Trong thông báo ngày 29/10, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết Parker Solar Probe đang tiến tới kỷ lục mới về khoảng cách tiệm cận với bề mặt Mặt Trời trên khi vào lúc 17h04' (giờ GMT), tức 00h04' ngày 30/10 (theo giờ Việt Nam) chính thức "xô đổ" kỷ lục 42,73 triệu km trước đó của tàu vũ trụ Helios 2 do Đức và Mỹ hợp tác sản xuất và phóng lên vũ trụ hồi tháng 4/1976.
Hình ảnh mô phỏng tàu vũ trụ Parker Solar Probe thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu bầu khí quyển của Mặt Trời.
Theo tính toán trước đó của các chuyên gia, Parker sẽ chính thức lập kỷ lục mới trong những ngày đầu tháng 11 tới với khoảng cách 24 triệu km ngay bên trong vành nhật hoa của Mặt Trời (còn gọi là khí quyển mặt trời). Dự kiến, tàu Parker sẽ có 24 lần tiếp cận Mặt Trời trong 7 năm tới và khoảng cách gần nhất mà tàu có thể tiếp cận Mặt Trời trong cả sứ mệnh này là 6 triệu km.
Được phóng lên vũ trụ từ tháng 8 vừa qua, Parker được kỳ vọng sẽ lập kỷ lục mới về tốc độ di chuyển lên tới 692.017 km/h, phá vỡ kỷ lục 247.000 km/h của Helios-2.
Theo NASA, Parker Solar Probe có giá 1,5 tỷ USD thực hiện nhiệm vụ giúp nhân loại hiểu rõ hơn về "ngôi sao" lớn nhất trong giải ngân hà.
Trên hành trình đến Mặt Trời, tàu phải đi qua Sao Kim 7 lần nhằm tận dụng trọng lực của hành tinh này để kéo chính nó lại gần hơn với Mặt Trời. Những dữ liệu khoa học đầu tiên dự kiến sẽ được truyền về Trái Đất vào tháng 12 tới.
Các chuyên gia đánh giá nếu dự án này thành công, loài người sẽ có được những kiến thức chưa từng có về cách Mặt Trời hoạt động, giúp giải thích độ nóng khủng khiếp của vành nhật hoa, các lực gây ra gió mặt trời và các hạt năng lượng bắn ra khỏi Mặt Trời với vận tốc hơn 1/2 vận tốc ánh sáng.
Những phát hiện sắp tới này có thể giúp các cơ quan hàng không vũ trụ tìm hiểu và bảo vệ Trái Đất khỏi các quầng Mặt Trời - vốn có khả năng phá hỏng các vệ tinh và mạng lưới điện trên Trái Đất.