Trong một buổi phỏng vấn gần đây, ông Chris Freund - người đứng đầu quỹ Mekong Capital - một trong những nhà đầu tư lớn nhất của Thế giới di động cho biết, ông rất hài lòng với khoản đầu tư vào chuỗi bán lẻ công nghệ này.
Từ một doanh nghiệp nhỏ với doanh thu chỉ 1 - 2 triệu USD/năm, TGDĐ đã tăng trưởng chóng mặt và hiện tại trở thành nhà bán lẻ quy mô nhất Việt Nam với doanh thu đạt 2 tỉ USD trong năm 2016.
Mặc dù vậy, Chris Freund vẫn tỏ ra là một nhà đầu tư thực tế. Khi nhắc tới mục tiêu mà TGDĐ đặt ra là quy mô doanh thu đạt 10 tỉ USD vào năm 2020, ông Freund nhận xét thẳng thắn: "Việc tăng quy mô doanh thu lên tới 10 lần trong vòng 5 năm (năm 2015 - doanh thu của TGDĐ đạt 1 tỉ USD) là một mục tiêu không thực sự khả thi".
Nhận định của giám đốc Mekong Capital, có lẽ đến từ việc quy mô của Thế giới di động hiện nay đã vào hàng "top" các DN lớn nhất Việt Nam, vì vậy việc tạo ra động lực tăng trưởng tiếp theo sẽ không đơn giản. Nhất là 10 tỷ USD - tương đương doanh thu đạt 220.000 tỉ đồng một năm, nghe rất "không tư
Tuy nhiên khi trao đổi về vấn đề này, ông Trần Kinh Doanh - TGĐ Thế Giới Di Động (MWG) lại bật cười và tỏ ra rất tự tin:
"Nếu đặt cương vị là tôi, hẳn bạn sẽ thấy rất tự tin với mục tiêu 10 tỷ USD. Chúng tôi sẽ làm được đấy. 10 tỷ USD là khả năng ở tương lai, chưa có ở thời điểm hiện tại. Vì vậy, mọi người đều có quyền tự do đưa ra quan điểm, nhận định của mình. Như vậy thì cuộc chơi mới thú vị", ông Doanh chia sẻ.
Vậy cụ thể 10 tỉ USD của Thế giới di động sẽ đến từ đâu?
Đi tìm lời giải cho bài toán 10 tỷ USD, TGĐ Thế Giới Di Động cho biết, tính riêng thị trường điện tử tiêu dùng ở Việt Nam (bán lẻ di động, điện máy...), hiện mỗi năm đã đạt khoảng 7-8 tỷ USD. Trong 3-5 năm tới, thị trường này chắc chắn sẽ đạt ngưỡng 10 tỷ USD.
Ông Doanh tự tin cho rằng, với sức mạnh của chuỗi Thegioididong.com và tốc độ phát triển vượt bậc của Điện máy XANH, sẽ không lâu hay quá khó khăn để TGDĐ đạt được 50% thị phần của thị trường 10 tỷ USD trong 3-5 năm tới.
"Cứ phát triển như bây giờ là chúng tôi đã đạt doanh thu 5 tỷ USD vào năm 2020 rồi, vậy 5 tỷ USD nữa nằm ở đâu?
Phần còn lại sẽ kỳ vọng vào Bách hóa XANH. Thị trường tiêu dùng thiết yếu và thực phẩm tươi sống là vô cùng to lớn, ước đoán 50-60 tỷ USD. Bách hóa XANH chỉ cần phục vụ được 10% nhóm này thì ước mơ 10 tỷ USD của công ty là rõ ràng", ông Doanh phân tích.
Như vậy, chuỗi Bách hóa XANH sẽ là nhân tố then chốt quyết định ước mơ 10 tỷ USD của TGDĐ, khi chuỗi Thegioididong.com và Điện máy XANH chắc chắn sẽ giúp công ty đi được 1/2 chặng đường.
Thậm chí, ông Doanh còn ước tính, con số 10 tỉ USD mục tiêu chưa bao gồm doanh thu từ thương mại điện tử và thị trường nước ngoài.
Tất nhiên, có thể thấy những toan tính của ông Doanh và ban lãnh đạo Thế giới di động mới được kiểm chứng một nửa ở Thế giới di động và Điện máy Xanh. Một nửa còn lại - câu chuyện Bách hóa XANH, sẽ còn cần thêm nhiều thời gian để đánh giá.
Thị trường bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng có quy mô khổng lồ, nhưng cũng là "chiến trường" khốc liệt với vô số doanh nghiệp hùng mạnh không hề thua kém Thế giới di động. Bản thân những DN đó, suốt bao năm qua cũng chưa có ai vươn lên được con số doanh thu 5 tỉ USD/năm.
Để không rơi vào cảnh "đếm cua trong lỗ", Thế giới di động cũng phải có vũ khí của riêng mình. "Không cần chiến lược kinh doanh sâu xa, sự khác biệt lớn nhất mà chúng tôi tạo dựng, đó là văn hóa tận tâm phục vụ khác hàng", ông Doanh chia sẻ.