Và rồi, loài chuột rừng này đã được bà con thuần hóa, nuôi dưỡng trở thành thương phẩm. Nhiều người đã có của ăn của để, thậm chí trở nên giàu có nhờ chúng.
Kỳ thú đi săn chuột khổng lồ
Với những người săn loài chuột khổng lồ thì khi tiết trời sang xuân là lúc phù hợp nhất để lên đường. Loài chuột rừng này có ở khắp các tỉnh miền núi, nơi có nhiều rừng tre, trúc, thuận lợi để chúng phát triển. Loài này được đồng bào miền núi gọi là con dúi, ngàn đời nay dúi được coi là đặc sản.
Thế nhưng săn được những con dúi béo mầm không hề đơn giản. Chúng tôi đã lên dãy Yên Tử - nơi nổi tiếng có nhiều dúi và có những thợ săn thiện xạ.
Yên Tử là dãy núi không quá cao, nhưng có nhiều rừng tre, trúc, thích hợp cho loài chuột khổng lồ này trú ngụ.
Sớm tinh sương, 3 người đàn ông Cao Lan ở thôn Đồng Sim đã thức dậy, bắt đầu hành trình săn dúi. Mỗi người một việc, người mài dao, người bịt túi vải, người thì chuẩn bị cuốc, xẻng, thuổng…Anh Đặng Văn Chín, người được cả bản nể tài săn dúi. Cuộc sống gia đình không đến mức vất vả nhưng săn dúi luôn là một thú vui, là đam mê đối với anh.
Anh Chín hồ hởi nói với chúng tôi: "Các cụ kể rằng, năm 1945 cả nước nhiều người chết đói, nhưng thực ra ở đồng bằng đói, chứ trên này đói sao được. Trên núi toàn là rừng trúc, rừng tre, măng mọc tua tủa đầy cái ăn. Thú trong rừng nhiều như chuột. Mà chuột tre thì nhiều vô số. Chuột tre chính là con dúi, vì nó ăn tre nên gọi như vậy. Người Cao Lan ở Sơn Động thì thông thường gọi nó là con đũn".
Anh Chín khoe “chiến lợi phẩm” săn được.
Ngày còn nhỏ, anh Chín thường mang lồng sắt theo bố vào rừng. Bố anh không chỉ là một tay thợ săn thiện xạ, mà còn là một cao thủ đào dúi. Anh bảo, 20 năm trước cứ lên mấy quả đồi tre trước nhà là bắt được cả chục con dúi.
"Ông cụ nhà tôi đi loanh quanh chân đồi là biết được trên đó có bao nhiêu con dúi. Hoặc ban đêm ông vểnh râu rít điếu thuốc lào ở chân đồi, nói có bao nhiêu con dúi, hôm sau bắt được từng đấy con"- anh Chín kể lại.
Với những thợ săn dúi, chỉ cần đi loanh quanh trên đồi, nhìn dấu chân, nhìn hang ổ, vết cắn ở gốc tre trúc là biết có dúi hay không, nhiều dúi hay ít, dúi to hay nhỏ.
Ban ngày dúi ngủ, đêm đến mới mò ra kiếm ăn. Món ăn ưa thích của chúng là thân cây tre, trúc, chính vì thế nhìn vết răng là biết chúng ở hướng nào, có bao nhiêu con. Đó là những kiến thức cơ bản mà cha ông đã truyền lại cho người Cao Lan ở đây.
"Loài chuột tre này có đặc tính đã ở đâu thì sẽ suốt đời quanh quẩn ở đó. Chúng cũng đánh dấu lãnh thổ của mình như một số loài thú khác. Lãnh địa của một cặp đũn thường rộng đến vài ngàn mét vuông. Con đũn đã đánh dấu lãnh thổ, thì con khác không dám bén mảng đến nữa", anh Chín tiết lộ.
Việc tìm được hang dúi đã khó nhưng đào hang đó bắt dúi cũng gặp không ít khó khăn. Nếu như thời tiết lạnh, dúi đào hang rất sâu, có khi người ta phải đào sâu tới 2 mét mới tới ổ của chúng. Điều khiến những người thợ săn sợ nhất là hàm răng trước của dúi.
Vì đây là loài gặm nhấm nên răng trước cửa của chúng rất to và sắc. Việc bị dúi cắn rách tay, chảy máu là việc rất bình thường.
Anh Chín cho hay: "Nếu không cẩn thận để dúi cắn thì đau lắm. Bộ răng của loài này rất sắc và khỏe, nhiều lần tôi bị cắn rách cả tay.
Cũng may là loài này không mang bệnh, không bị nhiễm trùng. Cả đời gắn bó với loài dúi này, nhiều lúc đi đào được ổ dúi có mẹ và đàn con chưa mở mắt, chúng tôi lại lặng lẽ lấp cửa hang, vì thương đàn dúi con lắm".
Tết ấm nhờ loài chuột khổng lồ
Thịt dúi dần được nhiều người ưa chuộng, nó trở thành đặc sản, có giá trị cao, thịt đắt hơn nhiều loại thú rừng khác, nên bị săn lùng ráo riết. Chúng tôi gặp anh Hoàng Tùng (Ba Bể, Bắc Kạn), người có đam mê đặc biệt với dúi.
Dù tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp nhưng anh Tùng lại trở về quê để tìm cách làm giàu nhờ con dúi.
Anh bảo: "Bây giờ dúi tự nhiên hiếm lắm, mỗi quả đồi có khi chỉ có vài ba con thôi, vì rừng cũng thừa dần, người dân săn lùng cũng nhiều lắm. Chính vì thế tôi đã quyết định trở về quê để nghiên cứu nhân giống loài dúi vốn là đặc sản của người miền núi này".
Theo như anh Tùng, bắt được dúi rừng, sau khi phân loại đực cái, những con khỏe mạnh sẽ được lựa chọn để ghép đôi. Những con dúi khoảng 1kg trở lên sẽ đạt tiêu chuẩn để ghép cho sinh sản.
"Khi chọn những con dúi đạt sẽ ghép thử chúng với nhau, con nào chịu sẽ ở chung và giao phối. Ghép khoảng 1 tuần có thể tách ra theo dõi, nếu có bầu thì tách con cái ra chăm riêng.
Khi con dúi có bầu cần bổ sung nhiều thức ăn, ngoài những cây chít thì sẽ cho ăn thêm mía hoặc ngô. Nói chung là việc ghép đôi và chăm sóc dúi có bầu, chăm sóc dúi con cũng khá công phu.
Mình phải đảm bảo được điều kiện nuôi gần như điều kiện tự nhiên, biết được đặc tính của chúng", anh Tùng cho biết.
Những con dúi đã được bà con miền núi thuần hóa để nuôi thương phẩm. |
Chính vì giá trị cao nên hiện nay có rất nhiều gia đình đã nuôi dúi thương phẩm và đạt giá trị kinh tế rất cao. Như gia đình anh Chu Văn Oai (Lương Bằng, Chợ Đồn, Bắc Kạn) vài năm nay giàu lên nhờ nuôi dúi.
Theo như anh Oai, nuôi dúi đạt hiệu quả kinh tế hơn nhiều so với nuôi nhím. Một năm dúi có thể cho 4 lứa, bình quân mỗi lứa được hai con. Đối với những con dúi thịt sinh trưởng và phát triển tốt thì khoảng 3 tháng có thể đạt được từ 1,5 đến 2kg/con.
Với giá thành hiện nay, đối với con giống giao động từ 250 đến 300 nghìn đồng/kg, giá dúi thịt khảng 200 đến 250 nghìn đồng/con. "Gia đình tôi mới nuôi được 3 năm nay và xuất bán cho thị trường hàng trăm đôi dúi giống và dúi thịt. Nói chung, từ khi nuôi dúi thu nhập gia đình tăng lên đáng kể, đời sống cũng được nâng cao.
Tôi luôn sẵn sàng đón tiếp bà con đến tham quan học tập và trao đổi kinh nghiệp nuôi dúi cho hiệu quả kinh tế cao. Đây là mô hình kinh tế cho thu nhập cao, góp phần xóa đói giảm nghèo cho bà con" - anh Oai chia sẻ.
Mô hình nuôi dúi của bà Phạm Thị Thanh, bản Kim Tân (xã Huy Bắc, huyện Phù Yên, Sơn La) cũng được rất nhiều người biết đến.
Cả khu chuồng trại của gia đình bà Thanh rộng hơn 150m2, mỗi năm nuôi cả nghìn con dúi. Hiện bà Thanh sở hữu khoảng 220 con dúi sinh sản, còn lại là hàng nghìn con dúi thịt.
Đưa chúng tôi đi thăm trang trại, bà Thanh hồ hởi chia sẻ: "Sắp đến Tết Nguyên đán, đàn dúi gia đình tôi đang được rất nhiều tiểu thương và các nhà hàng ở trong tỉnh, Hà Nội, Phú Thọ… tìm đến đặt mua liên tục. Có thời điểm gia đình tôi còn không có sản phẩm để cung cấp ra thị trường.
Trung bình mỗi năm, sau khi trừ chi phí tôi có lãi gần 1 tỷ đồng/năm từ việc bán dúi giống và dúi thịt. Giờ gia đình tôi đã có điều kiện kinh tế khá giả hơn so với trước kia và có của ăn của để. Sắp tới tôi dự tính sẽ mở rộng mô hình lên hơn 2.000 con dúi...".