Các tên lửa - được Bình Nhưỡng gọi là “vũ khí chiến lược có ý nghĩa quan trọng” - đã bay 1.500km trong vòng 7.580 giây theo quỹ đạo hình bầu dục và hình số 8.
Vụ thử mới nhất cho thấy chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng vẫn đang tiến bộ đều đặn bất chấp bế tắc trong các cuộc đàm phán với Mỹ. Các cuộc đàm phán đã bị đình trệ kể từ năm 2019.
“Đây sẽ là tên lửa hành trình đầu tiên của Triều Tiên được chỉ định một cách rõ ràng về vai trò chiến lược”, Ankit Panda, thành viên cấp cao của Tổ chức Carnegie Endowment vì Hòa bình Quốc tế có trụ sở tại Mỹ cho biết. "Đây là cách nói mà Triều Tiên thường để chỉ hệ thống vũ khí có năng lực hạt nhân."
Hiện chưa rõ Triều Tiên đã làm chủ được công nghệ chế tạo đầu đạn đủ nhỏ để mang trên tên lửa hành trình hay chưa, nhưng nhà lãnh đạo Kim Jong Un hồi đầu năm cho biết phát triển bom nhỏ hơn là mục tiêu hàng đầu của nước này.
Đây được coi là vụ phóng tên lửa đầu tiên của Triều Tiên sau khi nước này thử nghiệm một tên lửa đạn đạo tầm ngắn chiến thuật mới vào tháng Ba. Triều Tiên cũng đã tiến hành một vụ thử tên lửa hành trình chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức vào cuối tháng Một.
Quân đội Hàn Quốc cũng không cho biết Seoul có phát hiện ra vụ thử hay không. Hôm thứ Hai, Hàn Quốc cho biết nước này đang tiến hành phân tích chi tiết với sự hợp tác của Mỹ.
Seoul thường tiết lộ thông tin về các vụ thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên gần như ngay lập tức, nhưng không làm điều tương tự với tên lửa hành trình.
Tên lửa hành trình của Triều Tiên thường ít được quan tâm hơn tên lửa đạn đạo vì chúng không bị cấm một cách rõ ràng theo các Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Jeffrey Lewis, nhà nghiên cứu tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin cho biết: “Không phải tên lửa hành trình ít đe doạ hơn tên lửa đạn đạo. Mà đó là bởi những người xây dựng các nghị quyết (của Hội đồng Bảo an) thiếu trí tưởng tượng như Kim Jong Un và Học viện Khoa học Quốc phòng của ông ấy."
Lewis cho biết tên lửa hành trình tấn công đất liền tầm trung là một khả năng đáng chú ý của Triều Tiên. "Đây là một hệ thống được thiết kế để bay dưới các radar phòng thủ tên lửa hoặc xung quanh chúng."
Các cuộc phóng thử tên lửa diễn ra vào thứ Bảy và Chủ nhật mà không có sự tham dự của nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Sự kiện diễn ra ngay sau khi Triều Tiên tổ chức một cuộc duyệt binh quy mô nhỏ và dường như có ý định thể hiện sức mạnh quân sự của mình bằng một hành động khiêu khích cấp thấp mà không vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.
Các chuyên gia cho rằng vũ khí mới được tiết lộ của Triều Tiên giống với tên lửa tầm xa Tomahawk của Mỹ và Hyunmoo-3C của Hàn Quốc.
Tên lửa đạn đạo có tầm bắn xa hơn nhiều và di chuyển nhanh hơn tên lửa hành trình cùng kích cỡ. Tuy nhiên, tên lửa hành trình vẫn là một mối đe dọa vì chúng bay trên một đường thẳng và ở độ cao thấp, khiến chúng khó bị phát hiện hơn. Theo các chuyên gia, tên lửa hành trình cũng có thể mang đầu đạn hạt nhân.