Sau khi gấp rút nghiên cứu các bức ảnh được Triều Tiên công bố về vụ thử tên lửa mới nhất rạng sáng ngày 29/11 vừa qua, các chuyên gia tên lửa Mỹ đã đưa ra nhiều nhận định chi tiết hơn về chương trình phát triển vũ khí của nước này.
Trả lời CNN, ông Michael Duitsman, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin (CNS), cho biết: "Tên lửa được Bình Nhưỡng phóng thử lần này thực sự là loại cỡ lớn, không chỉ đối với Triều Tiên mà còn với cả thế giới. Không nhiều quốc gia có thể thiết kế loại tên lửa to cỡ này và phóng thử thành công."
Lần phóng thử mới nhất
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mới nhất của Triều Tiên có tên Hwasong-15, đã di chuyển được quãng đường 950 km và đạt độ cao 4.475 km trong khoảng 53 phút trước khi rơi xuống vùng biển phía đông Nhật Bản.
Hwasong-15 có kết cấu nhiều tầng, mỗi tầng đều có động cơ và nhiên liệu riêng, đủ để phóng vào quỹ đạo Trái Đất và đáp xuống trúng các mục tiêu trên mặt đất.
Dù Bình Nhưỡng đã nhiều lần chứng tỏ tầm xa của tên lửa trong các đợt thử nghiệm trước, nhiều chuyên gia vẫn tỏ ra hoài nghi liệu các tên lửa này có đi xa được như vậy không nếu gắn thêm các đầu đạn hạt nhân.
Chủ tịch Triều Tiên theo dõi vụ phóng tên lửa Hwasong-15. Ảnh: KCNA
Vụ thử ngày 29/11 vừa qua như "tạt gáo nước lạnh" vào các hoài nghi này.
Theo ông David Schmerler, một nhà nghiên cứu khác của CNS, rất khó để quan sát và phân tích tên lửa qua các bức ảnh, nhưng những lời cảnh báo của Triều Tiên không nên bị xem nhẹ bởi có khả năng cao Bình Nhưỡng đã cho lắp thử một đầu đạn thử nghiệm nặng bằng bom hạt nhân trên đầu của tên lửa Hwasong-15.
Ông nói: "Họ [Triều Tiên] sẽ không phí phạm các lần thử nghiệm. Rõ ràng mọi việc sẽ hợp lí hơn nếu họ lắp thử đầu đạn với khối lượng tương đương."
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera hôm nay (30/11) cũng nhận định rằng Hwasong-15 là "loại tên lửa ICBM kiểu mới… với khả năng đáng kinh ngạc".
Hệ thống động cơ hoàn toàn mới
Tên lửa Hwasong-14, loại ICBM tối tân nhất của Triều Tiên trước đây, sử dụng một động cơ với bốn bộ phận điều hướng hỗ trợ chỉ dẫn tên lửa nhắm trúng mục tiêu.
Tuy nhiên, tên lửa Hwasong-15 có vẻ sử dụng tới hai động cơ phóng nhưng không có bộ điều hướng nào kèm theo.
Ông Schmerler nói: "Đây chắc chắn là một bước tiến dài. Dường như Triều Tiên đã có thể tự điều hướng các động cơ của họ."
Loạt hình ảnh về tên lửa Hwasong-15. Ảnh: AP/Rodong Simun
Cũng theo ông Schmerler, các quốc gia khác thường tận dụng thiết kế của nước ngoài, học từ các đối thủ cũng như đồng minh để phát triển hệ thống vũ khí của mình.
Không ngoại lệ, Triều Tiên đã quan sát, tìm cách tận dụng mọi thông tin hữu ích cho chương trình phát triển tên lửa và tạo ra Hwasong-15.
Nhiều nhà phân tích đã so sánh động cơ của Hwasong-15 với Titan II, loại tên lửa của Mỹ được phát triển hồi Chiến Tranh Lạnh và ngừng hoạt động vào năm 1987.
Tên lửa Titan II là loại nặng nhất và lớn nhất từng được Mỹ chế tạo, và có khả năng mang đầu đạn với sức nổ lên tới 9 megaton (tương đương 9 triệu tấn TNT) bay qua quãng đường 15.000km.
Sau buổi phóng thử, một quan chức Triều Tiên trả lời phóng viên CNN tại Bình Nhưỡng rằng quốc gia này không muốn đối thoại với Mỹ trước khi hoàn toàn phô diễn được hết tiềm lực hạt nhân.
Tuy nhiên, ông Schemerler nhận định rằng vụ thử thành công tên lửa Hwasong-15 không có nghĩa Triều Tiên đã hài lòng và rất nhiều khả năng "sẽ có ít nhất 1 vụ thử nữa", bởi hồi tháng 7 vừa qua, nước này đã phóng liên tiếp 2 tên lửa Hwasong-14 chỉ trong khoảng thời gian vài tuần.
Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley cảnh báo vụ thử tên lửa ngày 29/11/2017 của Triều Tiên đưa chiến tranh đến gần hơn
Phản ứng từ phía Nga
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho rằng dường như Mỹ đang cố tình khiêu khích Bình Nhưỡng tiếp tục thử nghiệm chương trình tên lửa và hạt nhân của quốc gia này.
Cũng theo ông, chính sách tăng cường trừng phạt và ép buộc Triều Tiên thu hồi tên lửa hạt nhân của Mỹ có vẻ không đạt được hiệu quả như ý, nếu không muốn nói là "phản tác dụng". Chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump cũng nên lắng nghe nhiều hơn từ các quốc gia khác, bao gồm Nga, trong việc giải quyết khủng hoảng bán đảo thông qua các hình thức ngoại giao và đàm phán.