Tết Độc lập và những cuộc đoàn viên đẹp hơn nước mắt

Phạm Xuân Hùng |

Ngày 2/7/2022, tôi tình cờ đọc trên facebook lá thư tìm người thân. Nội dung (trích): “Em tên là Lê Thị Phúc, sinh năm 1967…

Nửa thế kỷ! Cầu mong và hy vọng

Ngày 2/7/2022, tôi tình cờ đọc trên facebook lá thư tìm người thân. Nội dung (trích): “Em tên là Lê Thị Phúc, sinh năm 1967… Hiện nay cư trú tại Tổ 1, thôn Phong Phú, xã Quế Thuận, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam… Em còn nhớ gia đình em gồm có Mẹ và 3 anh tên là: Toán, Thông, Minh, còn em tên là Phúc, mẹ em tên Hạnh. Không biết họ là gì, quê quán tỉnh nào, di cư vào Đà Nng đến địa phận đèo Hải Vân, Mẹ em chuyển lên xe, lúc đó trời tối vì mọi người di cư đông quá chen lẫn nhau, em bị thất lạc.

Tết Độc lập và những cuộc đoàn viên đẹp hơn nước mắt - Ảnh 1.

Chị Phúc với lá thư “Tìm người thân”

Em được ông cảnh sát, thấy em bị thất lạc ông đem về Hòa Khánh (Đà Nẵng) nuôi, nhưng gia đình ông có đến 6, 7 người con, quá đông nên ông cho ông Lê Hiền đem về tại xóm Gò Đá (Quế Sơn, Quảng Nam) cho ba mẹ ông nuôi, lớn lên dựng vợ gả chồng, đến nay đã nên gia thất và sinh được 3 người con và có cháu để bồng ẵm. Nay hai bên gia đình bố mẹ nuôi, bố mẹ chồng cũng qua đời rất sớm, muốn tìm lại Cội nguồn, tìm Mẹ và 3 anh, nếu mẹ và các anh xem được thông tin này xin gọi cho em qua số điện thoại…”.

Lá thư được tài khoản Facebooker “Tính bổn thiện” là cháu rể ba mẹ nuôi chị Phúc chia sẻ lên trang Facebook “Quảng Trị”. Tôi, người viết bài này cũng chia sẻ lá thư chị Phúc viết lên trang Facebook cá nhân của mình vào ngày 4/7/2022 với một dòng ngắn ngủi: “Nửa thế kỷ! Cầu mong và hy vọng”. Ghi thế, nhưng thâm tâm tôi nghĩ, chuyện chị Phúc tìm được cội nguồn khó như mò kim đáy bể!

Nhưng mọi chuyện ở đời đều có thể xảy ra. Chỉ ba ngày sau, ngày 5/7/2022, một tài khoản Facebook có tên “Huê Thu” nhận là mình có biết gia đình ruột chị Phúc. Một facebooker khác là anh Trần Đăng Trình sống ở huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk cũng nhận mình quen biết với gia đình có thông tin như chị Phúc cung cấp.

Trời đất, khi có thông tin, anh Trần Đăng Trình lập tức bắt máy liên lạc theo số điện thoại của “Huê Thu” cho. Tôi cũng ngay tắp lự, liên lạc với “Huê Thu”, “Tính bổn thiện”, anh Trần Đăng Trình và anh Toán (người anh đầu theo trí nhớ chị Phúc) để cùng xác nhận. Qua điện thoại, anh Toán nói gia đình anh hiện đang định cư ở Đồng Nai, hai ngày sau anh sẽ ra Quảng Nam để nhận mặt em gái. Do làm ngành truyền hình nên tôi hỏi anh giờ đi, giờ đến và xin cơ quan bố trí ekip quay phim đón hai người tại ngã ba Hương An trên quốc lộ IA.

Chuyến xe từ Đồng Nai chạy cả ngày rồi xuyên đêm. Đúng 3 giờ sáng ngày 7/7/2022 xe đến Hương An. Anh Toán và người em trai thứ ba tên Minh bước xuống xe cũng là lúc chị Phúc cùng chồng chị-anh Đinh Văn Một đi xe máy từ Quế Sơn xuống đón. Ba giây, cũng có thể năm giây, mười giây…, chị Phúc khóc òa, tay đấm đấm vào ngực anh Toán: “Sao anh không đi tìm em. Anh lớn rồi sao không tìm em. Để mấy chục năm trời em mòn mỏi…”. Anh Toán nước mắt hai hàng, cứ vịn vai em gái nói không nên lời.

Anh Toán kể với tôi, Phúc nó không biết thôi. Năm nó lạc tôi đã 18 tuổi, lớn rồi, thương em lắm. Nhà tôi chỉ có nó là con gái, lại là con út. Mấy anh em tôi mang họ Nguyễn, tôi là Nguyễn Hữu Toán đến em kế là Nguyễn Hữu Thông rồi Nguyễn Hữu Minh, còn Phúc là Nguyễn Thị Phúc. Khi gia đình từ Quảng Trị chạy loạn vào Đà Nẵng ngang Hải Vân thì lạc mất em. Tôi với hai em trai Thông và Minh thay mặt ba, mẹ đi tìm em. Nhưng tìm ở đâu, năm 1975, người chạy ngược, kẻ chạy xuôi. Tôi cũng lang thang ở Đà Nẵng gần hai tuần mà chẳng nghe tăm hơi.

Sau đó cả gia đình đi tiếp vào Long Khánh, tỉnh Đồng Nai rồi Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, mưu sinh mà anh. Vào trong đó, khi nhà cửa ổn định, ba mẹ hối thúc, tôi nhiều lần đi tìm, hy vọng rồi thất vọng. Có hai người cũng tên Phúc, cùng tuổi với em tôi, cũng thất lạc được người ta nhận nuôi nhưng khi tìm tới tôi biết đó không phải em ruột của mình.

Dù biết không phải nhưng để mẹ tôi bớt buồn đau, tôi đã nhận một trong hai người là em gái nuôi. Giờ cô ấy cũng như người thân trong nhà, tết nhất, kỵ giỗ đều có mặt. Cũng vì những chuyện như thế nên dần sau này, việc tìm em gái ruột thất lạc, với tôi như đã cạn kiệt niềm hy vọng.

Tôi hỏi, làm sao anh Toán biết chị Phúc đúng là người em ruột thịt? Anh Toán trả lời: “Khi lạc Phúc đã 8 tuổi, có trí nhớ tốt và trong thư ghi rõ thông tin mẹ tên là Hạnh, ba anh trai lần lượt tên là Toán, Thông, Minh. Nhưng tôi vẫn cẩn thận, qua điện thoại hỏi Phúc: “Em có vết sẹo nào ở đầu, phía trên tai trái không?”. Chị Phúc kể với tôi: “Khi nghe anh Toán hỏi, tôi cũng không hề biết mình có vết sẹo đó. Tôi nhờ con vạch tóc phía trên tai trái thì ra ở đó có vết sẹo nhỏ, nhỏ hơn đầu đũa”.

Ðoàn viên trong nước mắt

Mặt trời chưa mọc, xóm làng còn chìm trong bóng tối. Chỉ có nhà anh Một, chị Phúc sáng rực đèn đuốc. Vậy mà, ngay lúc anh Toán, anh Minh đặt chân đến, cả thôn Gò Đá như chợt tỉnh. Người người kéo đến, bác, chú, cô, dì rồi bà con chòm xóm. Người khóc, kẻ cười. Khóc vì xúc động, cười để chia vui. Có ông cụ tóc bạc, râu bạc cười mà nước mắt chảy: Cha mẹ ơi, từ nhỏ đến giờ gần nhắm mắt mới thấy chuyện này!

Tết Độc lập và những cuộc đoàn viên đẹp hơn nước mắt - Ảnh 2.

Chị Phúc cùng hai anh Toán và Thông thắp hương mộ ba, mẹ nuôi ở xã Quế Thuận, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam

Anh Toán, anh Minh cùng vợ chồng chị Phúc và nhiều bà con bên nội bên ngoại chị Phúc, cả hàng xóm nữa lên thăm mộ ba mẹ nuôi của chị. Trước hai ngôi mộ đơn sơ giữa đồi cỏ, anh Toán, anh Minh ầng ậng nước mắt. Công sinh không bằng công dưỡng, nếu không có ba mẹ nuôi của Phúc thì chắc gì hai anh đã tìm lại được người em.

Anh Toán kể, rằng trên chuyến xe khách từ Đồng Nai ra Quảng Nam để gặp lại người em gái Lê Thị Phúc “Biết chuyện tôi về nhận mặt em gái sau gần 50 năm, anh tài cho tôi ngồi ở vị trí tốt, đến bữa mời ăn chung với nhà xe, mời rượu tôi để chia vui... làm tôi cảm động ứa nước mắt”...

Sáng ngày 9/7/2022, chuyến xe chở anh Toán, anh Minh, vợ chồng chị Phúc xuất phát từ Quế Sơn hướng vào Nam, về gặp người mẹ già hiện ở Đội 2, xã Xuân Mỹ, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai. Tôi đang bận việc không thể đi cùng, đành gọi nhờ cháu Toàn-con trai đầu của anh Toán. Toàn sau đó gửi hình ảnh cho tôi.

Toàn nói: “Gặp cô Phúc con mừng quá. Cả nhà con đưa vợ chồng cô đi thăm lần lượt các gia đình, nhà con, nhà chú Thông, chú Minh, rồi nhà em con, em con chú Thông, chú Minh. Cả đại gia đình cứ liên hoan rồi khóc, khóc rồi liên hoan suốt”. Rồi Toàn kể lại giây phút bà nội gặp lại cô Phúc “Khóc quá trời, quá đất luôn. Bà nội con cứ rờ mặt rờ mũi cô Phúc, nói, Mạ chết thỏa mãn rồi con ơi! Mạ tìm được khúc ruột của mạ rồi…!”.

Theo kế hoạch, đại gia đình về thăm quê nội ở thôn Tân Phong, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị thắp hương van vái cố tổ, sau đó về Quảng Nam viếng mộ dòng tộc ba mẹ nuôi chị Phúc cùng bà con hàng xóm. Mỗi nơi sẽ còn làm lễ để nhận mặt họ hàng, kết giao tình nghĩa giữa hai dòng họ.

Tôi gọi điện hỏi thăm anh Trần Đăng Trình, người đến thời điểm này tôi vẫn chưa gặp mặt. Anh Trình cười rổn rảng: “Anh hỏi công việc em à? Em làm bảo vệ cho một công ty điện gió ở huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk. Khi nào có điều kiện anh em mình gặp nhau. Sau vụ chị Phúc em cũng đang kết nối để tìm người thân cho một trường hợp khác. Cũng lưu lạc như chị Phúc. Thông tin hơi ít nhưng em sẽ cố gắng…”.

Nối vòng tay ruột rà

Với tôi, tháng 7/2022 là khoảng thời gian lạ kỳ nhất trong đời. Lạ kỳ bởi câu chuyện chị Phúc lại đan xen trong một câu chuyện khác mà tôi cũng là người trong cuộc…

Đó là ngày 4/7, khi tôi chia sẻ lá thư “Tìm người thân” của chị Lê Thị Phúc lên facebook cá nhân thì một người bạn đồng hương Quảng Trị với tôi - anh Lê Bình vào like và comment “nhà tui cũng thất lạc một đứa em gái ở Duy Xuyên, sinh năm 1971, mẹ ở xã Xuyên Hòa hay Duy Hòa gì đó…, ông già (tức ba của Lê Bình) không nhớ chính xác”.

Sau đó Lê Bình nhắn riêng, cung cấp thêm thông tin: mẹ cô em gái (em cùng cha khác mẹ với Lê Bình) tên là Lê Thị Tám, người anh ruột của bà Tám tên là Lê Đình Tiến, lúc cô em gái sinh ra, ba của Lê Bình đặt tên cho cô là Lê Thị Vân nhưng chưa kịp làm giấy khai sinh.

Lập tức tôi nhớ đến người bạn học cùng lớp giờ đang công tác ở công an huyện Duy Xuyên tên là Phước Nhanh. Nghe tôi cung cấp thông tin, Phước Nhanh hứa sẽ tìm giúp. Quả sự lạ lùng, ngay tối ngày 5/7, Nhanh báo tôi có một người thông tin khá trùng khớp, có mẹ tên là Lê Thị Tám, cậu ruột tên là Lê Đình Tiến. Nhưng cả hai người, mẹ và cậu ruột đều đã mất.

Nói rồi Phước Nhanh cho tôi số liên lạc. Sau nhiều lần cố gắng, tôi mới liên lạc được với người mà Nhanh giới thiệu.

Người phụ nữ ấy cho biết mình tên là Trương Thị Nga, sinh ngày 10/10/1971. Mẹ của chị, bà Lê Thị Tám gốc Quảng Nam nhưng trước 1975 ra Đà Nẵng sinh sống, làm nghề buôn bán nhỏ. Sau khi sinh chị Nga, năm 1975 bà Tám hồi hương trở lại Duy Xuyên. Đến đây, chỉ còn một gút mắc nhỏ, chị Trương Thị Nga bây giờ có phải là bé gái Lê Thị Vân như anh Lê Bình đã kể?

Chị Nga kể với tôi: “Sau năm 1975 em còn nhỏ nên chẳng có ký ức gì cả. Chỉ nhớ mang máng cậu, dì em thỉnh thoảng nói, gốc gác của mày là ở miền ngoài. Ba mày tên là Anh (hay là Ánh gì đó chị không nhớ rõ). Rồi lớn lên, nhà có 3 chị em cùng mẹ tảo tần đồng áng. Đôi lúc cũng mặc cảm thoáng qua chuyện ba mình là ai, ở đâu? Hai mươi tuổi, đi lấy chồng người cùng làng, vợ chồng chí thú làm ăn, nghĩ thôi rồi, đời mình đến đây như nước cứ chảy xuôi, mong chi tìm được ngọn nguồn”.

Tôi hỏi: “Vậy là chị biết mình có một người ba, sao chị không đi tìm?”. Chị Nga bảo: “Anh nghĩ đi, có thông tin gì đâu mà tìm. Chim trời, cá biển. Chưa nói nhiều lúc tôi đau thấu tim, cứ nghĩ ba tôi sinh ra tôi sao không đi tìm tôi? Các anh chị em cùng cha, dù có khác mẹ với tôi thì cũng vẫn là máu mủ tình thâm sao không đi tìm tôi? Nghĩ vậy mà nước mắt cứ chảy vào trong”.

Cuộc đời khi đã cay đắng thì thường cay đắng lắm. Tôi mang chuyện kể của chị Nga nói với Lê Bình. Bình nói: “Nỗi buồn tủi của em Nga, kể cả nỗi đau là đúng, là có thật. Nhưng chắc em Nga không biết rằng trong suốt hơn 47 năm qua, ba tôi, tôi và các anh chị em đã tìm kiếm, dò hỏi nhưng tuyệt vô tăm tích. Khi quen nhau, ba tôi là lính chế độ Sài Gòn đóng quân ở Đà Nẵng, ông làm nghề lái xe. Còn cô Tám, mẹ của Nga cũng từ quê ra Đà thành mưu sinh bằng việc mở một quầy tạp hóa nhỏ. Chiến tranh loạn ly, ba tôi xa vợ con, cô Tám còn trẻ rồi thì chuyện gì đến đã đến.

Khoảng cuối năm 1972, gia đình tôi từ Quảng Trị vào Đà Nẵng ở cùng ba tôi, chuyện giữa ba tôi và cô Tám được giấu kín. Cuối tháng 3/1975 gia đình tôi từ Đà Nẵng hồi cư về Quảng Trị, năm 1976 mẹ tôi mất khi sinh đứa em trai. Chôn cất vợ xong, ba tôi đã bỏ ra 2 năm trời để tìm cô Tám và đứa con gái. Hồi đó tôi đã lớn, nhớ ba tôi đi khoảng 5, 6 chuyến gì đó vào Đà Nẵng, sục sạo quanh vùng Cẩm Lệ, Hòa Vang rồi vào tận Duy Xuyên, Quảng Nam để tìm. Anh em tôi lớn lên, cũng nhiều lần cùng nhau bàn bạc, song chuyện tìm em thì chẳng biết bắt đầu từ đâu, cứ như người mù giữa rừng hoang.

Mới đây khi tôi về thăm nhà, ba tôi giờ đã 85 tuổi vẫn nhắc về em, vẫn mong anh em tôi tìm được em Vân trước khi ba tôi nhắm mắt”. Tôi hỏi tên khai sinh của ba Lê Bình là gì, Bình nói ngay: “Chứng minh nhân dân hồi nào đến giờ ghi tên ông là Lê Ánh”.

Tết Độc lập và những cuộc đoàn viên đẹp hơn nước mắt - Ảnh 4.

Hai cha con - ông Lê Ánh và chị Trương Thị Nga tìm lại được nhau sau gần 50 năm biền biệt

Đến đây, tôi linh cảm câu chuyện chị Nga là em của Lê Bình dường như đã khớp nối đến 99,9%. Tối ngày 10/7/2022, thật trùng hợp là Nga gọi điện cho tôi. Chị bảo: “Khi nghe thông tin từ anh (người viết) tôi linh cảm đó là gia đình mình. Tôi đã bàng hoàng, xúc động, nhiều trạng thái khó tả lắm. Và tôi đã mơ…”.

Tuy nhiên đến lúc ấy, tôi vẫn chưa để chị Nga và Lê Bình gặp nhau, bởi tôn trọng quyết định cuối cùng của chị. Chị đã có một gia đình, đời sống riêng, dù trong đời sống đó chị có một nỗi đau khép kín thì vẫn là nỗi đau chị riêng giữ, mình chị biết. Và rồi ngay buổi tối hôm sau, chị báo tin tôi, tất cả gia đình đã đồng ý và rất mong ngày anh Lê Bình và chị nhận mặt.

Câu chữ dù nhiều vẫn không kể nổi, tả hết hai câu chuyện lạ lùng, hy hữu kể trên. Bởi tôi cũng là người cùng thế hệ với chị Phúc, chị Nga, thế hệ như là dấu gạch nối giữa chiến tranh và hòa bình, giữa mất mát và hàn gắn. Một thế hệ lớn lên trong loạn lạc và đầy ắp mong muốn mỗi ngày thêm nhiều hơn những cuộc đoàn tụ. Để nước mắt tiếp tục rơi xuống và nụ cười đoàn viên cất lên…

Buổi sáng 23/7/2022, tôi cùng chuyến xe với Lê Bình, 2 em trai ruột của Lê Bình là Lê Bằng, Lê Định và một người bạn nữa chạy dọc tỉnh lộ 610 nối thị trấn Nam Phước lên Khu Di tích Mỹ Sơn để tìm về nhà chị Nga.

Lúc này, hai vợ chồng chị Nga cùng ba chị em con người cậu Lê Đình Tiến (đã mất) đón chúng tôi trong ngôi nhà ven đường. Xúc động, không nói nên lời.

Riêng tôi, lần đầu giáp mặt chị Nga “mà lòng đã chắc” đây là giọt máu tình thâm với Lê Bình. Mắt ấy, mũi ấy, môi ấy…, chỉ giọng nói là khác (giọng Quảng Nam) nhưng cách nói, cách biểu hiện giống hệt anh em nhà Lê Bình. Anh con trai thứ 5 của ông Lê Đình Tiến cứ cười khà khà, đây rồi, đây rồi, trật đâu nữa.

Chị Hai, con gái đầu của ông Tiến cứ lấy đuôi khăn chấm mắt, cha mẹ ơi, hơn nửa thế kỷ rồi có ai tin chuyện này xảy ra không? Chị Ba, em gái kế chị Hai cũng sụt sùi, tui nghe tin mà hổm giờ không ngủ được, cứ hồi hộp, mường tượng rồi khóc.

Tết Độc lập và những cuộc đoàn viên đẹp hơn nước mắt - Ảnh 6.

Chị Nga với 3 anh em cùng cha và chồng

Đại gia đình sau phút giây xúc động đã cùng nhau ra nghĩa trang thắp hương phần mộ bà Lê Thị Tám. Cũng như trường hợp chị Phúc ở Quế Sơn, ngay trưa đó, nhiều bà con chòm xóm kéo qua nhà chị Nga chia vui. Vui nhất là 2 cháu con của chị Nga. Cứ như trên trời rơi xuống, bỗng dưng có 3 người cậu ruột xuất hiện trong nhà. Mà chưa hết. Các cuộc gọi video call được mở ra, thêm nhiều cậu, nhiều dì, theo đó là mợ, dượng, tên tuổi, ngôi thứ…, cứ nhớ rồi quên ngay luôn. Không sao, vui mà, chưa gặp sao nhớ.

Rồi hẹn ngày gặp, vào Quảng Nam, ghé nhà tiện thăm Mỹ Sơn luôn, nhất định. Chứ sao nữa, ra quê ngoại Quảng Trị, lên Lao Bảo thăm ông ngoại, thăm ba rồi du lịch xứ Lào luôn. Hể hả, nước mắt chưa khô đã cười...

Tôi hỏi chị Nga, vui không? Chị bảo, nói gì nữa, cả đời em cũng không nghĩ có giây phút này. Tôi hỏi Lê Bình, có cần thử AND không? Lê Bình nói, bấy nhiêu thông tin trùng khớp hết rồi, thử làm chi. Có chặt đầu tôi cũng nhận Nga là em tôi. Có lẽ, cuối đời, tôi cũng không quên được cảnh người anh trai dỗ em gái, khi cả hai cũng chớm tuổi tóc bạc da mồi.

Em đừng giận ba, giận bọn anh. Hồi đó nhà mình về quê rồi đi ngay lên vùng kinh tế mới. Tốt nghiệp đại học anh cũng nhờ bạn bè, cả anh nữa, tìm em đằng đẵng hơn chục năm trời mà không lần ra dấu vết. Rồi anh lên Tây Nguyên công tác, lập gia đình trên đó, nghĩ chắc sẽ không bao giờ có tin tức về em… Thôi, vậy là phước đức nhà mình còn dày, em tha thứ đi”.

Anh Hùng, chồng chị Nga bảo tôi: “Em vui lắm nhưng có nói với bả. Công sinh cũng như công dưỡng. Bà phải ăn ở đạo đức với bên nhà nội (họ Trương quê ở Đại Lộc). Mình hồi nào giờ mang họ Trương thì cứ mang họ Trương để tưởng nhớ bên nội nuôi. Còn họ Lê gốc của mình thì mình vẫn giữ. Mai mốt trăm tuổi về đất thì mình lấy lại họ gốc của mình”. Tôi nhìn anh Hùng rưng rưng, thật không ngờ một người nông dân chân chất như anh lại có suy nghĩ từng trải, thấu đáo.

Ngày 30/7/2022, gia đình chị Nga cùng nhiều dì, cậu, anh em bên ngoại lên chuyến xe trực chỉ miền tây Quảng Trị. Trưa cùng ngày, chị Nga đã gặp ông Lê Ánh, người cha ruột thịt mà chị chỉ có thể hình dung trong các giấc mơ. Ông Lê Ánh cầm tay chị Nga run rẩy nói lời cảm ơn đến vong linh bà Lê Thị Tám và gia đình bên ngoại. Nếu không có sự nuôi dưỡng của bà Tám, của những dì, cậu… thì làm sao ở cái tuổi gần đất xa trời ông còn cơ may gặp lại khúc ruột của mình. Vây quanh ông Lê Ánh là cả hai đại gia đình nội ngoại, tam tứ đại đồng đường lên đến vài mươi người...

Đà Nẵng, 2/8/2022

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại