Việc tranh luận về Điều 155 bắt đầu vào ngày 26/10, kéo dài đến 27/10. Thượng viện Tây Ban Nha dự kiến thông qua việc áp dụng Điều 155 vào ngày 27/10, sau khi được Nội các của Thủ tướng Rajoy thông qua tuần trước.
Thủ tướng Tây Ban Nha Rajoy nói: "Mục đích của việc áp dụng Điều 155 là thiết lập lại luật pháp bởi vì tôi cho rằng, ai cũng muốn sống ở một đất nước có luật pháp. Việc áp dụng Điều 155 của Hiến pháp là nhằm phòng tránh hậu quả về kinh tế hơn nữa khi vùng Catalonia đã phá vỡ trật tự hiến pháp khi tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân".
Trước đó, ngày 24/10, Thượng viện Tây Ban Nha thông báo trao cơ hội cho Thủ hiến vùng Catalonia Carles Puigdemont được tranh luận về việc áp dụng Điều 155 của Hiến pháp nước này nhằm đình chỉ quyền tự trị của chính quyền khu vực Catalonia, cách chức Thủ hiến, đồng thời trao quyền kiểm soát các cơ quan chủ chốt cho Madrid, trước khi Thượng viện "bật đèn xanh" cho Madrid thu hồi các quyền tự trị cấp vùng của Catalonia vào ngày 27/10 tới.
Chính quyền trung ương Madrid khẳng định Thủ hiến Puigdemont sẽ mất toàn bộ quyền lực một khi trong phiên họp tới, Thượng viện Tây Ban Nha thông qua việc áp dụng Điều 155 của Hiến pháp áp đặt quyền lãnh đạo trực tiếp của chính phủ trung ương đối với khu vực này. Đây sẽ là lần đầu tiên trong 4 thập kỷ, Madrid sử dụng Hiến pháp để giải tán chính quyền khu vực và kêu gọi tổ chức bầu cử sớm.
Trong khi đó Nghị viện vùng Catalonia cũng diễn ra vào 16h ngày 26/10 (theo giờ địa phương) tại Barcelona, để các đảng phái tại Catalonia đưa ra quan điểm thống nhất, rằng liệu sẽ đơn phương tuyên bố độc lập cho vùng này, hay tìm kiếm một sự thoả hiệp với chính quyền trung ương Tây Ban Nha.
Nếu tuyên bố độc lập đồng nghĩa với việc thách thức chính quyền Madrid đình chỉ quyền tự trị của chính quyền khu vực Catalonia và kiểm soát các cơ quan chủ chốt, trong đó có lực lượng cảnh sát, tại Catalonia.
Bộ trưởng Tư pháp Tây Ban Nha Rafael Catala khẳng định tuyên bố độc lập của chính quyền Catalonia "sẽ không có giá trị pháp lý", thậm chí còn có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng nếu "xét về mặt hình sự".
Giới phân tích nhận định, trong bối cảnh nội bộ đang chia rẽ mạnh như hiện nay, cộng thêm sức ép ngày càng lớn từ phía chính quyền trung ương Tây Ban Nha, ông Puigdemont có thể sẽ vẫn giữ chiến thuật mập mờ, không tuyên bố nhưng cũng không từ bỏ yêu sách độc lập cho Catalonia và sẽ chờ đợi mức độ cứng rắn trong các quyết định từ Thượng viện Tây Ban Nha trong ngày 27/10 để phản ứng. Tuy vậy, động thái này khiến tình hình thêm trầm trọng và việc chính quyền trung ương có các biện pháp mạnh trong khuôn khổ lập pháp là khó tránh khỏi.
Trong khi đó, Catalonia đang chứng kiến làn sóng các công ty rời bỏ vùng lãnh thổ này do lo ngại tình hình chính trị bất ổn. Truyền thông địa phương cho biết, từ đầu tháng tới nay đã có hơn 1.500 công ty di dời trụ sở chính khỏi Catalonia, riêng trong ngày 24/10 ghi nhận 107 công ty chuyển đi.
Như vậy, có thể thấy Tây Ban Nha đang trải qua cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua sau khi các nhà lãnh đạo vùng Catalonia đã tổ chức cuộc trưng cầu ý dân trái phép đòi tách ra khỏi Tây Ban Nha. Chính phủ Tây Ban Nha và Tòa án Hiến pháp khẳng định cuộc trưng cầu ý dân này là hành động vi hiến, đi ngược lại các mục tiêu và lý tưởng của EU.