Tết không trọn vẹn của người gác rừng trên đỉnh Trường Sơn

Ngân Hà |

Mất 40 phút đi xuồng máy giữa lòng hồ thủy lợi Ngàn Trươi (thuộc dự án thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang ở xã Hương Điền, Hương Quang của huyện Vũ Quang), với không ít lần mắc kẹt giữa những gốc cọ, tre nứa, chúng tôi mới đến được trạm kiểm lâm Cò 2.

Gác rừng giữa mênh mông sông nước

Trạm trưởng Mai Văn Quyết đón chúng tôi bằng nụ cười rạng rỡ, tay bắt, mặt mừng. Anh tếu táo nói rằng ở chốn này, anh em ở trạm mà có ai đến chơi là đã vui lắm rồi đây lại là chị em phụ nữ thì càng vui hơn Tết.

Vừa dẫn chúng tôi vào phía trong trạm, rót cốc nước chè còn nóng hổi, anh Quyết vừa trò chuyện. Trạm kiểm lâm Cò 2 có 4 người, trong đó chỉ có 2 viên chức còn lại là nhân viên hợp đồng/năm theo diện hộ gia đình.

Theo quy định, mỗi viên chức kiểm lâm chỉ quản lý tối đa 500ha rừng nhưng 4 người ở đây quản lý tới 23.000 ha. Tức, bình quân mỗi người phải đảm nhiệm gần 6.000 ha (cả viên chức và lao động hợp đồng), có nghĩa là nhiều gấp 12 lần so với quy định.

Trạm Cò 2 là ngôi nhà cấp 4 thấp, lợp bằng tre nứa, thưng bằng ván gỗ, rộng chừng 30m2, bao gồm cả khu bếp nấu và sinh hoạt chung. Phòng ngủ của anh em là những chiếc giường nhỏ đơn sơ, xếp gọn gàng cạnh nhau trong không gian chưa đầy 12m2.

Không có điện lưới nên hàng chục năm qua, các cán bộ kiểm lâm Vườn quốc gia Vũ Quang chỉ có ánh đèn dầu leo lét làm bạn.

Tết không trọn vẹn của người gác rừng trên đỉnh Trường Sơn - Ảnh 1.

Những bữa cơm được nấu bằng bếp củi đơn sơ.

Mới đây, được một doanh nghiệp hỗ trợ hệ thống tấm quang năng để tận dụng xây dựng hệ thống điện năng lượng mặt trời nên ánh sáng được cải thiện hơn nhưng cũng chỉ đủ để thắp 2 chiếc bóng đèn ở phòng sinh hoạt chung và phòng ngủ.

Đặc thù đường đi lại khó khăn nên thực phẩm chủ yếu được các anh "tự cung tự cấp". Phía trước trạm là vườn rau xanh mướt với rất nhiều loại. Xung quanh vườn gà, vịt, ngan, ngỗng chạy tung tăng vui mắt.

Anh Quyết nói: "Anh em ở đây nuôi thêm con gà, con ngan vừa cho vui vừa để bổ sung thêm nguồn thức ăn. Ở đây, mỗi tuần chúng tôi mới ra ngoài đất liền 1 lần, khi có anh em nào về nhà thì nhân tiện đi chợ mua thức ăn đưa vào luôn.

Đặc thù công việc không mấy khi được về nhà, xa vợ xa con. Ăn cơm tối xong, anh em chỉ biết ngồi tán gẫu với nhau đôi ba câu rồi đi ngủ. Không tivi, không sóng điện thoại. Đến việc gọi về cho gia đình cũng khó".

Đường sá cách trở, không sóng điện thoại nên việc mất liên lạc với gia đình là điều thường xuyên xảy ra. Để gọi điện về, anh em cán bộ trạm ở đây phải đi lên đồi cao nhất, trèo lên cây để hứng "sóng vớt".

Thế nhưng cũng chập chờn câu được câu mất, bởi vậy, hầu như việc lớn nhỏ trong nhà đều giao phó cho vợ.

Anh Lê Quang Sáng (SN 1985), Trạm trưởng trạm Sao La tâm sự, anh có vợ và 2 con hiện nhà ở xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc. Đến nay, anh đã làm Trạm trưởng trạm Sao La được 12 năm. Nói về khó khăn vất vả công việc thì nhiều vô kể.

Công tác quản lý bảo vệ rừng sóng điện thoại không có phải trèo lên đồi độ cao 400m so mực nước biển mới gọi được. Nhiều kỷ niệm gắn liền với khó khăn cuộc sống công tác ở đây vẫn khiến anh Đinh Hữu Chức, Trạm phó trạm Sao La nhớ mãi. Anh Chức kể, nhà anh ở huyện Đức Thọ.

Cách đây khoảng 5 tháng, mẹ bị ngã, gãy cổ phải chuyển ra Hà Nội cấp cứu. Đêm đó, gia đình liên lạc liên tục cho anh nhưng không được. Sáng mai, khi anh trèo lên cây, có chút sóng mới nhận được tin nhắn của vợ.

Tức tốc lên đường về ra Hà Nội thì cũng là lúc mẹ đang nằm trên bàn mổ. Đường sá xa xôi, sống giữa mênh mông sông nước, giữa đêm hôm cũng khiến các anh đối mặt với vô vàn nguy hiểm.

Cách đây không lâu, anh Lê Ngọc Bá, kiểm lâm viên (trạm Cò 2) bị lên cơn tai biến trong đêm phải đưa ra đất liền. Một tiếng di chuyển bằng thuyền, tính mạng anh vô cùng mong manh, may sao anh may mắn được đưa đến bệnh viện kịp thời, thoát chết trong gang tấc.

Trạm ế vợ

Ngoài cái tên "trạm 3 không" thì trạm Cò, Sao La còn được gọi bằng một cái tên tếu táo khác là "trạm ế vợ". Sở dĩ có cái tên như vậy vì đa số anh em cán bộ trạm đã luống tuổi nhưng trong tình trạng ế vợ.

Anh Nguyễn Hữu Hiếu (SN 1983) nhưng đến nay vẫn chưa có vợ. Tương tự, anh Lê Văn Lượng (SN 1976), nhà ở thị trấn Vũ Quang vẫn buồng không nhà trống. Rồi anh Đặng Văn Thành (SN 1989), Nguyễn Xuân Hoàng (SN 1997) đều rơi vào tình cảnh tương tự.

Nói đến đây, các anh cùng ồ lên cười vừa tếu táo vừa trầm buồn: "Nghề này, sống cách biệt với đất liền, có cơ hội gặp gỡ được ai, sóng điện thoại lại không có thì tán tỉnh được cô nào mà không ế vợ".

Anh Hiếu, kiểm lâm viên trạm Sao La kể, trước đây anh làm ở trạm kiểm lâm Hòa Hải (huyện Huơng Khê, tỉnh Hà Tĩnh ). Sau năm 2016, anh chuyển về trạm Sao La. Mẹ anh trước làm công nhân lâm trường Vũ Quang (nay là Vườn Quốc gia Vũ Quang).

Ngày đó, bà lên đây làm công nhân gặp bố anh, 2 người yêu nhau rồi cưới. Anh là người gắn bó với mảnh đất Tùng Quang, đi theo nghiệp mẹ.

Anh vẫn còn nhớ như in những ngày thơ ấu, khi anh còn rất nhỏ, mẹ vào rừng bốc đá đổ đường. Ở nhà một mình đói bụng quá, anh phải trèo cây mít, hái trái non ăn trừ bữa.

Điều kiện sinh hoạt khó khăn, trách nhiệm nặng nề nhưng một nghịch lý là chế độ lương của cán bộ anh em tại đây lại chưa tương xứng. Đó là thực trạng chung của cán bộ kiểm lâm Vườn quốc gia Vũ Quang.

Làm việc, cống hiến cho nghề gần 30 năm nhưng lương và phụ cấp của Trạm trưởng kiểm lâm Cò 2 Mai Văn Quyết chưa được 6 triệu đồng/tháng, Trạm trưởng trạm Sao La Lê Công Sáng cũng chỉ được 5 triệu đồng/tháng.

Ông Nguyễn Danh Kỳ, Giám đốc Vườn quốc gia Vũ Quang chia sẻ, đơn vị hiện có 90 người trong đó biên chế 59 người và số còn lại là hợp đồng theo Nghị định 24 của Chính phủ.

"Trạm kiểm lâm Sao La và Cò 2 bị nước lũ nhấn chìm, toàn bộ vật dụng, tài sản của các cán bộ kiểm lâm gây dựng bấy lâu bị ngập hư hỏng hết.

Từ ngày trạm bị ngập, điều kiện ăn ở, sinh hoạt, làm việc, đi lại của các cán bộ bảo vệ rừng của 2 trạm này gặp rất nhiều khó khăn, phải lập lán trại tạm bợ, nguy cơ mất an toàn luôn tiềm ẩn; điện năng lượng cũng chưa thể tái sử dụng, khó khăn chồng chất khó khăn.

Chưa năm nào anh em được đón cái Tết trọn vẹn bên gia đình bởi nhiệm vụ đặc thù đều phải trực 24/24h. Anh em chỉ có thể cắt phiên nhau trực mà thôi", ông Kỳ nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại