TGĐ Nhựa Long Thành: Nếu nhận tin nhắn của tôi sau giờ hành chính, nhân viên nên lờ đi

THẾ HUÂN/ ẢNH: TEAM SỰ KIỆN/ THIẾT KẾ: MAI LINH |

Chân dung “sếp" Phạm Trần Nhật Minh có thể khiến bạn bất ngờ.

Nhựa Long Thành là một thương hiệu nổi tiếng, ngoài dấu ấn trên thương trường thì người ta vẫn nhắc nhiều đến Tổng giám đốc - Phạm Trần Nhật Minh. Anh được gọi nhiều với cái tên “Minh Nhựa”, đúng với ngành nghề mà gia đình kinh doanh.

Phạm Trần Nhật Minh tâm sự rất thích mô hình làm việc của “ông lớn” Samsung, cố gắng hướng công ty của mình chuyên nghiệp và có văn hoá làm việc giống với hình mẫu của “ông lớn” Hàn Quốc. Ngoài đời, Phạm Trần Nhật Minh là người phóng khoáng, “sao cũng được miễn là vui”. Tuy nhiên, ở vị trí lãnh đạo, anh lại có nhiều nguyên tắc về nhìn người và cách ứng xử đối với nhân viên, cấp dưới của mình.

Ngày làm công nhân tôi thích ý kiến cho công ty, giờ làm chủ nghĩ lại thấy mình hơi quá

Anh từng kể đi làm từ năm 12 tuổi, ngày bước vào công ty là làm công nhân khuân vác, đi từ vị trí thấp nhất cho tới chỗ đứng hôm nay. Thật sự khó hình dung Phạm Trần Nhật Minh khi làm công nhân sẽ thế nào?

Thời điểm đó có rất nhiều thứ xảy ra, vì chưa phải là công ty lớn như bây giờ. Vào thời điểm đó, tôi là người đưa máy tính vào công ty khi mọi người chưa biết gì về photoshop, đại diện cho công ty để đi học tất cả những thứ đó, về vẽ lại bản vẽ của các hãng bia lớn để xuất một bản phim, đưa tới công nhân và in ấn,... Đó là những cái đã ghi thành dấu ấn trong cuộc đời của tôi.

Thời điểm đi làm lương tôi cũng 3,5 triệu, ăn 20-30 nghìn. Lúc đó tôi vẫn dư giả, vẫn có xe để đi vì tiền đang ngang tầm với cuộc sống của tôi. Nhưng hôm nay nó khác, có thể thêm 2-3 số 0 đằng sau thì đủ chưa? Cũng đủ. Nhưng hỏi tương lai đủ không? Chắc là chưa.

TGĐ Nhựa Long Thành: Nếu nhận tin nhắn của tôi sau giờ hành chính, nhân viên nên lờ đi - Ảnh 2.

TGĐ Phạm Trần Nhật Minh

Thế nên, trong cuộc sống, mình cần phải lên kế hoạch xem ở từng giai đoạn mình cần gì, phải làm gì, số tiền cần trang trải. Thì đó mới là câu trả lời chính xác nhất cho câu hỏi “tiền có mang lại hạnh phúc hay không?”.

Nói thì rất dễ, nhưng có khi nhân viên ở dưới sẽ nói ngược lại “vì anh làm sếp nên nói gì cũng đúng”. Liệu anh có từng đặt vị trí của mình khi là một nhân viên?

Vào thời điểm vừa ra trường và sau đó là khoảng 10 năm, tôi tìm được niềm vui từ công việc. Không phải ở vị trí áp lực của một người chủ vì lúc đó mình đi làm công mà, tôi cũng từng là nhân viên trước khi làm sếp. Nhưng khi vươn lên vị trí phó tổng, thì tôi cảm giác làm chủ không đơn giản như mình nghĩ.

Ở vị trí một người công nhân, mình có thể đưa ra ý kiến cho công ty, đưa ra rất nhiều chính sách. Mặc dù là con của chủ nhưng tôi vẫn đứng ở vị trí của người lao động nhiều hơn. Sau đó khi đứng ở vị trí của phó tổng, tôi nhìn lại và thấy thời gian đó mình hơi quá, hơi tiêu cực. Nên bây giờ tôi hay đứng ở vị trí dung hòa cả hai bên.

TGĐ Nhựa Long Thành: Nếu nhận tin nhắn của tôi sau giờ hành chính, nhân viên nên lờ đi - Ảnh 3.

Tôi từng là kiểu sếp “nếu anh làm không được thì nghỉ” - Bây giờ thì khác rồi

Trước khi làm chủ, anh cũng là nhân viên. Vậy cách anh đánh giá cấp dưới có sự khác biệt nào không?

Ở mỗi chặng đường tôi sẽ có cách trao đổi cách làm việc khác nhau. Ví dụ như vào thời điểm vừa đi làm từ năm 2004 đến 10 năm sau đó, tôi chỉ có 1 mục tiêu duy nhất, tất cả những ai đi cùng tôi mà không làm được thì nghỉ. Tôi khi đó là kiểu sếp: “Anh chỉ cần làm đúng mục tiêu tôi đề ra, nếu có một vài lý do khiến anh không làm được điều đó, tôi sẽ không nghe, không quan tâm, nghỉ luôn”. Tôi sẽ là người thay thế vị trí đó để làm tất cả mọi thứ. Vì lúc đó nhiệt huyết của mình khủng khiếp lắm, tuổi trẻ nên mình sung.

Đó là cách mà 10 năm trước tôi làm, thành quả nó vẫn có, đó là mang lại một kết quả lớn cho công ty. Nhưng sau đó, khi nhìn lại tôi thấy xung quanh mình không còn ai cả dù công ty vẫn phát triển.

Bây giờ quan điểm làm sếp của anh đã thay đổi?

Hiện tại tôi mong muốn mình có nhiều người bên cạnh để cùng nhau làm. Tất nhiên, hiệu quả sẽ không bằng trước kia vì mình đặt tình cảm nhiều quá. Có những bạn làm chưa tốt thì mình vẫn cho cơ hội, cơ hội lần thứ nhất, lần 2,... Có những người tôi gợi ý đi học nhưng lại đưa ra lý do bận gia đình, chi phí không đủ trang trải nhưng sau đó lại muốn lương cao. Tức là mình phải đi học thì mới có đủ kinh nghiệm, dành nhiều thời gian để làm thì mình mới có mức thu nhập đó. Vì kiến thức của bạn không đủ, trình độ chưa tới, chuyên môn không tốt thì bạn phải làm chứ. Chứ cứ muốn thu nhập cao mà không làm được thì khó cho tôi quá.

TGĐ Nhựa Long Thành: Nếu nhận tin nhắn của tôi sau giờ hành chính, nhân viên nên lờ đi - Ảnh 4.
TGĐ Nhựa Long Thành: Nếu nhận tin nhắn của tôi sau giờ hành chính, nhân viên nên lờ đi - Ảnh 5.

Nhưng tôi không sa thải họ, chứ 10 năm trước chỉ cần nói lý do thôi là tôi đã cho nghỉ rồi. Thế nên, tôi bị dễ hơ,n và như thế thì hiệu quả công việc sẽ không bằng lúc trước. Nhưng tôi thấy vui vẻ hơn. Cái gì cũng có giá của nó.

Nhiều người rạch ròi giữa tính cách cá nhân ngoài xã hội và thái độ làm việc để đánh giá nhân viên của mình, anh thì sao?

Cách nhìn người ở ngoài xã hội và trong công việc với tôi là một. Ai trong cuộc sống cũng có cái tốt - xấu. Hiện tại tôi không chăm chăm vào tính xấu của ai đó nhưng cũng không cố gắng giải quyết việc đấy cho họ. Khi cần, họ đến với tôi, tôi sẽ chia sẻ. Nhưng phương pháp tốt nhất là mình phải thay đổi bản thân, chứ đừng kỳ vọng ai đó thay đổi vì mình.

Nếu tôi nhắn tin sau giờ hành chính thì nhân viên hãy cứ lờ đi

Người ta cho rằng nhân viên có tài thì sẽ có “tật”, anh thấy quan điểm này đúng không?

Đại đa số những người có tài sẽ là người có tật, đúng đấy. Tôi vẫn có những nhân viên như thế. Lúc đầu họ không giỏi nhưng sau đó tôi khai thác họ. Tôi vẫn hay nói với nhân viên rằng “chúng ta có tài, có tật nhưng cái tật đó phải là cái góp phần làm cho công ty tốt lên, đưa ra hiệu suất”. Còn cái tật của cá nhân mà bắt công ty phải phù hợp với mình thì không được. Vì công ty là một cộng đồng có rất nhiều người.

TGĐ Nhựa Long Thành: Nếu nhận tin nhắn của tôi sau giờ hành chính, nhân viên nên lờ đi - Ảnh 7.

Khi làm sếp ở Long Thành, hình tượng của anh như thế nào?

Trước khi làm lãnh đạo, tôi đi làm cũng phải quẹt thẻ, chấm công, rồi cuối tháng có bảng lương, kế toán nói tôi đi làm trễ ngày này, ngày kia nhưng đã bù lại bằng phần làm quá giờ. Có nghĩa là có sự tương tác qua lại. Vì công ty của tôi theo chuẩn mực là cho dù ở vị trí nào thì tất cả cũng phải giống nhau. Vào năm 2014, tôi vẫn mang áo công nhân đi làm, sau đó thành nhân viên văn phòng, vẫn vào nhà ăn, ăn cùng tất cả công nhân, muốn ăn cũng phải xếp hàng, quẹt thẻ,..

Nếu mọi người áp thần thái của tôi từ một người chơi xe vào công việc thì tôi dám chắc chắn mọi người sẽ không bao giờ tin được người đó là tôi. Bởi vì tôi rất tập trung. Nhưng hiện tại tôi đang thay đổi hoàn toàn phong thái khi làm việc ở Long Thành. Tôi muốn trong 3 năm tới, slogan của Long Thành sẽ là FREE, tức là tự do. Khi vào công ty làm việc, bạn cảm thấy thoải mái như đang ngồi ở nhà của mình thì hãy nói với tôi. Tôi sẽ cho bạn một vị trí làm việc đúng với sở thích của bạn.

Anh tự thấy mình là 1 vị sếp như thế nào?

Tôi nghĩ mình là một người sếp chưa tốt, vì còn rất nhiều thứ đang rất muốn làm nhưng tôi còn nhiều hạn chế. Thế nên, tôi vẫn hay gửi những lời xin lỗi tới tất cả nhân viên. Thời điểm hiện tại, tôi chưa làm tốt nhưng tôi sẽ cố gắng nhiều hơn nữa.

TGĐ Nhựa Long Thành: Nếu nhận tin nhắn của tôi sau giờ hành chính, nhân viên nên lờ đi - Ảnh 8.
TGĐ Nhựa Long Thành: Nếu nhận tin nhắn của tôi sau giờ hành chính, nhân viên nên lờ đi - Ảnh 9.

Gần đây người ta nói nhiều về việc nhân viên làm thêm ngoài giờ. Liệu anh có phải là sếp mà 11-12 giờ đêm vẫn nhắn tin cho nhân viên?

Có đấy, nhưng tôi cũng đang thay đổi rồi. Đại đa số là khi tôi tìm ra được một ý tưởng nào đó hoặc tìm được lời giải cho câu hỏi của cấp dưới trong công việc. Nhưng tôi rất hạn chế việc này, vì mong muốn mọi người có được khoảng trời riêng, nhất là nhân viên nữ nữa. Họ có gia đình và có đôi khi chồng họ có khiếu nại rằng “ủa anh Minh ơi sao khuya quá vẫn làm việc vậy” thì tôi sẽ tiếp thu ngay.

Tôi còn nhắn với nhân viên mình rằng sau này anh có nhắn gì thì em cứ kệ nó đi, đừng trả lời lại. Tôi nghĩ là sau giờ hành chính chúng ta cũng không nên trao đổi với nhau về công việc.

Đã bao giờ anh muốn kéo nhân sự quá nổi bật ở nơi khác về làm cho mình?

Để tuyển dụng nhân tài từ một công ty khác, có thể là công ty đối thủ thì tôi sẽ làm rất đơn giản, bằng cách… kết thúc suy nghĩ đó liền. Vì quy tắc của tôi là không lôi kéo những người làm ở công ty đối thủ. Nếu thật sự họ là một người tài, họ phải có đủ khả năng để đánh giá công ty này, sếp này đang ổn hơn công ty đang làm hay không? Khi họ có mong muốn thì họ sẽ có rất nhiều lý do để đi. Còn khi họ chưa muốn mà chúng ta chiêu nạp thì đó chỉ là hành động nhất thời. Sau đó họ lại nhảy việc thôi.

Cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại