Tây Ban Nha: Kết cục thất vọng cho Catalonia

K.M |

Chính phủ Tây Ban Nha đã bãi chức Thủ hiến Catalonia và giải tán nghị viện của họ vào ngày 27.10, vài giờ sau khi Catalonia tự tuyên bố mình là một nhà nước độc lập.

Một cuộc bầu cử khu vực mới sẽ được tổ chức tại Catalonia vào ngày 21.12 - Thủ tướng Mariano Rajoy cho biết trong một bài diễn văn trên truyền hình trong một ngày đầy kịch tính.

Cùng với việc bãi chức Carles Puigdemont là người đứng đầu khu vực tự trị, ông Rajoy cũng sa thải cảnh sát trưởng và nói rằng các bộ của chính phủ trung ương sẽ tiếp quản chính quyền Catalonia.

"Tây Ban Nha đang trải qua một ngày buồn" - VOA dẫn lời ông Rajoy nói. "Chúng tôi tin rằng điều khẩn cấp là lắng nghe người dân Catalonia, tất cả họ, để họ có thể quyết định tương lai của họ và không ai có thể hành động ngoài luật pháp thay cho họ".

Trong lúc ông phát biểu, hàng ngàn người ủng hộ độc đổ vào chật kín Quảng trường Sant Jaume trước trụ sở chính quyền khu vực Catalonia ở Barcelona, tâm trạng hồ hởi trước đó của họ phần nào suy giảm vì những hành động của ông Rajoy.

Trong một biểu hiện thách thức Madrid gây kinh ngạc, nghị viện Catalonia biểu quyết đơn phương tuyên bố độc lập vào buổi chiều.

Dù có những cảm xúc và hoạt động ăn mừng bên trong và bên ngoài tòa nhà chính quyền, đây là một cử chỉ vô ích vì ngay sau đó Thượng viện Tây Ban Nha ở Madrid chấp thuận áp đặt nền cai trị trực tiếp lên Catalonia.

Một số nước Châu Âu, bao gồm Pháp và Đức, và Mỹ cũng bác bỏ tuyên bố độc lập và nói rằng họ ủng hộ các nỗ lực của ông Rajoy bảo toàn sự thống nhất của Tây Ban Nha.

Cuộc khủng hoảng hiện nay đã lên đến tầm mức mới và có thể nguy hiểm vì những người ủng hộ độc lập đã kêu gọi một chiến dịch bất tuân dân sự.

Catalonia tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về độc lập vào ngày 1.10, và Madrid tuyên bố cuộc bỏ phiếu là bất hợp pháp. Chỉ có 43% cử tri đi bỏ phiếu vì những người Catalonia chống độc lập phần lớn tẩy chay.

Nỗ lực độc lập đã gây nên nỗi oán ghét sâu sắc khắp Tây Ban Nha. Sự hỗn loạn cũng khiến nhiều doanh nghiệp rời bỏ Catalonia và gây báo động đối với các nhà lãnh đạo Châu Âu lo sợ cuộc khủng hoảng có thể thổi bùng tư tưởng ly khai khắp châu lục.

Catalonia là một trong những khu vực thịnh vượng nhất của Tây Ban Nha và được hưởng mức độ tự trị cao. Nhưng xứ sở này có hàng loạt những nỗi bất bình lịch sử, vốn bị làm trầm trọng hơn dưới chế độ độc tài Franco trong những năm 1939-1975, khi nền văn hoá và chính trị của họ bị áp bức.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại