6 sư đoàn phòng không sẵn sàng khai hỏa
Vào sáng ngày 18/10/2024, tại Trường bắn Quốc gia khu vực 1 (Bắc Giang), Quân chủng Phòng không - Không quân đã tổ chức khai mạc Diễn tập chiến thuật có bắn đạn thật của lực lượng phòng không năm 2024, với sự tham gia của 6 sư đoàn phòng không.
Mục tiêu của cuộc diễn tập là nâng cao khả năng tổ chức chỉ huy, tác chiến, cũng như thao tác chiến đấu của từng cán bộ, chiến sĩ và khả năng hiệp đồng của các kíp chiến đấu, đặc biệt trong điều kiện ban đêm và những tình huống phức tạp. Từ đó, rút ra những kinh nghiệm quý báu để tổ chức huấn luyện sát với thực tiễn.
Để cuộc diễn tập diễn ra đúng kế hoạch và đạt yêu cầu đề ra, Quân chủng Phòng không - Không quân cùng các đơn vị tham gia đã hoàn thành tốt công tác chuẩn bị. Từ việc cơ động và hiệu chỉnh khí tài, chuẩn bị chiến đấu, luyện tập bắt mục tiêu, cho đến phối hợp chặt chẽ với địa phương để bảo đảm an toàn trong quá trình bắn đạn thật tại trường bắn.
Cùng với đó, Ban chỉ đạo và Ban tổ chức diễn tập của Quân chủng đã chuẩn bị đầy đủ các nội dung để điều hành cuộc diễn tập một cách khoa học, chặt chẽ, bảo đảm an toàn tuyệt đối về mọi mặt.
Trước đó, vào ngày 17/10/2024, Quân chủng Phòng không - Không quân và các đơn vị đã tích cực triển khai các bước chuẩn bị từ cơ động, hiệu chỉnh khí tài, đến luyện tập bắt mục tiêu, đảm bảo an toàn tối đa trong quá trình diễn tập.
Công tác chuẩn bị Diễn tập chiến thuật có bắn đạn thật của lực lượng phòng không. Video: Công Hướng - Nguyễn Minh/Báo Tiền Phong
Tên lửa huyền thoại từng bắn rơi "pháo đài bay" B-52
Tại đợt Diễn tập chiến thuật có bắn đạn thật của lực lượng phòng không năm 2024, nổi bật nhất phải kể đến trận địa tên lửa S-75 M3 Volga.
Chiều 17/10, trong buổi diễn tập bắn máy bay xâm phạm bầu trời Tổ quốc, chỉ vài giây sau khi phóng lên, tên lửa S-75 M3 Volga đã nhanh chóng tiêu diệt mục tiêu cách 16 km.
Những chiếc tên lửa S-75 M3 Volga là phiên bản cải tiến xuất sắc (về độ cao, tốc độ, tầm bắn, tính năng kháng nhiễu) của Quân chủng Phòng không - Không quân so với phiên bản tên lửa đất đối không S-75 trong quá khứ.
Trong quá khứ, tên lửa S-75 là tên lửa huyền thoại từng bắn rơi "pháo đài bay" B-52. Các quả tên lửa đất đối không S-75 vốn do Liên Xô chế tạo.
Tên lửa S-75 có tầm hoạt động hiệu quả ở cự ly tới 30 km, tầm hoạt động tối thiểu 8 km, độ cao đánh chặn trong khoảng từ 450m đến 25.000 m (25km). Cả tên lửa và bệ phóng S-75 dài 10,6 m, đường kính tầng 1 là 0,65 m, đường kính tầng sau tên lửa là 0,5 m. Tổng trọng lượng phóng là 2.287 kg .
Đầu đạn của S-75 là loại tạo mảnh (gần vạn mảnh), chứa 200kg thuốc nổ có tốc độ bay đạt Mach 3 (3.675. km/h). Bán kính tiêu diệt mục tiêu của đầu đạn tên lửa V-750V khoảng 65m (ở độ cao lớn, khí quyển loãng, bán kính tiêu diệt mục tiêu có thể lên đến 250m).
Năm 1972, 200 chiếc máy bay ném bom B-52 của Mỹ thực hiện 730 phi vụ trong vòng 12 ngày đêm trên bầu trời miền Bắc Việt Nam, với trọng điểm tấn công là thủ đô Hà Nội và thành phố Hải Phòng. Chúng thả hơn 20.000 tấn bom trong cuộc tập kích đường không, gây cho người dân Việt Nam nhiều tổn thất về sinh mạng.
Vào đêm đầu chiến dịch (18/12/1972), Việt Nam đã phóng khoảng 200 tên lửa S-75 vào đội hình B-52, bắn rơi 3 chiếc trong số đó và làm hư hại 2 chiếc khác. Thậm chí, vào đêm thứ 3 của chiến dịch (20/12/1972), có tới 6 máy bay B-52 bị bắn rơi.
Ước tính, chỉ tiêng trong tháng 12/1972, có trên 30 chiếc máy bay B-52 bị tên lửa S-75 bắn rơi, trong điều kiện nhiễu các loại dày đặc. Xác suất trúng rất cao, 1 đạn tên lửa trung bình hạ 0,34 máy bay.
Theo Báo điện tử Chính phủ, chỉ trong vòng 7 năm sau khi tên lửa S-75 có mặt tại Việt Nam đã tham gia 3.452 trận, phóng 5.885 quả đạn, bắn rơi 788 máy bay các loại hiện đại của không quân Mỹ. Trong đó có 366 chiếc rơi tại chỗ.
Thái Hà