Tel Aviv trả lời câu hỏi có tồn tại nếu không có vũ khí Mỹ?

Kiên Bùi |

Cuộc xung đột Hamas-Israel leo thang làm nổi bật tình hình an ninh của Tel Aviv khi phải cần Mỹ viện trợ vũ khí.

Theo hãng thông tấn RIA, dưới góc độ này, cần phải xem xét kỹ hơn lĩnh vực quốc phòng trong nước của Israel.

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) xác nhận vào cuối ngày 10/10 rằng chiếc máy bay đầu tiên chở vũ khí của Mỹ đã hạ cánh xuống Nhà nước Do Thái này.

IDF cho biết trong một tuyên bố: "Chúng tôi rất biết ơn sự ủng hộ và hỗ trợ của Mỹ dành cho IDF trong giai đoạn đầy thử thách này".

Lực lượng IDF nhấn mạnh: "Những kẻ thù chung của Tel Aviv và Washington biết rằng sự hợp tác giữa quân đội của chúng ta đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Sự hỗ trợ của Mỹ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động quân sự quan trọng và tăng cường khả năng sẵn sàng cho các tình huống khác của IDF".

Quân đội Israel không tiết lộ về những loại vũ khí được cung cấp cũng như những "kịch bản khác" này có thể dẫn đến điều gì.

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố rằng sự hỗ trợ của Mỹ sẽ bao gồm tên lửa đánh chặn "để bổ sung cho Iron Dome".

Bên cạnh vũ khí, Washington đã triển khai Nhóm tấn công tàu sân bay USS Gerald R. Ford ở Đông Địa Trung Hải và điều động các vũ khí bổ sung của Không quân đến khu vực để tăng cường cho các phi đội máy bay chiến đấu hiện có.

Tướng Michael Kurilla, chỉ huy Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ tuyên bố: "Sự xuất hiện của các lực lượng này tới khu vực là tín hiệu răn đe mạnh mẽ đến bất kỳ thế lực thù địch nào với Israel muốn lợi dụng tình hình hiện nay".

Tình hình hiện tại gợi nhớ một cách kỳ lạ đến một kịch bản mà Israel đã trải qua đúng vào tuần này cách đây 50 năm, trong Chiến tranh Ả Rập-Israel vào tháng 10 năm 1973.

Tại thời điểm đó, Washington đã tổ chức một sứ mệnh không vận chiến lược khổng lồ được gọi là Chiến dịch Nickel Grass để vận chuyển hàng chục nghìn tấn vũ khí viện trợ khẩn cấp cho Tel Aviv, bao gồm đạn dược, xe tăng và hệ thống pháo binh.

Tuy nhiên, có một sự khác biệt quan trọng lần này.

Trong cuộc khủng hoảng năm 1973, các đối thủ Syria và Ai Cập của Israel đã nhận được sự hỗ trợ trực tiếp từ các nước thuộc khối Xô Viết cũng như sự hỗ trợ về cố vấn và viễn chinh từ nửa tá quốc gia ở Trung Đông.

Ngày nay, trong khi khoảng nửa tá quốc gia đã bày tỏ sự ủng hộ về mặt tinh thần đối với lực lượng Hamas tại Palestine (trong đó có Afghanistan, Iraq, Iran, Syria và Hezbollah ở Lebanon), thì không có quốc gia nào cung cấp hỗ trợ quân sự.

Israel có thực sự cần vũ khí Mỹ?

Israel có một trong những tổ hợp công nghiệp quân sự lớn nhất, đa dạng, phức tạp và sinh lời nhất trên thế giới.

Chỉ có Iran được coi là có thể cạnh tranh với Nhà nước Do Thái trong khu vực về khả năng thiết kế, sản xuất và triển khai một loạt vũ khí tiên tiến.

Không giống như Iran, Israel còn nhận được khoản viện trợ quân sự hàng năm trị giá hơn 3 tỷ USD của Mỹ, hay chính xác hơn là các khoản tài trợ để mua các thiết bị và dịch vụ quân sự của Mỹ, cộng với khả năng được tiếp cận đầu tiên với các vũ khí tiên tiến của Mỹ, như máy bay chiến đấu F-35 của Lockheed Martin.

Điều gì đã thúc đẩy sự ra đời của ngành công nghiệp quốc phòng Israel?

Quyết định của Tổng thống Pháp Charles de Gaulle ban hành lệnh cấm vận xuất khẩu vũ khí tới khu vực ngay trước Chiến tranh Ả Rập-Israel vào tháng 6 năm 1967 đã làm tê liệt khả năng của nhà nước Do Thái trong việc sản xuất một loạt vũ khí và linh kiện tiên tiến, đặc biệt là máy bay.

Paris dỡ bỏ lệnh cấm vận vào giữa những năm 1970, nhưng thiệt hại đã xảy ra và Tel Aviv bắt đầu nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ chưa từng có nhằm xây dựng năng lực liên quan đến kỹ thuật và sản xuất cho ngành công nghiệp quốc phòng của mình.

Trong những năm gần đây, nhờ một loạt các vụ sáp nhập, mua lại và mở rộng quy mô lớn sang thị trường nước ngoài, lĩnh vực quốc phòng của Israel đã nổi lên với một số tập đoàn vũ khí lớn chịu trách nhiệm sản xuất nhiều loại vũ khí, trong số đó có:

Israel Aerospace Industries (IAI): Một gã khổng lồ quốc phòng thuộc sở hữu nhà nước chịu trách nhiệm sản xuất một loạt máy bay nội địa, máy bay không người lái (UAV), tên lửa, hệ thống phòng thủ trên không, radar và các thành phần tác chiến điện tử.

Các sản phẩm nổi tiếng nhất của IAI bao gồm hệ thống Iron Dome, hệ thống tên lửa chống đạn đạo dòng Arrow, tên lửa đất đối không dòng Barak, tên lửa chống hạm Gabriel, tên lửa đạn đạo có khả năng hạt nhân Jericho I, II và III, tên lửa chống LAHAT dẫn đường bằng laser, bom dẫn đường bằng laser Griffin và tên lửa không đối đất SkySniper.

Công ty cũng sản xuất các tàu tấn công nhanh dòng Dabur, Dvora và Super Dvora Mk II và Mk III, được thiết kế cho các cuộc tuần tra phòng không và chống hạm ven biển.

IAI sản xuất nhiều loại UAV, trong số đó có dòng máy bay không người lái do thám tầm xa Heron, máy bay không người lái mang bom tự sát Harpy và Harop.

Ngoài ra, dòng sản phẩm của IAI còn bao gồm các phương tiện trinh sát bọc thép hạng nhẹ, bao gồm RBY MK 1 và RAM MK3, bệ pháo TopGun và các bộ phận dành cho máy ủi bọc thép Caterpillar của IDF, được sử dụng rộng rãi để phá hủy các tòa nhà, chướng ngại vật ở Đông Jerusalem và Bờ Tây và hỗ trợ xây dựng các bức tường và các rào cản khác dọc biên giới với Gaza.

Làm tăng sự chính xác và nguy hiểm cho những khí tài do IAI sản xuất là các vệ tinh liên lạc hạng nhẹ dòng AMOS của Israel, các vệ tinh gián điệp dòng EROS và các phương tiện phóng để đưa tàu vũ trụ vào quỹ đạo.

Hệ thống phòng thủ tiên tiến của Rafael. Đây là một tập đoàn quốc phòng và hàng không vũ trụ lớn khác thuộc sở hữu Nhà nước Do Thái, chịu trách nhiệm tạo ra các tên lửa dòng Tamir được sử dụng bởi Iron Dome, các thành phần của hệ thống phòng không và tên lửa laser Iron Beam thử nghiệm, hệ thống phòng không David's Sling (được phát triển cùng với Raytheon).

Ngoài ra còn có loạt tên lửa không đối không Python-5, I-Derby, Sky Spear, tên lửa chống tăng Spike và Matador, hệ thống bảo vệ chủ động Windbreaker Trophy cho xe tăng và một loạt thiết bị điều khiển từ xa dùng cho xe tăng, xe chiến đấu, bệ súng máy... của IDF.

Elbit Systems: Một công ty quốc phòng quan trọng sản xuất phần lớn các hệ thống vũ khí của Israel, bao gồm UAV và thiết bị vô tuyến kỹ thuật số.

Danh mục đầu tư của công ty bao gồm sản xuất loạt máy bay không người lái trinh sát Hermes, radio E-LynX, phần mềm gián điệp.

Sau khi Elbit mua lại Công ty Công nghiệp Quân sự Israel (IMI) vào năm 2018, nhiều loại sản phẩm khác đã ra đời, từ loại vũ khí nhỏ đến xe MRAP, tên lửa Delilah, tên lửa hành trình, bom, lựu đạn và đạn chùm.

Israel Weapon Industries (IWI): Nhà sản xuất chính các loại vũ khí nhỏ cho IDF, bao gồm súng ngắn dòng Jericho 941, Masada và Desert Eagle, súng trường tấn công Galil ACE, súng máy hạng nhẹ Negev, dòng súng trường tấn công kiểu bullpup Tavor và Uzi.

Đây là loạt súng tiểu liên nổi tiếng thế giới được mọi người từ Cơ quan Mật vụ Mỹ đến lực lượng an ninh của nhiều quốc gia khác lựa chọn.

Quân đội Israel: Một số loại vũ khí được cho là quá quan trọng không thể giao cho bất kỳ công ty nào, trong đó dòng xe tăng chiến đấu chủ lực Merkava là một ví dụ hoàn hảo.

Được phát triển bởi Cơ quan Quản lý Chương trình Xe tăng của Bộ Quốc phòng Israel (MANTAK), xe tăng Merkava được sản xuất bởi Quân đoàn Quân sự của IDF, với các công ty quốc phòng lớn sản xuất các bộ phận của nó (Rafael cung cấp áo giáp, IMI thuộc sở hữu của Elbit Systems cung cấp pháo tăng nòng trơn 120 mm và công ty quốc phòng khổng lồ của Mỹ General Dynamics Land Systems cung cấp động cơ và hộp số).

Một chút trợ giúp từ đồng minh

Với việc các nhà sản xuất quốc phòng của Israel có khả năng sản xuất nhiều loại vũ khí khác nhau nói trên, chỉ có một số lĩnh vực mà Tel Aviv thực sự cần sự giúp đỡ của Mỹ trong sản xuất thực tế hoặc toàn bộ chu trình thiết kế và sản xuất.

Ví dụ, tàu hộ tống lớp Sa'ar 5 của Hải quân Israel có thể được phát triển bởi các kỹ sư quốc phòng Israel, nhưng được chế tạo bởi công ty con Ingalls Shipbuilding của Northrop Grumman ở Pascagoula, Mississippi, Mỹ.

Máy bay chiến đấu F-35I Adir được Lockheed Martin sản xuất tại nhà máy Fort Worth, Texas, sau đó người Israel đã sửa đổi máy bay để tích hợp một số hệ thống điện tử và mang được tên lửa và bom do Israel sản xuất.

Người buôn vũ khí toàn cầu

Xây dựng năng lực sản xuất quốc phòng trong nước trong những năm 1970, 80 và 90, Israel đã trở thành nhà xuất khẩu vũ khí lớn trên toàn cầu, ước tính quốc gia này chiếm khoảng 2,3% doanh số bán vũ khí toàn cầu - đứng thứ 10 trên thế giới.

Các khách hàng lớn mua vũ khí của Israel bao gồm Ấn Độ, Azerbaijan, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Maroc, Bahrain, Mỹ, Singapore, Philippines...

Đầu năm nay, Nhà nước Do Thái đã công bố xuất khẩu quốc phòng của nước này đạt khoảng 12,5 tỷ USD vào năm 2022, với các hệ thống máy bay không người lái, tên lửa, tên lửa cũng như hệ thống phòng không, radar và các hệ thống điện tử sớm chiếm phần lớn doanh số bán hàng.

Tóm lại: nếu các công ty quốc phòng của Israel không bị ảnh hưởng bởi các cuộc tấn công của Phong trào Hamas, và nếu cuộc khủng hoảng không leo thang thành một vụ xung đột lớn trong khu vực, thì ngành công nghiệp vũ khí của Israel có thể cung cấp cho IDF lợi thế lớn về số lượng và chất lượng so với vũ khí của Hamas.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại