13 cái Tết lạnh giá của vợ chồng già vô gia cư giữa lòng Thủ đô

13 năm nay, 13 cái Tết của ông Sơn và bà Mận không một mái nhà che chắn, chỉ có hai con người đến tuổi gần đất xa trời dựa vào nhau.

Cuộc sống bên đường ray tàu hỏa

Đường phố Hà Nội mùa giáp Tết thật ồn ã. Xe cộ náo nhiệt. Ấy vậy mà giữa lòng Thủ đô lại có một góc nhỏ lụp xụp, yên ắng bên phố Nguyễn Thái Học. Bên cạnh đường ray tàu hoả, một túp lều được dựng bởi bốn thanh gỗ thẳng đứng. Bên trong túp lều là một chiếc giường gỗ chỉ đủ một người nằm, cùng ít đồ dùng sinh hoạt hằng ngày. Túp lều có lẽ che được nắng, được mưa, nhưng chắc hẳn không che được cái rét của mùa đông thành phố. Đây là nơi tạm trú của ông Phạm Ngọc Sơn (82 tuổi) và bà Chu Thị Mận (74 tuổi).

 - Ảnh 1

Túp lều tạm bợ bên đường ray tàu hoả.

Hai ông bà đã đến tuổi gần đất xa trời, nhưng đến nay vẫn không có mái nhà nào chắc chắn để ở. Ông Sơn là cựu chiến binh, trên mình còn mang tàn tích của chiến tranh. Trên đầu ông lưa thưa sợi tóc nay đã ánh bạc, nhìn kĩ hơn còn thấy bốn, năm vết sẹo do mảnh đạn gây ra. Bà Mận nhuộm răng đen, rất hay cười. Trước đây, bà đi mò cua bắt ốc ở Hồ Tây sống cho qua ngày, sau đó đi quét rác thuê. Ông bà gặp nhau ở ngã tư đường ray này, vô tình làm chỗ dựa cho nhau từ đó.

Cuộc sống của hai ông bà vô gia cư cũng đã kéo dài 13 năm. Trong lúc tôi ngồi nói chuyện với ông bà, thi thoảng tàu hỏa đi qua, bụi bay tứ tung, tiếng ồn inh tai nhức óc. Bà Mận bảo sống dần cũng quen, giờ xa đường ray có khi lại nhớ nó. Ông bà đã đón 13 cái Tết ở đây - 13 cái Tết lạnh giá trong túp lều tạm liêu xiêu.

Tết của người vô gia cư

Ông bà lấy chiếc bánh chưng ra khoe với tôi, bảo rằng mới được một tổ chức từ thiện tặng nhân dịp tết đang đến gần. Tết năm nào cũng vậy, ông bà chẳng có cành đào hay cây quất. Ngày 30 Tết, gánh hàng rong bán đào không có khách, cuối cùng cũng biếu ông bà mấy cành. Thời khắc giao thừa đến, hai ông bà đứng ngay bên cạnh đường ray tàu hoả, ngước nhìn lên bầu trời cao. Pháo hoa từ hồ Hoàn Kiếm bắn lên, chí ít cũng mang lại chút niềm phấn khởi cho hai người đến tuổi gần đất xa trời.

 - Ảnh 2

"Tết năm nào cũng thế, chúng tôi vẫn cố sống, vẫn ở bên đường ray này..".

 - Ảnh 3

Bà Mận chỉ mong có một mái nhà để trú vì tuổi đã già, sức đã yếu.

Không có nhà, tuổi đã già, nhưng giàu trái tim nhân hậu

Tuy già yếu, nhưng ngày ngày ông Sơn vẫn tự làm cho mình trở nên có ích. Ông tự nguyện trở thành một “chiến sĩ nhân dân”. Đêm đêm ông không ngủ, mà bê chiếu ra giữa ngã tư ngồi, giữ gìn trật tự cho khu phố. Ông Sơn bảo điều quan trọng và đáng quý nhất đối với ông là được dân yêu, dân quý.

Nhưng giờ ông yếu quá rồi, cứ đi vài ba bước là lại xa xẩm mặt mày. Ông bảo ông sắp phải nhập viện, không giúp đỡ được người dân khu phố nữa, ông cũng buồn lắm. Hậu quả sau một lần bắt trộm là ngón tay cái bên trái của ông đã liệt hoàn toàn, không thể cử động được nữa.

 - Ảnh 4

Ông Phạm Ngọc Sơn (82 tuổi) giờ không đi lại được nhiều, chứ đi vài ba bước là lại xa xẩm mặt mày.

Ngồi nói chuyện cùng ông bà một lúc, rất nhiều người dân trong khu phố đi qua. Mọi người dừng lại chào và hỏi thăm sức khỏe ông bà. Có lẽ niềm vui của ông bà đến từ những giây phút thế này đây. Giữa đường đời tấp nập, ông bà làm những việc tốt, không phải để được đáp trả, mà là để tự cảm thấy mình có ích. Cuộc sống dưới túp lều của hai ông bà có thể nhiều lúc cô đơn, nhưng chưa chắc đã đơn độc.

Hằng tuần ông Sơn vẫn đi đến chùa Bồ Đề giúp đỡ các em nhỏ mồ côi. Ông bảo cứ khi nào miền Trung có bão ông đều đem chút ít tiền ra Hội chữ thập đỏ để ủng hộ. “Nghèo thì có nghèo thật, nhưng tâm hồn thì tuyệt đối không thể để nghèo” – ông Sơn gật gù khẳng định. Bà Mận bảo, may là có ông, chia sẻ cùng bát cơm cũng là điều đáng quý. Có ông, giấc ngủ tạm bợ của bà cũng yên ấm ơn. Có ông, gió mùa đông thổi có lẽ cũng bớt đi chút lạnh.

 - Ảnh 5

Nhờ có ông Sơn mà mùa đông của bà Mận bớt đi chút lạnh.

Chuyến tàu từ phía xa lao đến. Tôi bắt đầu nhăn nhó vì không quen với việc âm lượng lớn dội vào tai. Còn ông Sơn bà Mận thì bình thản ngắm nhìn đoàn tàu lướt qua, cứ như thể ngắm nhìn chính cuộc đời lang bạt của ông bà đang trôi qua rất nhanh, nhưng không hề vô ích.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại