Người biểu tình tụ tập ở thủ đô Niamey của Niger để ủng hộ lực lượng đảo chính ngày 30/7. (Ảnh: Reuters)
Khối ECOWAS gồm 15 quốc gia phản ứng với cuộc đảo chính lần thứ bảy ở khu vực Sahel trong những năm gần đây khi đám đông ở thủ đô Niamey của Niger đốt cờ Pháp và ném đá vào phái đoàn ngoại giao của cường quốc thuộc địa cũ, khiến cảnh sát phải dùng hơi cay đối phó.
Hình ảnh cho thấy tường của đại sứ quán bị cháy và nhiều người được đưa lên xe cứu thương với đôi chân đẫm máu.
Tại một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp ở Nigeria để thảo luận về cuộc đảo chính, các lãnh đạo của Cộng đồng Kinh tế của các quốc gia Tây Phi kêu gọi khôi phục trật tự hiến pháp, cảnh báo sẽ có biện pháp nếu điều này không được thực hiện.
Tổng thống Chad Mahamat Idriss Deby, người lên nắm quyền năm 2021 sau một cuộc đảo chính, đã gặp người đồng cấp Nigeria Bola Tinubu bên lề hội nghị và tình nguyện thuyết phục với các lãnh đạo quân sự ở Niger.
ECOWAS và Liên minh Kinh tế và tiền tệ Tây Phi gồm 8 thành viên cho biết, biên giới với Niger sẽ bị đóng cửa ngay lập tức, các chuyến bay thương mại bị cấm, các giao dịch tài chính bị tạm dừng, tài sản quốc gia bị đóng băng và viện trợ chấm dứt.
Các quan chức quân sự liên quan đến cuộc đảo chính sẽ bị cấm đi lại và tài sản của họ bị đóng băng.
Thủ tướng Niger Ouhoumoudou Mahamadou nói rằng biện pháp trừng phạt của ECOWAS sẽ là thảm họa, vì nước này phụ thuộc rất nhiều vào các đối tác quốc tế để trang trải nhu cầu ngân sách của mình.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hoan nghênh hành động của ECOWAS.
Cuộc đảo chính quân sự ở Niger bị các nước láng giềng và đối tác quốc tế, gồm Mỹ, Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Phi, Liên minh châu Âu và Pháp lên án mạnh mẽ. Họ đều từ chối công nhận nhóm lãnh đạo mới do tướng Abdourahamane Tiani đứng đầu.
Niger là một đồng minh quan trọng của phương Tây trong các chiến dịch chống lực lượng nổi dậy có quan hệ với al Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo ở Sahel. Bên cạnh đó, phương Tây lo ngại rằng cuộc đảo chính có thể mở ra cơ hội để Nga gia tăng ảnh hưởng ở quốc gia này. Hàng nghìn binh lính Pháp buộc phải rút khỏi nước láng giềng Mali và Burkina Faso sau các cuộc đảo chính ở đó.
Theo Ngân hàng Thế giới, Niger là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, nhận được gần 2 tỷ USD hỗ trợ phát triển chính thức mỗi năm.
Ngày 30/7, hàng nghìn người tập trung tại thủ đô Niamey, trong đó nhiều người kéo đến Đại sứ quán Pháp.
"Chúng tôi ở đây để bày tỏ bất bình trước sự can thiệp của Pháp vào công việc của Niger. Niger là một quốc gia độc lập và có chủ quyền, vì vậy các quyết định của Pháp không ảnh hưởng đến chúng tôi", người biểu tình Sani Idrissa nói.
Pháp lên án bạo lực và tuyên bố bất kỳ ai tấn công công dân hoặc lợi ích của họ sẽ phải đối mặt với biện pháp đáp trả nhanh chóng và nghiêm khắc.
Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna nói với đài phát thanh RTL rằng: "Kỷ nguyên đảo chính ở châu Phi phải chấm dứt. Chúng không thể chấp nhận được".
Liên minh châu Âu và Pháp đã cắt hỗ trợ tài chính cho Niger và Mỹ dọa sẽ làm tương tự.
Ông trùm lực lượng quân sự tư nhân Wagner Yevgeny Prigozhin đề nghị để các tay súng của ông đến Niger để lập lại trật tự.