Chính thức bước vào lĩnh vực bán lẻ hàng công nghệ từ năm 2012, FPT Retail bị xem là "kẻ chậm chân" bởi thị trường khi đó đã đầy đủ anh tài với nền tảng vững mạnh như Thế giới di động, Viễn thông A,...
Mặc dù vậy, nhờ chiến lược kinh doanh bài bản, FPT Retail đã mở rộng hệ thống rất nhanh, đưa chuỗi FPT Shop trở thành thế lực xếp thứ 2 trên thị trường bán lẻ hàng công nghệ với doanh thu khoảng 10.700 tỉ đồng trong năm 2016.
Và đó chưa phải là tất cả. Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Bạch Điệp, Tổng giám đốc của FPT Retail đã chia sẻ rất nhiều hướng phát triển mới đầy thú vị, trong đó FPT Shop sẽ không còn là cái tên chủ đạo duy nhất.
"Trong 2 năm tới nếu tiếp tục đà phát triển này, FPT Shop sẽ ngưng mở mới các cửa hàng", bà Điệp chia sẻ.
Vậy nếu không phải là thương hiệu FPT Shop, bước tiếp theo của FPT Retail sẽ là gì?
Dự tính hết năm 2016, FPT Shop sẽ phát triển tới 370 cửa hàng, doanh thu và lợi nhuận trước thuế dự kiến lần lượt đạt 10.700 tỷ đồng và 250 tỷ đồng.
- FPT Retail đã có một năm khá thành công khi vượt mục tiêu doanh thu đặt ra hồi đầu năm. Theo bà, thành công của FPT Retail đến nhờ yếu tố thuận lợi thị trường hay chiến lược kinh doanh đặc biệt của công ty?
Về thuận lợi của thị trường thì ngay khi làm kế hoạch đầu năm, chúng tôi đã có tính đến và mục tiêu tăng trưởng cũng dựa trên tăng trưởng của thị trường mà giao. Chưa kể thuận lợi của thị trường cũng sẽ là thuận lợi chung của tất cả các nhà bán lẻ trong ngành.
Vì vậy, để tăng trưởng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng của thị trường, FPT Retail cũng phải có nhiều nỗ lực trong việc định hình phân khúc sản phẩm, cải thiện chất lượng, thái độ phục vụ khách hàng, tập trung tối ưu quy trình, chi phí... để đạt được kết quả như hiện tại.
- Dù tăng trưởng tốt, nhưng kế hoạch của Tập đoàn FPT vẫn là bán toàn bộ mảng bán buôn (FPT Trading) và thoái dần khỏi bán lẻ (FPT Retail), tại sao FPT Retail đang đà tăng trưởng thuận lợi nhưng tập đoàn FPT vẫn quyết bán?
Việc tập đoàn FPT quyết định giảm tỉ lệ sở hữu tại FPT Retail thì FPT Retail không bình luận, vì tập đoàn có lý do để làm việc đó. Là công ty con của tập đoàn, FPT Retail tuân thủ các quyết định của tập đoàn.
Tuy nhiên, cho dù người chủ là ai thì họ đều mong chờ FPT Retail hoạt động hiệu quả, mang lại lợi nhuận ngày càng cao. Vì vậy, FPT Retail không quá quan tâm về sở hữu, mà chỉ quan tâm đến việc làm tốt nhất, đưa ra các kế hoạch tăng trưởng bền vững trong các năm tiếp theo, như vậy thì chủ sở hữu sẽ hài lòng.
- Kế hoạch bán cổ phần có ảnh hưởng tới chiến lược phát triển tiếp theo của FPT Retail không, thưa bà?
Nhiệm vụ của FPT Retail đó là vẫn phải tiếp tục chứng minh sự tăng trưởng bằng các con số. Chuỗi FPT Shop đã xây được 5 năm với gần 400 cửa hàng ở 63 tỉnh thành nay tạm ổn, FPT Retail đã phải nghĩ đến bước đi tiếp theo để tiếp tục tăng trưởng trong các năm kế tiếp.
FPT Retail coi thế mạnh cốt lõi của mình là know-how mở chuỗi và quản trị chuỗi bán lẻ, vì vậy FPT Retail sẽ nghiên cứu, tìm kiếm cơ hội đầu tư tiếp vào các chuỗi bán lẻ mới, ngành nghề mới có tiềm năng và hạn chế rủi ro. Ngoài ra, online cũng là hướng mà chúng tôi tiếp tục tập trung và đẩy mạnh trong thời gian sắp tới.
- Ra đời từ năm 2007 - gần như sớm nhất thị trường bán lẻ di động, tuy nhiên mãi tới tận 2012 FPT Retail mới được đẩy mạnh đầu tư hệ thống. Bà có thể lý giải lý do tại sao FPT Retail làm như vậy?
FPT Retail ra đời từ 2007 nhưng thực ra chỉ là 1 bộ phận nằm trong công ty phân phối FPT, chủ yếu nhiệm vụ là làm showroom trưng bày hàng cho các hãng.
Giai đoạn đó FPT phân phối rất phát triển và đang cung cấp hàng cho nhiều chuỗi bán lẻ khác, vì vậy FPT Retail không thể trực diện cạnh tranh với chính khách hàng của mình.
Đến 2012, xu thế các hãng trực tiếp làm việc với nhà bán lẻ để đưa hàng đến tay người dùng nhanh hơn, rẻ hơn, trở nên mạnh mẽ, FPT Retail được tập đoàn đầu tư chính thức thành công ty riêng và chủ động phát triển kinh doanh từ đó.
Bà Nguyễn Bạch Điệp - Tổng Giám Đốc FPT Retail
- Giai đoạn 5 năm trước 2012, nhiều thương hiệu đã tăng trưởng phi mã và vươn lên số 1 thị trường. FPT Retail có thấy hối tiếc vì đã bỏ lỡ cơ hội?
Mỗi công ty ở mỗi giai đoạn đều có lý do riêng, mục tiêu riêng để chọn hướng đi, ví dụ giai đoạn đó thì công ty phân phối FPT cực kỳ thành công và mạnh nhất thị trường, vì vậy tập trung vào lĩnh vực phân phối là mục tiêu chính ở thời điểm đó.
Đúng là FPT Retail đã đi sau rất xa so với các thương hiệu hàng đầu hiện nay và bất lợi về thời gian rất lớn, nhưng người đi sau lại có thuận lợi là học được cái hay của người đi trước, trả giá ít hơn, đỡ rủi ro hơn, và thêm 1 chút may mắn nên FPT Retail cũng vươn lên được vị trí thứ hai sau 5 năm, việc này cũng không quá tệ.
- Các đối thủ của FPT Retail đang có những bước tiến mới. Đó là đa dạng hóa các sản phẩm bán lẻ của mình thay vì chỉ là hàng công nghệ như trước. FPT Retail có dự tính phát triển bước này trong tương lai?
Việc đa dạng hóa các sản phẩm bán lẻ của mình thay vì chỉ là hàng công nghệ như trước có thể coi là hướng đi bắt buộc của các công ty bán lẻ, trong đó FPT Shop không ngoại lệ.
Trong một ngành nghề, khi 2- 3 ông chiếm 60 - 70% thị phần thì cửa đi nữa là không có. Muốn phát triển thì phải mở chuỗi ở nước ngoài hoặc phải mở gì mới.
Dự báo trong 2 năm tới nếu tiếp tục đà phát triển này, FPT Shop sẽ ngưng mở mới các cửa hàng, tập trung vào thương mại điện tử và mở hướng kinh doanh mới để đảm bảo tăng trưởng. Khi đó, cốt lõi của các công ty bán lẻ là khả năng mở chuỗi, quản lý chuỗi chứ không còn là ngành gì, nghề gì.
Tuy nhiên, FPT Shop có thể không mở rộng ngành nghề sang điện máy. Chúng tôi sẽ đi tìm những ngành nghề có tiềm năng như ăn uống, dược phẩm, thời trang, các cửa hàng tiện lợi sau khi đã nghiên cứu kỹ những tiềm năng cũng như rủi ro
- Mọi người khá ngạc nhiên trước quyết định hợp tác với Vinamilk để bán sữa, đây có phải là bước đầu tiên trong việc đa dạng hóa kênh bán lẻ của FPT Retail? Nếu đúng, liệu FPT Retail có định xây dựng thương hiệu bán lẻ riêng mới không?
Chắc chắn là như vậy, như đã nói ở trên, FPT Retail sẽ phải đa dạng hoá sản phẩm, ngành nghề, mở thêm nhiều thương hiệu khác ngoài thương hiệu FPT Shop.
Thực ra ngay hiện tại, FPT Retail đang sở hữu 2 thương hiệu chuỗi khác nhau: thương hiệu FPT Shop của chuỗi bán lẻ hàng CNTT của nhiều hãng khác nhau và thương hiệu F.Studio by FPT của chuỗi bán lẻ được uỷ quyền cao nhất của Apple tại thị trường Việt Nam.
Trong tương lai, sẽ có thêm nhiều thương hiệu chuỗi mới của FPT Retail, tuỳ thuộc vào ngành nghề mới mà FPT Retail sẽ chọn lựa đầu tư trong thời gian sắp tới.
- Vậy còn mảng bán online - vốn được coi là xu hướng mua sắm hiện nay thì sao? FPT Retail có dự định tập trung đầu tư vào đây không?
Với ngành hàng CNTT, khách hàng Việt Nam rất có nhu cầu trải nghiệm thử, cầm nắm thử, được tư vấn trực tiếp, được hỗ trợ cài đặt trực tiếp... Vì vậy kinh doanh truyền thống vẫn đang rất hiệu quả và phù hợp.
Tuy nhiên, khách hàng cũng càng ngày càng có nhu cầu tìm kiếm, so sánh, chọn lựa khuyến mại đi kèm... trên online, rồi mới quyết định đến cửa hàng truyền thống để trải nghiệm và mua hàng. Vì vậy online càng ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong việc mang khách hàng cho shop truyền thống.
Theo GFK, tỉ trọng doanh thu online của mảng CNTT vào khoảng 4%. Ở FPT Retail, tỉ trọng này là 10% và có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn gần gấp đôi so với doanh thu của shop truyền thống.
- Cảm ơn bà đã tham gia trả lời phỏng vấn. Chúc cho bà và FPT Retail hoàn thành được những mục tiêu đã đặt ra!