Sới vật làng Sình không trải thảm mà dùng đất cát lót nền trên sới vuông, chiều cao 1,5m, mỗi cạnh rộng 8m. Hội vật là nơi tôn vinh những thanh niên cường tráng. Ngoài yếu tố tạo sân chơi lành mạnh trong những ngày đầu xuân, hội vật còn cổ vũ tinh thần thượng võ, kích thích rèn luyện sức khỏe, lòng dũng cảm, sự tự tin, mưu trí.
Vật làng Sình về cơ bản áp dụng theo nguyên tắc, thi thức thi đấu môn vật dân tộc. Hội vật làng Sình Tết Giáp Ngọ năm nay thu hút gần 100 đô vật tham gia ở hai lứa tuổi: thiếu niên và thanh niên, với thể thức ghi danh tự do. Tham gia hội vật phần lớn là thanh thiếu niên địa phương (xã Phú Mậu). Ngoài ra, còn có nhiều đô vật đến từ các làng vật nổi tiếng như Thủ Lễ (huyện Quảng Điền), TP Huế, thị xã Hương Trà và nhiều xã thuộc huyện Phú Vang.
Ngay sau tiếng trống khai hội, các đô vật bước vào tranh tài. Những thế vật biểu diễn độc đáo được các đô vật cố gắng phát huy, nhằm mang đến cho khán giả nhiều màn tranh tài hấp dẫn, đẹp mắt đầu xuân.
Theo sử liệu, hội vật làng Sình (tên Nôm của làng Lại Ân) xuất hiện cách đây hơn 400 năm, được xem là hội võ vật lớn và cổ xưa nhất của xứ Đàng Trong. Hội vật làng Sình mang tính truyền thống, là nét đẹp tinh hoa võ vật của mảnh đất Cố đô, được lưu truyền qua nhiều thế hệ cho đến hôm nay.
Dù làm ăn, sinh sống ở bất cứ nơi đâu, cứ vào ngày mùng 10 tháng Giêng Âm lịch hằng năm, người dân TT-Huế lại nô nức kéo về làng Sình, xã Phú Mậu, để xem hội, và thi tài vật võ cổ truyền. Tâm thức đó vẫn còn lưu dấu qua câu ca dao xưa: Dù ai đi đó đi đây/ Đến ngày hội vật nhớ quay về Sình.