Điều này thể hiện rõ qua vụ việc Công ty đường sắt Tây Nhật Bản (JR West) hôm 11-5 đưa ra lời xin lỗi chính thức sau khi tàu của họ ở nhà ga Notogawa, tỉnh Shiga, khởi hành... sớm 25 giây.
Phát ngôn viên JR West thừa nhận lỗi lầm này là "không thể bào chữa", đồng thời khẳng định rằng nhân viên của họ đang được đào tạo để ngăn chặn những vụ việc tương tự trong tương lai.
Đây không phải là lần đầu tiên một công ty đường sắt Nhật Bản công bố xin lỗi vì tàu của họ khởi hành sớm dù họ không bị hành khách phàn nàn. Trước đó, vào tháng 11-2017, lãnh đạo Công ty đường sắt Tsukuba Express cũng từng đưa ra lời xin lỗi chính thức vì tàu của họ khởi hành sớm hơn 20 giây.
Công ty đường sắt Tây Nhật Bản (JR West) đã xin lỗi sau khi tàu của họ rời Nhà ga Notogawa vào lúc 7 giờ 11 phút 35 giây, sớm hơn 25 giây so với lịch trình. Ảnh: Straits Times
Những sự kiện như trên có thể gây bất ngờ tại một số quốc gia khác nhưng với một dân tộc coi trọng văn hóa đúng giờ như Nhật Bản thì đây lại là điều bình thường, đặc biệt là khi tàu sắt Nhật Bản rất hiếm khi trễ giờ.
Theo Telegraph, tàu sắt Nhật Bản đúng giờ đến mức người ta có thể biết chính xác thời điểm nó đến - rời ga và khi tàu trễ, người dân thường nghĩ ngay đến chuyện chẳng lành, chẳng hạn như có động đất hay người có người tự sát trên đường ray.
Được công nhận là đáng tin cậy và đúng giờ nhất thế giới, tàu sắt Nhật Bản thường được lựa chọn làm phương tiện di chuyển khi có việc quan trọng. Do đó, việc trễ tàu có thể khiến nhiều người bị lỡ các phương tiện trung chuyển khác và điều này có thể khiến họ trễ giờ, trễ học hay thậm chí là mất việc.
Không phải ngẫu nhiên mà mỗi khi tàu chậm trễ, giới chức công ty đường sắt Nhật Bản thường phát cho hành khách văn bản "xin lỗi" để họ có thể sử dụng để giải thích với "sếp" về lý do đi làm trễ.
Văn hóa coi trọng sự đúng giờ có lẽ là một trong những yếu tố chính giúp những thành phố lớn và đông đúc của Nhật Bản, chẳng hạn như Tokyo, duy trì tính trật tự và khả năng vận hành ấn tượng.
Tuy nhiên, nỗi "ám ảnh" với nguyên tắc chuẩn giờ đến từng giây cũng gián tiếp gây ra một số sự việc đau lòng. Trước đó, vào năm 2005, một tàu sắt bị trật bánh và lật, khiến hơn 100 người thiệt mạng. Nguyên nhân là nhân viên lái tàu tăng tốc sau khi chậm trễ 90 giây.