Tết của những ông bố, bà mẹ đơn thân: Sự ích kỷ, nỗi sợ hãi và cái kết

Ngân Hà |

Tết là dịp để các gia đình sum họp, đoàn viên. Nhưng điều đó dường như là không thể đối với các ông bố, bà mẹ đơn thân. Tuy nhiên, họ vẫn có cách để biến nỗi buồn thành niềm vui, cùng gia đình, con cái đón một cái Tết hạnh phúc.

Đã từng sợ những ngày lễ, Tết

Ai cũng mong muốn có cuộc hôn nhân hạnh phúc, sống trong một gia đình trọn vẹn, ấm êm. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn có được điều đó.

Với những người không may phải chịu sự đổ vỡ trong hôn nhân, chắc hẳn ai cũng từng trải qua nỗi tuyệt vọng, tủi hờn.

Vào những ngày cận Tết, trong các diễn đàn, chủ để "Tết này, chúng ta làm gì?" luôn nhận được nhiều sự quan tâm, bàn luận của các single mom và single dad.

Nhiều người thừa nhận rằng, những gì chịu đựng, dồn nén trong suốt một năm thì đến ngày lễ, Tết như thế này lại càng vỡ òa khi nhìn vợ chồng con cái nhà người ta quây quần đón Tết đoàn viên.

Tết của những ông bố, bà mẹ đơn thân: Sự ích kỷ, nỗi sợ hãi và cái kết  - Ảnh 1.

Chị Kim Anh phải một mình xoay sở mọi thứ trong nhà dịp Tết, chỉ nghĩ thôi cũng thấy chạnh lòng.

Chị Kim Anh, hiện đang công tác tại một trường Tiểu học tại Đắk Lắk - là mẹ đơn thân của cậu con trai 4 tuổi, chia sẻ cảm giác buồn tủi mỗi dịp Tết cận kề:

"Mình ly hôn hơn 1 năm rồi, giờ trong nhà chỉ có 2 mẹ con. Tết, ai cũng có chồng có vợ nên mình càng cảm thấy bi quan, khát khao được một gia đình đầy đủ sum họp, dù mạnh mẽ đến đâu cũng có lúc yếu lòng.

Dù mỗi ngày trong năm có thể giấu đi rất nhiều thứ để quên đi tổn thương và thiếu thốn của mình, nhưng đến lễ Tết, vì bố của con trai đi làm xa nên dịp nghỉ anh thường đón con đi chơi, hoặc là về nội.

Vậy nên hầu hết những ngày lễ Tết mình đều ở 1 mình, tạo điều kiện cho bố con gần nhau. Bạn bè người có gia đình, người thì hẹn hò với người yêu nên mình thường ở nhà, lủi thủi một mình, không buồn mới là lạ".

Tâm sự của chị Kim Anh cũng là nỗi niềm chung của không ít single mom. Họ có thể vừa là cha, vừa là mẹ, gồng gánh cho con những gì tốt nhất. 

Nhưng Tết lại là lúc họ phải đối mặt rõ ràng rằng sự ích kỷ, kém may mắn của mình đã khiến con thiếu một mái nhà đủ đầy, nợ con những cái Tết thiếu mùi vị gia đình có cả cha cả mẹ. 

Chỉ là, mỗi ông bố, bà mẹ đơn thân sẽ đều có cách để mình và con đối mặt khác nhau. Đồng cảm với nỗi niềm của chị Kim Anh, anh Mai Văn Dũng, đến từ Thái Bình cũng thừa nhận anh từng cảm thấy sợ Tết - những năm đầu sau khi ly hôn.

"Con trai mới được 1 tháng vợ đã bỏ đi, lúc đó mình đang công tác bên Nhật nên bé ở với ông bà nội. 2 năm sau mình mới về nước và đón bé về ở, tiện hai bố con chăm sóc nhau. 

Thú thực 2 năm đầu sau đổ vỡ, mình rất sợ đến Tết và thấy hụt hẫng vô cùng. Cứ đến thời điểm đó, những kỷ niệm về cái Tết sum vầy trước đây lại ùa về. Lúc trước hai vợ chồng sẽ cùng đi sắm sửa, rồi về tất bật dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị mâm cơm cúng, rồi đi thăm nội ngoại, vui lắm.

Đến lúc lủi thủi một mình, nhớ đến quãng thời gian vui vẻ năm xưa lại càng buồn, càng chạnh lòng và thương con nhiều hơn..."

Tuy nhiên, vượt qua nỗi buồn, mỗi người lại đón chờ Tết theo cách của riêng mình. Vẫn là sự háo hức của trẻ thơ, nỗi lo lắng tất bật của người lớn, và đâu đó lẫn cả sự cô đơn của những ông bố, bà mẹ đơn thân, nhưng họ vẫn có cách để con cái có một cách Tết vui vẻ, bình yên.

Đối với anh Mai Văn Dũng, mặc dù thừa nhận cảm giác hụt hẫng, chếnh choáng khi đối diện với Tết, nhưng dần dần, anh đã tự tìm thấy niềm vui và sự an yên trong lòng.

Anh Dũng nói: "Tết là của mọi nhà, từ lòng người mà ra. Lòng mình yên, tim mình ổn, Tết tự khắc sẽ dành cho mình.

Nên đừng gạt mình và con khỏi thời khắc đẹp đẽ nhất trong năm. Cũng đừng bắt mình và con quay mặt với Tết. Tết là dành cho gia đình, và con chính là gia đình. Bây giờ, con trai đã lớn, biết thương bố hơn nên mình vui lắm.

Mẹ cháu bỏ đi từ khi con quá nhỏ nên bé hoàn toàn không có chút miền ký ức nào về mẹ, mình vừa làm bố, vừa làm mẹ luôn. Từ khi có con, mình tự động bỏ được thuốc lá.

Cả năm bố bận đi làm, con thì đi học, không có nhiều thời gian đi chơi, nghỉ ngơi. Vậy nên Tết năm nào, mình cũng dành toàn bộ thời gian cho con, đưa bé đi công viên rồi về thăm ông bà. Như vậy là đủ vui và ấm áp rồi"

"Tết của bố, mẹ đơn thân - có thể không trọn vẹn, đủ đầy, nhưng phải hạnh phúc"

Đó là lời khẳng định của bà mẹ 2 con nổi tiếng trên cộng đồng mạng có nickname Kiều’s Corner - chị Điền Kiều Hồng Hạnh.

Tết của những ông bố, bà mẹ đơn thân: Sự ích kỷ, nỗi sợ hãi và cái kết  - Ảnh 2.

Single mom Hồng Hạnh quan niệm: Tết là cơ hội để chúng ta hưởng thụ đúng nghĩa nhất.

Chị Hồng Hạnh khiến nhiều mẹ bỉm sữa choáng vì cho rằng, cảm giác đón lễ Tết với vai trò single mom rất… sướng và thích, chẳng có gì cực nhọc khổ sở.

Thậm chí, theo bà mẹ đơn thân này thì chị cực kỳ thích Tết vì Tết là dịp để mẹ con chị thư giãn, hưởng thụ đúng nghĩa.

Chị Hồng Hạnh hào hứng chia sẻ: "Bọn trẻ nhà mình nghỉ Tết sớm hơn 1 tuần so với trường khác nên năm nay mẹ mình dắt chúng về quê để trải nghiệm không khí Tết quê, chứ thành phố bây giờ không được như xưa nữa.

Khoảng 29, 30 âm lịch, ba mẹ con và ông bà ngoại ăn cơm tất niên. Tối, 5 người cùng ngồi xem Táo quân, đón giao thừa. Sáng mùng 1 sẽ đi thăm hết lượt họ hàng nhà mình.

Mẹ mình vẫn nói câu: "Vì chàng thiếp phải mua mâm" - ý là có người đàn ông trong nhà thì phải bày vẽ làm này làm kia, còn nhà chỉ có ba mẹ con nên Tết mình không làm như ngày xưa mẹ vẫn làm là cúng tất niên, giao thừa và ngày nào cũng làm cơm cúng.

Ba mẹ con sẽ chọn các món mình thích, mua một ít bỏ tủ lạnh, rảnh thì vừa ăn vừa xem phim hoặc đi dạo công viên.

Mùng 2 Tết là bắt đầu lang thang đi chơi, nhà không có đàn ông nên thấy rất thoải mái, thích ăn gì thì ăn, đi đâu thì đi".

Tết của những ông bố, bà mẹ đơn thân: Sự ích kỷ, nỗi sợ hãi và cái kết  - Ảnh 3.

Là một người phụ nữ trưởng thành có lối sống hiện đại và suy nghĩ khá trẻ trung, có phần cá tính, chị Điền Kiều Hồng Hạnh – nữ giám đốc Marketing kiêm facebooker nổi tiếng - khiến nhiều người bất ngờ vì những chia sẻ hiện đại của mình.

Trong những ngày lễ Tết, trong khi nhiều người phụ nữ khác "đầu tắt mặt tối" với đủ thứ việc chuẩn bị cho ngày Tết, chị Hồng Hạnh đã khiến hội chị em ghen tỵ khi tâm sự về cách hưởng thụ Tết của mình.

Mất 3 năm đầu để làm quen với việc lẻ bóng dịp lễ Tết, nhưng những năm gần đây, bà mẹ cá tính chẳng còn buồn phiền tủi thân như trước nữa.

Bởi vì làm single mom cũng có cái hay riêng, được đón Tết trọn vẹn ấm áp với bố mẹ đẻ, với các con, chẳng cần thêm một người đàn ông nào cả.

"Mình nghĩ trọn vẹn hay không thiếu thốn, hạnh phúc hay đau buồn là do tư duy của mỗi người. Người sống lạc quan thì dù ở bất kể hoàn cảnh nào, họ cũng biến cuộc sống của họ hạnh phúc và trọn vẹn - không phụ thuộc vào việc có chồng hay vợ bên cạnh mình hay không.

Nên điều quan trọng nhất là dù ở hoàn cảnh nào, đơn thân hay nguyên vẹn thì chúng ta cũng cần sống thật hạnh phúc và tận hưởng trọn vẹn những gì đang có" - Chị Hạnh khẳng định.

Tết của những ông bố, bà mẹ đơn thân: Sự ích kỷ, nỗi sợ hãi và cái kết  - Ảnh 4.

Chị Hồng Hạnh cùng các luôn dành trọn Tết vui chơi, tận hưởng những chuyến du lịch

Mặc dù không cổ súy cho việc làm bố, mẹ đơn thân, bởi không gì quý hơn là một gia đình trọn vẹn, đủ đầy. Tuy nhiên, nếu sự "nguyên vẹn" ấy không mang lại tình thương yêu và tiếng cười, thì chi bằng hãy tự tìm kiếm hạnh phúc sau đổ vỡ.

Câu chuyện bố, mẹ đơn thân và lễ Tết trên hy vọng sẽ góp phần chia sẻ, truyền cảm hứng cho những ai mới đi qua đổ vỡ hôn nhân.

Tết không của riêng ai, Tết cũng không chọn lọc một ai, Tết là dịp để chúng ta trở về sum họp, đoàn viên. Miễn là mỗi người tự thấy đủ, thì Tết khắc cũng sẽ an yên và đủ đầy hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại