Tín hiệu mạnh mẽ từ Nga
Sau vụ phóng tên lửa Oreshnik của Nga hồi tuần trước, hãng thông tấn RT đã đăng tải 1 video mô tả thời gian bay của tên lửa tới một số thủ đô lớn ở châu Âu: 20 phút đến London, Paris, 15 phút đến Berlin và 12 phút đến Warsaw.
Trong các phát ngôn công khai, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra những bình luận rất tích cực về tên lửa mới của Nga. Ông khẳng định hiện nay trên thế giới không phương tiện nào có thể đánh chặn được Oreshnik và cảnh báo rằng Moscow có thể sử dụng nó để tấn công nhằm vào "trung tâm đầu não" của Kiev.
Oreshnik có khả năng mang đầu đạn hạt nhân nhưng ông Putin cho biết, tới nay tên lửa này chỉ trang bị đầu đạn thông thường.
"Chúng tôi tin rằng mình có quyền sử dụng vũ khí của mình để nhắm tới cơ sở quân sự của những quốc gia đã cho phép vũ khí của họ được sử dụng để tấn công cơ sở của chúng tôi", ông Putin cảnh báo trong bài phát biểu hôm 21/11 khi công bố thông tin liên quan tới vụ tấn công bằng Oreshnik vào một địa điểm sản xuất hàng không vũ trụ ở Dnipro, Ukraine.
Giới lãnh đạo và phân tích phương Tây coi các phát ngôn của ông Putin là những lời hù dọa từ phía Nga sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cho phép Kiev sử dụng Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Quân đội Mỹ (ATACMS) để tấn công các mục tiêu sâu bên trong lãnh thổ Nga.
Tuy nhiên, Washington Post (WaPo) lưu ý rằng, cảnh báo của ông Putin được đưa ra vào 1 thời điểm quan trọng, khi Mỹ đang trong giai đoạn chuyển giao chính quyền và châu Âu lo ngại về lập trường của Tổng thống đắc cử Donald Trump đối với Nga, cũng như khả năng ông có thể giảm mức độ cam kết của Washington đối với NATO. Trong khi đó, Nga đang dần nắm quyền kiểm soát thêm nhiều khu vực ở miền Đông Ukraine, gia tăng áp lực đối với lực lượng Kiev.
Theo WaPo, việc Moscow sử dụng tên lửa đạn đạo tầm trung là một tín hiệu mạnh mẽ của ông Putin cho thấy Nga muốn giành ưu thế trước Ukraine khi nước này tìm cách tác động tới sự hỗ trợ của châu Âu đối với Kiev và uốn nắn kiến trúc an ninh châu Âu theo hướng mà mình mong muốn.
Oreshnik là "phát súng đầu tiên"?
Tên lửa Oreshnik — có nghĩa là "cây phỉ" — đặt ra một mối đe dọa trực tiếp và có khả năng gây ra hậu quả nghiêm trọng cho châu Âu, ngay cả khi chỉ được trang bị đầu đạn thông thường, WaPo dẫn nguồn chuyên gia phân tích cho hay.
Đây được xem là phát súng đầu tiên trong cuộc chạy đua mới ở châu Âu mà một số chuyên gia vũ khí phương Tây nhận định có thể kéo dài hàng thập kỷ và tiêu tốn hàng tỷ đô la ở các nước NATO và Nga.
Sau khi Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS của Mỹ và Storm Shadow của Pháp-Anh để tấn công vào lãnh thổ Nga, tuần trước ông Putin cũng chính thức hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân của Nga.
Học thuyết hạt nhân trước đây của Nga nêu rõ rằng họ có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để chống lại một cuộc tấn công thông thường đe dọa tới sự tồn vong của nước này. Cụm từ đó đã được thay thế bằng "những cuộc tấn công gây đe dọa nghiêm trọng tới chủ quyền hoặc toàn vẹn lãnh thổ của Nga hoặc Belarus".
Học thuyết còn có điều khoản cho phép Moscow tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân chống lại một quốc gia phi hạt nhân nhưng sử dụng vũ khí của một cường quốc hạt nhân (như trong trường hợp của Ukraine và vũ khí Mỹ).
Lầu Năm Góc cũng như các chuyên gia kiểm soát vũ khí phương Tây tin rằng Oreshnik không phải là mới. Họ cho rằng, có thể Oreshnik dựa trên RS-26 Rubezh - loại tên lửa vốn đã được thử nghiệm vài lần cách đây hơn 1 thập kỷ, bị bỏ qua từ 2018 và cho tới gần đây mới được lấy ra, chỉnh sửa.
Ông Putin đã ra lệnh sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik và cho biết nhiều hệ thống tương tự đang được phát triển.
Tại cuộc họp ngày 22/11 giữa ông Putin và các chỉ huy cấp cao quân sự và an ninh, chỉ huy lực lượng tên lửa chiến lược của Nga Sergei Karakayev khẳng định Oreshnik "có thể đánh trúng mục tiêu khắp châu Âu" và nếu được sử dụng để tấn công hàng loạt thì sức mạnh sẽ "sánh ngang với vũ khí hạt nhân".
Decker Eveleth, chuyên gia phân tích của trung tâm nghiên cứu CNA (có trụ sở tại Arlington, Virginia) nói rằng Nga có thể phá hủy các căn cứ không quân và mục tiêu quân sự trên một khu vực rộng lớn của châu Âu chỉ bằng một vài tên lửa Oreshnik được trang bị đầu đạn thông thường, và năng lực hạt nhân của loại vũ khí này có thể mang lại một mối đe dọa đáng kể.
"Oreshnik có khả năng mang theo 6 đầu đạn hạt nhân vào châu Âu trong khoảng 15 đến 20 phút, và do tốc độ, cũng như quỹ đạo bay, nó sẽ rất khó bị đánh chặn", ông Eveleth nói.
Kỷ nguyên tên lửa mới
Alexander Graef, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Hòa bình và Chính sách An ninh (IFSH) tin rằng châu Âu đang ở ngưỡng của một "kỷ nguyên tên lửa mới".
Hồi tháng Bảy, Washington và Berlin đã công bố kế hoạch triển khai luân phiên tên lửa tầm trung của Mỹ vào Đức bắt đầu từ năm 2026 — gây phản ứng mạnh mẽ từ Moscow. Trong khi đó, một số nước đã tham gia vào dự án Tiếp cận Tấn công Tầm xa Châu Âu (ELSA) do Pháp dẫn đầu nhằm phát triển tên lửa tầm xa.
"Theo tôi nghĩ, điều sắp xảy ra là các bên - Nga, các quốc gia châu Âu, Mỹ - sẽ tăng cường kho vũ khí của mình bởi họ chưa có đủ số lượng để sử dụng các vũ khí này một cách hiệu quả và tiêu diệt nhiều mục tiêu sẵn có", ông Graef nhận định.
Tuy nhiên, một số người tỏ ra nghi ngờ lập trường của NATO trong nỗ lực ngăn chặn Nga.
Boris Bondarev, cựu chính trị gia Nga - chuyên gia về kiểm soát vũ khí và an ninh toàn cầu cho rằng các nhà lãnh đạo NATO liên tục chùn bước trước những đe dọa hạt nhân từ phía Moscow.
"Tôi không nghĩ rằng Moscow thực sự có kế hoạch tiến hành một cuộc chiến tranh hạt nhân. Vũ khí vẫn là nỗi sợ hãi. Trước hết, đó là chiến tranh tâm lý và tôi nghĩ là nó khá thành công", ông Bondarev nói.
Bondarev cho rằng, ông Putin sẽ không ký kết bất cứ thỏa thuận nào với ông Trump trừ khi giành được những ưu thế nhất định trước Kiev, ngăn Ukraine gia nhập NATO và đạt được một số vấn đề liên quan tới các vùng lãnh thổ Nga đang nắm quyền kiểm soát.
"Một khi được phóng, tên lửa này có thể tới các thủ đô châu Âu chỉ trong 12 đến 16 phút. Như vậy là có rất ít thời gian để phản ứng, phát hiện ra nó. Thêm vào đó, nó còn có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân", François Diaz-Maurin - chuyên viên của tổ chức Bulletin of the Atomic Scientists (Bản tin của các Nhà khoa học Hạt nhân) nhận định.
Ông Diaz-Maurin cho rằng, ngay cả khi châu Âu nhận thức được mình cần phải tự bảo vệ bản thân thì họ vẫn chưa thể sánh kịp Nga.
"Tên lửa mới này thực sự là một yếu tố cho thấy vì sao châu Âu cần phải dẫn đầu về vấn đề an ninh của chính họ", Diaz-Maurin nói.