Tên lửa đẩy 23 tấn của Trung Quốc đang rơi mất kiểm soát xuống Trái đất: Bắc Kinh nói gì?

An An |

Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ cho biết, do tên lửa đẩy khổng lồ của Trung Quốc đang đâm vào Trái đất một cách mất kiểm soát nên không rõ những mảnh vỡ của nó sẽ rơi chính xác vào đâu.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

MỸ: TÊN LỬA TRUNG QUỐC ĐANG RƠI MẤT KIỂM SOÁT

Hãng tin CNN ngày 27/7 dẫn thông tin từ Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ đưa tin, các mảnh vỡ của tên lửa khổng lồ Trung Quốc, sau khi đưa thành công mô-đun mới lên trạm vũ trụ của nước này hôm 25/7, dự kiến sẽ rơi xuống Trái đất vào đầu tuần tới.

Tên lửa Long March 5B nặng 23 tấn mang theo mô-đun phòng thí nghiệm Thiên Vấn , được phóng từ đảo Hải Nam lúc 14h22 chiều 24/7 (theo giờ địa phương).

Theo phía Mỹ, tên lửa đẩy Long March 5B đã hoàn thành nhiệm vụ nhưng lao xuống bầu khí quyển của Trái đất một cách mất kiểm soát nên không rõ những mảnh vỡ của nó sẽ rơi xuống đâu.

Đó là một vật thể kim loại nặng khoảng 20 tấn. Mặc dù nó sẽ vỡ ra khi rơi vào bầu khí quyển, nhưng nhiều mảnh - một số khá lớn - sẽ chạm tới bề mặt Trái đất.

Giáo sư Michael Byers

Tên lửa đẩy 23 tấn của Trung Quốc đang rơi mất kiểm soát xuống Trái đất: Bắc Kinh nói gì? - Ảnh 2.

Tên lửa đẩy Long March 5B nặng 23 tấn được phóng hôm 24/7. Ảnh: AP

Ông Michael Byers, Giáo sư tại Đại học British Columbia và là tác giả của một nghiên cứu gần đây về nguy cơ thương vong do các mảnh vỡ không gian, giải thích rằng, rủi ro đối với con người từ các mảnh vỡ không gian là cực nhỏ nhưng nếu nó rơi vào khu vực có người sinh sống thì phần lớn vẫn có khả năng gây ra thiệt hại.

Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Astronomy, ông Byers nói rằng do sự gia tăng rác thải không gian, những rủi ro nhỏ đó đang trở nên nhiều hơn, đặc biệt là ở phía nam bán cầu. Do đó, các mảnh vỡ tên lửa có khả năng rơi xuống những khu vực như Jakarta, Dhaka và Lagos cao hơn 3 lần so với New York, Bắc Kinh hoặc Moscow.

"Rủi ro này hoàn toàn có thể tránh được vì hiện nay tồn tại các công nghệ và thiết kế cho phép kiểm soát việc tái nhập Trái đất của tên lửa (thường rơi xuống các khu vực xa xôi của đại dương) thay vì để nó rơi không kiểm soát", Giáo sư Mỹ nói.

Holger Krag, người đứng đầu Văn phòng Mảnh vỡ Không gian thuộc Cơ quan Vũ trụ Châu Âu, cho biết, thông lệ quốc tế tốt nhất là cho tên lửa rơi trở lại trái đất có kiểm soát, xuống phần xa xôi của đại dương, tránh nguy cơ gây thương vong cho con người. Ông nói thêm rằng khu vực tái nhập của tên lửa được giới hạn về mặt địa lý trong khoảng vĩ độ 41 độ Nam và 41 độ Bắc của đường xích đạo.

Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ cho biết họ sẽ theo dõi quá trình rơi trở lại Trái đất của tên lửa Trung Quốc.

Người phát ngôn cơ quan này tiết lộ, dựa trên các điều kiện khí quyển khác nhau, điểm rơi chính xác của tên lửa xuống Trái đất không thể xác định chính xác cho đến thời điểm vài giờ trước khi nó trở lại, nhưng ước tính nó sẽ quay trở lại bầu khí quyển của Trái đất vào khoảng ngày 1/8.

TRUNG QUỐC LÊN TIẾNG

Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 27/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã trả lời truyền thông về thông tin tên lửa Trung Quốc mất kiểm soát.

Ông Triệu Lập Kiên cho biết, Trung Quốc đã theo dõi sát sao việc tái nhập khí quyển của phần còn lại của tên lửa Long March 5B.

"Những mảnh vỡ của tên lửa Long March 5B sẽ bị phá hủy đốt cháy trong quá trình rơi trở lại bầu khí quyển. Đây là thông lệ quốc tế. Ngày 24/7, tên lửa đẩy Long March 5B đã đưa thành công mô-đun phòng thí nghiệm Thiên Vấn vào quỹ đạo định trước của trạm không gian Trung Quốc", ông Triệu nói.

Quan chức Trung Quốc khẳng định, nước này luôn tiến hành các hoạt động ngoài không gian một cách hòa bình dựa theo luật pháp quốc tế và thông lệ quốc tế. Kể từ giai đoạn nghiên cứu phát triển kỹ thuật hàng không vũ trụ, Trung Quốc đã tích hợp các yêu cầu về giảm thiểu mảnh vỡ và phá hủy quỹ đạo sau sứ mệnh vận chuyển tên lửa và đưa vào vệ tinh quay quanh quỹ đạo.

Loại tên lửa này áp dụng kỹ thuật thiết kế đặc biệt, hầu hết các linh kiện sẽ bị phá hủy và đốt cháy trong quá trình tái nhập khí quyển nên xác suất gây ra thiệt hại cho các hoạt động hàng không và mặt đất là cực kỳ thấp.

Người phát ngôn BNG Trung Quốc Triệu Lập Kiên

Tên lửa đẩy 23 tấn của Trung Quốc đang rơi mất kiểm soát xuống Trái đất: Bắc Kinh nói gì? - Ảnh 4.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên. Ảnh: SCMP

"Trung Quốc cũng tham gia vào các cơ chế hợp tác đa phương như Liên hợp quốc và tiến hành hợp tác quốc tế thông qua việc kiểm tra chung các vật thể tái nhập, trao đổi dữ liệu thông tin, chia sẻ kết quả dự đoán tái nhập. Về phần còn lại của tên lửa Long March 5B, các cơ quan liên quan của Trung Quốc đang theo dõi sát và sẽ báo cáo tình hình kịp thời thông qua trang thông tin chính thức của Cơ quan Vũ trụ có người lái Trung Quốc (CMSA)", ông Triệu Lập Kiên nhấn mạnh.

Theo CNN, đây là sự cố tên lửa đẩy rơi mất kiểm soát ngoài không gian lần thứ 3 của Trung Quốc.

Năm ngoái, Trung Quốc đã bị chỉ trích vì cách xử lý các mảnh vỡ không gian sau khi nước này phóng tên lửa tương tự đưa một mô-đun lên trạm vũ trụ. Mảnh vỡ của nó đã lao xuống Ấn Độ Dương, gần Maldives, 10 ngày sau khi phóng.

Vào năm 2020, một lõi tên lửa của Trung Quốc - nặng gần 20 tấn - đã tái xâm nhập không kiểm soát vào bầu khí quyển của Trái đất, bay qua Los Angeles và New York trước khi rơi xuống Đại Tây Dương.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại