Tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc Sơn Đông chỉ là ‘hổ giấy’ trên biển?

VĂN ĐỨC |

Sơn Đông chỉ đơn thuần là bản sao của Liêu Ninh – chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc được tân trang lại phần thân tàu Ukraine từ những năm 1980.

Hải quân Trung Quốc ngày 17/12 đưa vào trang bị chiếc tàu sân bay thứ hai của mình – Sơn Đông. Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì buổi lễ tiếp nhận tại căn cứ hải quân ở Tam Á, phía nam đảo Hải Nam, cảng nhà của con tàu.

Với việc đưa Sơn Đông vào hoạt động, hải quân Trung Quốc sẽ trở thành lực lượng đứng ngang hàng với Hải quân Hoàng gia Anh, vận hành 2 tàu sân bay có thể triển khai hoạt động máy bay cánh cố định. Hải quân Mỹ, cường quốc tàu sân bay số một, hiện sở hữu 20 tàu có khả năng phóng và thu hồi máy bay.

Chỉ là ‘hổ giấy’ trên biển?

Tuy nhiên, Sơn Đông chưa thể là một tàu sân bay hoàn hảo. Thiết kế thủy động lực học và cách bố trí đường băng làm hạn chế tiềm năng quân sự của con tàu và cũng đặt giới hạn cho khả năng phô diễn sức mạnh của hạm đội Trung Quốc. Đó là bởi vì Sơn Đông chỉ đơn thuần là một bản sao mạnh hơn một chút của Liêu Ninh, chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc được tân trang lại từ phần thân tàu Ukraine sử dụng trong những năm 1980.

Tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc Sơn Đông chỉ là ‘hổ giấy’ trên biển? - Ảnh 1.

Tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc chỉ là ‘hổ giấy’ trên biển? (Ảnh: National Interest)

Liêu Ninh và Sơn Đông không có máy phóng như 10 siêu tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân của Hải quân Mỹ. Hải quân Trung Quốc cũng không sở hữu máy bay phản lực hạ cánh thẳng đứng như Hải quân Mỹ. Các máy bay phản lực Harrier và F-35B cho phép người Mỹ triển khai 10 tàu đổ bộ sàn lớn của họ dưới dạng tàu sân bay hạng nhẹ.

Thay vào đó, các tàu Liêu Ninh và Sơn Đông dài hàng ngàn feet lại phóng máy bay chiến đấu J-15 của họ thông qua đường băng kiểu “nhảy cầu”. Chiếc tiêm kích trên hạm duy nhất của Trung Quốc J-15 cũng chỉ là một bản sao của máy bay chiến đấu hải quân Su-33 của Nga. Bề ngoài, chiếc tiêm kích này có nhiều điểm tương đồng so với tiêm kích trên hạm của Mỹ, Pháp và Anh.

Tuy nhiên, đường băng kiểu “nhảy cầu” của Liêu Ninh “rất hạn chế trọng lượng cất cánh của máy bay, hạn chế tải trọng tối đa và sức mạnh chiến đấu tổng thể” - Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) lưu ý trong báo cáo tháng 1/2019 về khả năng quân sự của Bắc Kinh.

Đường băng kiểu "nhảy cầu" giới hạn tải trọng tối đa của máy bay dưới 30 tấn - một nguồn tin hải quân Trung Quốc trước đây tiết lộ. Với trọng lượng đó, chiếc tiêm kích trên hạm J-15 không thể mang đầy đủ nhiên liệu và vũ khí, do đó chỉ có thể thực hiện được các nhiệm vụ trong phạm vi ngắn.

Hơn nữa, J-15 phải hoạt động với rất ít sự hỗ trợ từ các loại máy bay khác. “Thiết kế đường băng kiểu nhảy cầu cũng có nghĩa là Liêu Ninh không thể vận hành các máy bay hỗ trợ lớn, chuyên dụng, như máy bay cảnh báo sớm trên không” - DIA giải thích.

Để bù đắp cho việc thiếu máy bay cảnh báo sớm trên không, Hải quân Trung Quốc phát triển trực thăng Z-18J và mua Ka-31 của Nga, mang radar giám sát trên không. Các mẫu trực thăng này “cung cấp cho Hải quân Trung Quốc khả năng cảnh báo sớm trên không để giúp bù lấp khoảng trống quan trọng này cho đến khi các tàu sân bay được trang bị máy phóng mới hơn có khả năng vận hành máy bay cảnh báo sớm trên không cánh cố định đi vào hoạt động”.

Việc Sơn Đông có nhà chứa máy bay lớn hơn đồng nghĩa nó có thể mang theo 36 chiếc J-15, so với chỉ 24 chiếc mà Liêu Ninh có thể mang theo. Tuy nhiên, tàu sân bay thứ hai vẫn lặp lại những hạn chế tương tự như tàu sân bay thứ nhất. “Giống như tàu Liêu Ninh, con tàu này thiếu máy phóng và có sàn bay nhỏ hơn tàu sân bay Mỹ” - DIA cho biết.

Các tàu sân bay Trung Quốc trong tương lai có thể khắc phục các hạn chế của Liêu Ninh và Sơn Đông, - DIA dự báo. Chiếc tàu sân bay thứ ba lớn hơn đang được đóng mới tại Thượng Hải và có thể đi vào hoạt động vào đầu những năm 2020. Chiếc tàu đó sẽ là tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc được trang bị máy phóng cho phép triển khai hoạt động máy bay cánh cố định có tải trọng lớn - theo DIA.

Cho đến gần đây, các chuyên gia dự kiến Bắc Kinh sẽ đóng mới một phi đội gồm 6 tàu sân bay, với 2 chiếc cho mỗi hạm đội khu vực của Hải quân Trung Quốc. Liêu Ninh và Sơn Đông sẽ được sử dụng cho những nhiệm vụ phòng thủ khu vực “hơn là tác chiến đường dài” - DIA tuyên bố.

Nhưng vào tháng 12/2019, một số nguồn tin quân sự Trung Quốc, viện dẫn các vấn đề kỹ thuật và sự phát triển chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc, tiết lộ rằng, kế hoạch đóng tàu sân bay thứ năm và thứ sáu đã bị trì hoãn. Đến cuối những năm 2020, có khả năng Hải quân Trung Quốc sẽ chỉ sở hữu 4 tàu sân bay. Và chỉ có 2 trong số đó là được trang bị máy phóng với năng lực tác chiến đầy đủ.

Đến thời điểm đó, Hải quân Mỹ có lẽ sẽ sở hữu hơn 20 tàu sân bay, và ít nhất một nửa trong số đó có thể tự hào với máy phóng và lực lượng tiêm kích trên hạm hùng mạnh.

Hơn bất kỳ công nghệ nào khác, hàng không mẫu hạm cho phép quân đội Mỹ triển khai sức mạnh gần như ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Trong thước đo quan trọng về sức mạnh quân sự, Trung Quốc vẫn thua xa so với Mỹ, và có thể không bao giờ đuổi kịp” - tạp chí MIT Technology Review kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại