Taxi bay tự lái của Trung Quốc đã thử nghiệm, dân văn phòng có thể sớm được dùng trong tương lai

Bảo Nam |

Máy bay tự hành Ehang 216 có hai chỗ ngồi, chạy bằng điện và có thể đi được quãng đường khoảng 30 km với tốc độ lên tới 130km mỗi giờ.

Giới văn phòng ở Trung Quốc có thể sẽ sớm được ngồi trên những chiếc taxi bay tự hành, bay vút qua những con đường tấp nập và các tòa nhà chọc trời chỉ bằng một nút bấm. Tương lai này đang được xây dựng bởi Ehang, công ty có trụ sở tại Quảng Châu, tự mô tả mình là nhà sản xuất máy bay tự hành chạy bằng điện, cấp độ hành khách đầu tiên trên thế giới.

Trung Quốc đang thúc đẩy việc áp dụng các công nghệ giao thông mới, như xe tự hành, để giúp đối phó với những con đường tắc nghẽn ở các thành phố lớn. Nếu Ehang ra mắt thành công, Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới có một đội taxi bay tự hành, chạy bằng điện phục vụ hành khách đi lại hàng ngày.

Hiện tại, công ty chưa cung cấp các thông tin chi tiết về thời điểm ra mắt chính thức, cũng như việc sẽ có bao nhiêu ô tô bay được sử dụng, cùng các chi phí liên quan. Nhưng theo các chuyên gia, Ehang trước hết sẽ phải đối mặt với khá nhiều vấn đề, từ các quy định cho tới mối quan tâm của công chúng về an toàn. Bên cạnh đó là việc thiết lập hệ thống, bảo trì thiết bị và dịch vụ khách hàng.

Taxi bay tự lái chạy bằng điện ở Trung Quốc

"Hàng không Trung Quốc là một thị trường khổng lồ, nhưng các quy định vẫn là một trở ngại lớn", chuyên gia hàng không Zhang Baoxin cho biết. "Có một chặng đường dài để đi, từ các chuyến bay thử nghiệm đến hoạt động vận tải hàng ngày. Sự phát triển của những chiếc xe tự lái là một tấm gương điển hình, cho biết những thách thức nào đang ở phía trước".

Tuy nhiên, đại diện công ty cho biết Ehang có thể vượt qua mọi thách thức, dù về mặt công nghệ hay quy định. "Chúng tôi đang làm việc với các nhà quản lý Trung Quốc để giúp thiết lập các quy tắc", Derrick Xiong Yifang, người đồng sáng lập Ehang nói.

Vào tháng 2 năm ngoái, Ehang đã tiến hành thử nghiệm máy bay không người lái, chạy bằng điện với các hành khách bên trên. Hơn 200 người, bao gồm cả một phó thị trưởng thành phố, nằm trong số những hành khách tham gia thử nghiệm trên hành trình dài 15 km, với tốc độ tối đa lên tới 130km mỗi giờ.

Taxi bay tự lái của Trung Quốc đã thử nghiệm, dân văn phòng có thể sớm được dùng trong tương lai - Ảnh 2.

CEO Ehang Hu Huazhi tự mình tham gia buổi thử nghiệm thiết bị. Ảnh: Handout

Tất nhiên, sự tự tin của Ehang cũng một phần đến từ hậu thuẫn phía sau của công ty, Aviation Industry Corporation of China, một doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc về kỹ thuật hàng không và quân sự.

Một chiếc taxi bay của Ehang có 16 động cơ điện riêng biệt, được kết nối với 16 cánh quạt. Để sử dụng, người dùng trước tiên phải nhập đường bay vào hệ thống điều khiển, sau đó chỉ cần nhấn một nút. Máy bay không người lái này sẽ tự động cất cánh và đi theo lộ trình. Mô hình Ehang 216 của hãng có thể di chuyển trong phạm vi 30 km, tốc độ lên tới 130km mỗi giờ, đủ ổn định để bay ngay cả khi có điều kiện giông hoặc bão. Trong trường hợp có điều gì đó không ổn, một phi công là con người trong trung tâm điều khiển của công ty sẽ tiếp quản từ xa hệ thống tự lái này.

Theo chuyên gia hàng không Zhang Baoxin, nhu cầu đối với máy bay tự lái có thể cao hơn cả với ô tô, vì tình trạng tắc nghẽn giao thông ở các thành phố lớn tại Trung Quốc không phải là thứ mà những chiếc xe chạy trên đường có thể khắc phục. Tuy nhiên, ngoài các quy định, ông Zhang cũng bày tỏ lo ngại về sự ổn định của pin lithium được dùng trên phương tiện này, cũng như sự phát triển của các trạm sạc để phục vụ nó.

Taxi bay tự lái của Trung Quốc đã thử nghiệm, dân văn phòng có thể sớm được dùng trong tương lai - Ảnh 3.
Taxi bay tự lái của Trung Quốc đã thử nghiệm, dân văn phòng có thể sớm được dùng trong tương lai - Ảnh 4.

Bạn có muốn đi làm bằng chiếc taxi bay tự lái chạy điện này không?

Tại Mỹ, Cục Hàng không Liên bang dường như không hoan nghênh lắm trong việc cập nhật và đưa ra các quy tắc dành cho các công nghệ hàng không loại mới, như hệ thống vận chuyển hàng hóa bằng drone. Thậm chí, ngay cả đồng sáng lập và giám đốc điều hành Tesla Elon Musk cũng cho biết ô tô bay có thể rất nguy hiểm.

Nhưng đối mặt với tình trạng tắc nghẽn giao thông đường bộ kinh niên ở Trung Quốc, Ehang vẫn đang đặt cược rằng hiệu quả của taxi bay tự lái sẽ có sức hấp dẫn đối với các hành khách.

"Hơn 90% chuyến đi hàng ngày trong các thành phố ở Trung Quốc ngắn hơn 20km, điều đó có nghĩa là phần lớn các tuyến bay sẽ mất ít hơn 20 phút để hoàn thành. Do đó, vấn đề năng lượng của pin sẽ không phải vấn đề", đại diện công ty chia sẻ.

Tham khảo SCMP

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại