thành tâm điểm chú ý của cư dân mạng, góc nhìn của anh Trần Hà Dương (Thạc sĩ ngành Chính sách công tại trường Đại học Harvard) đã khiến nhiều người chú ý. Được biết anh là một cựu học sinh của trường THCS Ams (nằm trong hệ thống trường THPT Chuyên Hà Nội - Ams), sau đó anh đi du học bậc phổ thông tại Singapore.
Ngay đầu bài chia sẻ, anh đã dành lời cảm ơn mẹ vì ngày trước đã tin tưởng và đồng hành cùng anh trên chặng đường ôn tập vào THCS Ams. Nhờ được học tập dưới môi trường Ams, anh đã được trao nhiều cơ hội phát triển bản thân, từ đó tạo tiền đề tốt để hoàn thành giấc mơ đi du học sau này.
Anh Hà Dương cũng bày tỏ, cuộc đời anh sẽ chắc chắn rẽ đi hướng khác nếu như mẹ không là người tin và nỗ lực vì con. Dù cho ở thời điểm đó, thi đậu vào môi trường học tập ở Ams với anh là một điều gì đó xa vời.
Anh Hà Dương và mẹ trong buổi tốt nghiệp chương trình Thạc sĩ tại trường Đại học Harvard
Nguyên văn bài chia sẻ của anh Hà Dương:
“CẢM ƠN MẸ, VÌ ĐÃ TIN CON CÓ THỂ VÀO AMS
Câu chuyện mình muốn kể bắt đầu cách đây đã gần hai chục năm. Khi đó, mình là một cậu bé lớp 3 ở một ngôi trường tiểu học nhỏ rất ít tiếng tăm tại Hà Nội. Ý nghĩ mình chuẩn bị để thi vào cấp 2 Ams - ngôi trường danh giá nhất thành phố - có lẽ chẳng bao giờ đến, cho đến một ngày có một người họ hàng tình cờ gợi ý điều đó với bố mẹ mình.
Mình chỉ nhớ thế nào mà mình lại nghe lỏm được cuộc trò chuyện của người lớn đó. Chẳng hiểu sao, chỉ là một cậu bé lớp 3 mà lúc đó trong mình bắt đầu một khát khao ghê gớm, như thể là một con cá nhỏ trong ao làng được lần đầu nghe tới biển rộng bao la vậy. Nhưng chuẩn bị để vào Ams có nghĩa là phải đi học thêm nhiều, rồi có thể phải chuyển sang một ngôi trường tiểu học tốt hơn nhưng xa nhà.
Trong lúc bố mình còn phân vân, mẹ là người gần như duy nhất nhìn thấy ý chí trong mắt mình ngày đó.
Một khi biết mình quyết tâm chuyển trường, mẹ quyết tâm rút ngay học bạ ở trường cũ để kịp cho năm học mới. Những ngày tháng đầu tiên sang trường mới, mình chật vật đứng gần bét lớp, mẹ vẫn không một lời trách mắng. Để có tiền cho mình đi học các lớp luyện thi, mẹ cần mẫn làm thêm ngoài giờ tại một phòng khám nhỏ, nhiều hôm tới tận khuya.
Cái ngày mình nhận được kết quả đỗ vào trường Ams, có lẽ mẹ là người hiểu rõ nhất giá trị của cơ hội này với con mình. Tại đây, mình đã được tiếp xúc với những người bạn giỏi và tốt bụng, và tới tận bây giờ mình vẫn có thể nhấc điện thoại lên và hỏi thăm những người bạn đó. Đến cuối những năm cấp 2 của mình, Ams là trường duy nhất tại Hà Nội lúc đó được một trường trung học hàng đầu ở Singapore lần đầu tới thăm và tuyển chọn. Mình may mắn là một trong số ít học sinh Ams lứa đầu tiên được cấp học bổng toàn phần đi du học tại ngôi trường đó.
Và hành trình du học vươn ra biển lớn của mình bắt đầu từ đó.
Mình viết bài này không phải là về trường Ams. Mình biết Ams không hoàn hảo, lại càng không phải con đường duy nhất dẫn tới thành công. Ams trong câu chuyện của mình là hình tượng về một ước mơ, một khát khao vươn tới điều lớn lao hơn một cách kỳ lạ của đứa trẻ là mình nhiều năm về trước. Mình tin rằng trong mỗi đứa trẻ đều có những ước mơ riêng như vậy.
Điều quan trọng nhất đó là cuộc đời mình chắc chắn đã rẽ đi hướng khác, nếu như mẹ không là người tin và nỗ lực vì mình, dù cho ước mơ của mình có khó khăn tới đâu.
Trong ảnh là mẹ mình trong ngày mình tốt nghiệp Thạc sĩ tại Harvard, hơn 10 năm sau câu chuyện ở trên.
Cảm ơn mẹ vì đã luôn tin và ủng hộ ước mơ của con”.
Anh Hà Dương: "Cảm ơn mẹ vì đã luôn tin và ủng hộ ước mơ của con"
Sau khi đăng tải, bài viết của anh Hà Dương đã thu hút hơn ngàn tương tác trên mạng xã hội. Phần đông ý kiến đều cho rằng anh thật may mắn vì đã có mẹ thấu hiểu, cùng đồng hành trên hành trình chinh phục ước mơ.
“Mẹ anh quả là một người mẹ tuyệt vời anh ạ. Em thực sự kính phục con người bác. Em xin chúc bác có thật nhiều sức khỏe nhé ạ. Hy vọng câu chuyện của anh sẽ lan tỏa đến nhiều bậc phụ huynh hơn nữa, vì nó thực sự rất ý nghĩa”, tài khoản M.T.H chia sẻ.
“Chuyện của anh và mẹ làm em nhớ mẹ em quá chảy cả nước mắt. Nhớ về những ngày mẹ đưa đón em đi luyện thi, học thêm, rồi những ngày mẹ mang vác đồ đạc thức ăn cho em khi ở Singapore, những lần nấc nghẹn cố kìm lòng khi tiễn mẹ về, và không biết bao lần gạt nước mắt khi nghĩ đến những vất vả của mẹ. Có lẽ tình yêu to lớn của các mẹ là một nguồn động lực mạnh mẽ cho những cố gắng của thanh xuân tuổi trẻ để ‘thành công - thành người’. Chúc anh và bác thêm nhiều kỷ niệm đẹp nữa nhé”, tài khoản K.A.N nhận định.
Sẽ rất may mắn nếu mọi người trẻ nhận được từ phụ huynh sự lắng nghe
Trao đổi thêm với chúng tôi, anh Hà Dương cũng bày tỏ quan điểm về bài đăng “Vì sao tôi không cho con học trường Ams?” đang gây tranh cãi của vị chuyên gia giáo dục:
“Quan điểm chung của mình đó là phụ huynh có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của mỗi người trẻ. Mình tin là trong mỗi người trẻ ai cũng có những tiềm năng, tố chất và ước mơ riêng.
Sẽ là một điều rất may mắn nếu như mọi người trẻ nhận được từ phụ huynh trước hết là sự lắng nghe, thấu hiểu, không áp đặt, và tốt hơn nữa là được phụ huynh tôn trọng ước mơ cá nhân và hỗ trợ bằng những nguồn lực tốt nhất để phát huy hết tiềm năng của mình”, anh Hà Dương nói.
Theo Thạc sĩ Harvard này, một đứa trẻ cần nhất là sự lắng nghe, thấu hiểu từ cha mẹ
Bên cạnh đó, nói về quan điểm gây tranh cãi bấy lâu nay rằng môi trường học của Ams có thể nảy sinh tâm lý so bì, dễ hình thành tiêu cực hay gây áp lực cho người trẻ, anh Hà Dương cũng nhận định:
"Làm thế nào để mỗi bạn trẻ có một môi trường học tập tích cực nhất, bên cạnh đó các bạn cũng rèn luyện được bản lĩnh vững vàng trước những thử thách khó khăn, là trách nhiệm của không chỉ một ngôi trường bất kỳ, mà là của cả phụ huynh, thầy cô cũng như hệ thống giáo dục nói chung. Bản chất sự thi đua hay hướng tới tiêu chuẩn cao là cần thiết để học sinh khám phá được hết những giới hạn tiềm năng của mình.
Nhưng để những điều đó không trở thành áp lực tiêu cực, thì phụ huynh, thầy cô phải đồng hành thường xuyên và cho học sinh những góc nhìn rộng hơn, dài hạn hơn về định nghĩa của sự thành công bên ngoài điểm số hay thành tích. Bên cạnh đó chương trình giáo dục hay cách đánh giá học sinh cũng cần có sự thay đổi để khuyến khích sự giúp đỡ, cộng tác nhiều hơn thay vì chỉ theo đuổi mục tiêu cá nhân”.