Cáp-xun của NASA đáp thành công xuống khu vực sa mạc ở Utah ngày 24/9. (Ảnh: Reuters)
Trước đó, cáp-xun được phóng từ tàu vũ trụ tự động Osiris-Rex, khi con tàu mẹ bay cách Trái đất 107.826km.
Đây là kết quả của sứ mệnh hợp tác trong 6 năm giữa NASA với ĐH Arizona.
Đây là mẫu đất thứ ba từ tiểu hành tinh được đưa về Trái đất để phân tích. Hai sứ mệnh tương tự của cơ quan vũ trụ Nhật Bản kết thúc vào các năm 2010 và 2020.
Cách đây 3 năm, Osiris-REx bắt đầu thu thập mẫu đất từ tiểu hành tinh Bennu giàu carbon. Tiểu hành tinh này được phát hiện từ năm 1999, được xác định là “thiên thể gần Trái đất” vì nó bay khá gần hành tinh của con người với chu kỳ 6 năm, dù xác suất xảy ra va chạm rất nhỏ.
Bennu có đường kính khoảng 500m, rất nhỏ so với tiểu hành tinh Chicxulub đã va vào Trái đất cách đây khoảng 66 triệu năm, khiến loài khủng long bị xóa sổ.
Giống như nhiều tiểu hành tinh khác, Bennu là một vết tích của hệ mặt trời thủa ban đầu. Thành phần hóa học và khoáng chất của tiểu hành tinh này gần như không thay đổi kể từ khi ra đời cách đây khoảng 4,5 tỷ năm, nên nó vẫn chứa đựng những manh mối quý giá về nguồn gốc và sự phát triển của những hành tinh như Trái đất.
Nó cũng có thể chứa phân tử hữu cơ, tương tự phân tử tạo nên vi sinh vật. Các mẫu đất đá được tàu Hayabusa2 của Nhật Bản mang về từ tiểu hành tinh Ryugu cách đây 3 năm chứa thành phần hữu cơ, dẫn đến giả thuyết rằng những thiên thể như sao chổi, tiểu hành tinh và thiên thạch đã va chạm với Trái đất từ thuở sơ khai và gieo mầm sự sống nguyên thủy ở hành tinh này.
Osiris-REx được phóng lên vào tháng 9/2016 và lên đến Bennu năm 2018, sau đó quay quanh tiểu hành tinh này trong gần 2 năm. Cuối cùng, con tàu tiếp cận đủ gần để lấy được mẫu đất đá bằng cánh tay robot vào ngày 20/10/2020.
Con tàu rời Bennu từ tháng 5/2021 để thực hiện hành trình dài 1,9 tỷ km trở về Trái đất, với hai chuyến bay quanh quỹ đạo Mặt trời.
Theo AP