Tàu sân bay USS Harry S. Truman. Ảnh: US Navy
Cuộc tập trận “Neptune Strike’22” khai màn ngày 24/1 và kéo dài 12 ngày. Mục đích của cuộc tập trận là nhằm chứng minh khả năng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong việc phối hợp kĩ năng tấn công trên biển, hỗ trợ hệ thống phòng thủ của liên minh.
Mặc dù nhóm tàu USS Harry S. Truman sẽ hoạt động “dưới quyền kiểm soát của NATO”, nhưng quyền chỉ huy chung của cuộc tập trận sẽ nằm trong tay Phó Đô đốc Eugene H. Black III (chỉ huy Hạm đội 6 của Hải quân Mỹ).
Theo RT, “Neptune Strike” không xuất hiện trong danh sách các cuộc tập trận sắp tới của NATO, tính đến chiều 21/1. Hãng tin Nga gọi đây là cuộc tập trận bất ngờ. Hôm 19/1, phái bộ của Mỹ tại NATO cho biết tàu Truman dự kiến sẽ tham gia cuộc tập trận “Cold Response” ở Bắc Cực vào đầu tháng 3 tới.
Tuy nhiên, phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby khẳng định cuộc tập trận “Neptune Strike” là hoạt động được lên kế hoạch từ năm 2020, và không liên quan đến căng thẳng hiện tại với Nga. “Cuộc tập trận không nhằm mục đích đối phó với những kịch bản có thể xảy ra ở Ukraine ”, ông Kirby nhấn mạnh.
Cũng theo phát ngôn viên, “Mỹ đã thảo luận với các đồng minh NATO về việc có nên tiến hành tập trận trong bối cảnh tình hình đang căng thẳng hay không. Cuối cùng, khối liên minh vẫn quyết định làm theo kế hoạch”.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hoan nghênh sự tham gia của tàu sân bay Truman, gọi đây là minh chứng cho thấy sự thống nhất xuyên Đại Tây Dương. Ông Stoltenberg khẳng định NATO “sẽ luôn làm những gì cần thiết để bảo vệ và bảo vệ tất cả các đồng minh”.
Trong những tuần gần đây, Mỹ và các đồng minh nhiều lần cáo buộc Nga điều hàng chục nghìn binh sĩ đến biên giới với Ukraine để uy hiếp Kiev. Nga liên tục phủ nhận cáo buộc này.