Dưới đây, mời bạn đọc tham khảo bài viết của biên tập viên trang công nghệ The Verge về trào lưu tẩy chay, xóa tài khoản Facebook trong vụ bê bối thông tin người dùng của mạng xã hội này hiện nay.
Những ngày qua, hẳn bạn đã nghe đến chiến dịch kêu gọi xóa tài khoản Facebook (#DeleteFacebook). Tuy nhiên, nghe đến là một chuyện, còn có làm theo hay không lại là chuyện khác. Và tôi, bạn, cùng gần 2 tỷ người dùng Facebook khác có lẽ thuộc về số này.
Thậm chí CEO Facebook là Mark Zuckerberg còn "khoe" với tờ The New York Times vào hôm qua rằng, anh có các số liệu chính xác cho thấy số lượng người xóa tài khoản Facebook của họ chỉ như "muối bỏ bể" mà thôi.
Giữa vụ scandal liên quan quyền riêng tư đối với dữ liệu người dùng của Facebook và công ty (có mối liên hệ với Tổng thống Donald Trump) Cambridge Analytica, giới phê bình công nghệ lẫn người dùng đã một lần nữa nghĩ đến việc rời khỏi Faebook - một trong những mạng xã hội, đế chế quảng cáo có quy mô lớn hàng đầu thế giới.
Quyết định xóa bỏ Facebook rốt cuộc cũng chỉ gói gọn trong 2 câu hỏi: 1. Có phải Facebook đã đánh mất sự tin tưởng cần thiết để có thể trở thành một "người quản lý" các thông tin cá nhân của chúng ta? Và 2.
Có phải Facebook đã quá quan trọng với đời sống online và offline, đến nỗi chẳng ai có thể đưa ra một lý do hợp lý để rời xa nó?
Câu trả lời cho câu hỏi đầu tiên: Đúng. Còn đối với câu hỏi thứ hai, một sự thật là với phần lớn chúng ta ở thời điểm này, cái bóng của Facebook vẫn là quá lớn để rời đi.
Chưa từng có công ty nào trong lịch sử (có lẽ nên trừ Google ra) lại thu hút được một lượng người dùng khổng lồ trên lãnh địa số như vậy. Và không như Google, Facebook dường như không có đối thủ trên lĩnh vực chính của họ: mạng xã hội.
Facebook là một đế chế độc quyền: nó chiếm lĩnh những khu vực rộng lớn của đời sống trực tuyến, đến mức cả Zuckerberg cũng đồng ý rằng có lẽ đã đến lúc Facebook cần được kiểm soát bởi chính quyền liên bang.
Tất cả những điều này có nghĩa rằng, trong khi Facebook miễn cưỡng tung ra một chiến dịch quan hệ công chúng để lấy lại hình ảnh, làm dịu dư luận và đập tan phong trào tẩy chay, thì cỗ máy
Facebook vẫn tiếp tục vận hành một cách mạnh mẽ. Một đế chế độc quyền là một thứ rất khó để dừng lại.
Một mặt, Facebook miễn phí. Họ không bán dịch vụ gì cho người dùng, nhưng thực ra lại bán quyền tiếp cận sự chú ý của người dùng cho giới quảng cáo.
Phần lớn người dùng Facebook chẳng cần phải bỏ tiền túi ra cho một giao dịch nào, do đó họ luôn bị ảo tưởng rằng chẳng có gì quý giá để trao tay cả. Và điều này cũng tạo ra hiệu ứng rằng chiến dịch tẩy chay kia có vẻ vô cùng mơ hồ, dẫn đến kết quả là người dùng quyết định bỏ qua.
Việc đi ngược lại với phong trào #DeleteFacebook có thể xuất phát từ thái độ bàng quan và thờ ơ của người dùng, nhưng cũng có thể xuất phát từ lo lắng rằng rời bỏ hệ sinh thái Facebook sẽ như bị tước mất một trong những dịch vụ Internet đầy giá trị và những mối quan hệ xã hội thực sự hiện hữu giữa bạn bè và gia đình.
Khoảng 68% người trưởng thành ở Mỹ sử dụng Facebook, và hơn 2/3 trong số đó truy cập vào website Facebook hay ứng dụng di động mỗi ngày.
Phần lớn thời gian trong hoạt động này là vuốt một cách vô thức trang News Feed và một lượng lớn các thông báo. Nhưng qua nhiều năm, Facebook đã "nắm thóp" được thị trường mạng xã hội bằng cách trở thành một dịch vụ đặc sắc và giá trị đối với nhiều người.
Mạng lưới quan hệ mà bạn có trên Facebook, có thể dễ dàng được ghi lại trong một bảng thống kê hay một ứng dụng ghi chú đơn giản, là một nguồn tài nguyên vô giá đối với mọi người, cả chuyên nghiệp lẫn cá nhân.
Mất đi nguồn tài nguyên đó nghĩa là mất đi các mối liên kết xã hội hiện hữu đối với những người mà chúng ta luôn quan tâm.
Do đó, khi người ta tranh luận về ý nghĩa của việc rời khỏi Facebook - tại sao lại khó như vậy, hay tại sao có thể xem đó là một đặc ân - thực ra, người ta đang phân tích về mối quan hệ được - mất, và cán cân có vẻ nghiêng mạnh về phía "mất": bạn sẽ đánh mất điều gì nếu rời khỏi Facebook?
Mặc dù các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sử dụng Facebook khiến người ta không hạnh phúc, nhưng chiến dịch #DeleteFacebook lại được xây dựng trên nền tảng của sự mộng tưởng, hay cũng có thể mục đích của nó cũng chỉ là giả vờ quan tâm lẫn nhau mà thôi.
Nếu bạn từ bỏ, bạn có thể an tâm rằng không bị ai theo dõi, đọc lén hồ sơ, hay quảng cáo một cách trắng trợn. Nhưng đổi lại, bạn cũng từ bỏ nhiều dịch vụ giá trị khác như Instagram, Messenger... Đó là một sự đánh đổi mà hầu hết mọi người không muốn thực hiện!
Đã từng có một cuộc tẩy chay trên lĩnh vực công nghệ xảy ra. Một năm trước, gã khổng lồ xe đi ké Uber đã bị phàn nàn vì những hành vi xâm phạm lòng tin trắng trợn lặp lại, cùng những hành vi cạnh tranh phi pháp của mình.
Kết quả, chiến dịch #DeleteUber đã khiến hãng mất trắng hơn 200.000 tài khoản người dùng, gởi đến Uber một lời cảnh cáo rõ ràng rằng thói kiêu ngạo và bất chấp của họ sẽ không được tha thứ.
Một năm sau, CEO Uber Travis Kalanick bị sa thải, và bản thân Uber phải thay đổi chiến lược kinh doanh lẫn cơ cấu sở hữu.
Nhưng Facebook lại là một thứ khác. Uber có thể được thay thế bởi Lyft - một sản phẩm gần như tương tự nhưng có hồ sơ sạch sẽ hơn và đội ngũ quản lý ít tiếng xấu hơn.
Nếu bạn không muốn đi xe ké, bạn có hàng trăm cách khác để đi từ điểm A đến B, từ taxi đến các phương tiện công cộng, xe đạp, hay đi bộ.
Với người dùng Facebook lâu năm, họ chẳng có sự thay thế nào: nếu đi theo phong trào tẩy chay, họ sẽ phải tiến hành một sự thay đổi lớn về hành vi văn hóa và xã hội mà mình đã rất quen thuộc mỗi ngày.
Tất nhiên, ở đây chúng tôi không nói rằng bạn không thể, hay không nên xóa bỏ tài khoản Facebook của mình.
Bạn hoàn toàn có thể tiến hành quá trình xóa bỏ tài khoản có phần hơi rắc rối kia, sau đó tải về một ứng dụng tin nhắn mã hóa như Signal, Telegram, và đăng ký tài khoản Instagram bằng một địa chỉ email nào khác.
Đó là điều Facebook không thể kiểm soát được. Và bạn bè cùng gia đình bạn vẫn ở đó, ngoài thế giới thực. Nhưng với nhiều người, Facebook và hệ sinh thái của nó là một bản sao trực tuyến phản ánh thế giới thực, và xóa bỏ chính mình khỏi không gian đó là cả một sự đánh đổi đầy khó khăn.