Tàu hàng đột nhiên "biến mất" hàng loạt tại Trung Quốc

Phương Võ |

Việc thiếu dữ liệu về tàu hàng tại Trung Quốc đe dọa tác động mạnh mẽ lên chuỗi cung ứng vì doanh nghiệp có thể mất thông tin quan trọng về thời điểm tàu cập cảng, dỡ hàng và rời cảng.

Một tàu container chuẩn bị cập cảng ở TP Thiên Tân - Trung Quốc. Ảnh: THX

Một tàu container chuẩn bị cập cảng ở TP Thiên Tân - Trung Quốc. Ảnh: THX

Tàu hàng đang "biến mất" hàng loạt khỏi các hệ thống theo dõi trên thế giới khi hoạt động trong vùng biển Trung Quốc, gây ra cơn đau đầu mới cho chuỗi cung ứng toàn cầu. Nguyên nhân có thể là Bắc Kinh đang ngày càng cô lập đối với phần còn lại của thế giới. Một yếu tố khác là sự ngờ vực gia tăng của Trung Quốc đối với ảnh hưởng của nước ngoài.

Các nhà phân tích cho biết họ bắt đầu nhận thấy sự sụt giảm lưu lượng vận chuyển vào cuối tháng 10, khi Trung Quốc chuẩn bị ban hành luật về quyền riêng tư dữ liệu.

Các công ty dữ liệu vận chuyển thường có thể theo dõi tàu hàng trên thế giới vì chúng được trang bị bộ thu phát Hệ thống Nhận dạng Tự động (AIS). Sử dụng vô tuyến tần số cao, hệ thống này cho phép tàu gửi thông tin, như vị trí, tốc độ, hướng đi, tên..., đến các trạm nằm dọc theo bờ biển. Nếu tàu nằm ngoài phạm vi của các trạm đó, thông tin có thể được trao đổi thông qua vệ tinh.

Tuy nhiên, điều này lại không diễn ra ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đóng vai trò quan trọng trong hoạt động giao thương toàn cầu. Trong ba tuần qua, số lượng tàu hàng gửi tín hiệu từ Trung Quốc đã giảm gần 90%, theo nhà cung cấp dữ liệu vận chuyển toàn cầu VesselsValue.

Phản ứng trước thông tin trên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết các trạm AIS dọc bờ biển nước này được xây dựng theo các hiệp ước quốc tế và "vẫn đang hoạt động bình thường".

Các nhà phân tích cho rằng "thủ phạm" có thể là Đạo luật Bảo vệ Thông tin Cá nhân của Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 1-11.

Luật mới yêu cầu các công ty xử lý dữ liệu phải nhận được sự phê chuẩn của Bắc Kinh trước khi để thông tin cá nhân "rời" khỏi Trung Quốc. Quy định này nêu bật nỗi lo của Trung Quốc, theo đó những dữ liệu nhạy cảm như thế có thể rơi vào tay chính phủ nước ngoài.

Đạo luật không đề cập đến dữ liệu vận chuyển nhưng các nhà cung cấp dữ liệu Trung Quốc có thể đang thận trọng bằng cách giữ lại những thông tin liên quan, theo một số nhà phân tích.

Trong khi đó, một vài đồng nghiệp tại Trung Quốc nói với bà Charlotte Cook, chuyên gia tại Công ty VesselsValue, rằng một số bộ phát đáp AIS đã bị tháo dỡ khỏi các trạm vô tuyến dọc theo bờ biển Trung Quốc vào đầu tháng này theo lệnh của giới chức an ninh quốc gia.

Tàu hàng đột nhiên biến mất hàng loạt tại Trung Quốc - Ảnh 1.

Một cảng container tại TP Thượng Hải - Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Ngay cả khi vệ tinh vẫn có thể được sử dụng để bắt tín hiệu từ tàu, ông Anastassis Touros, chuyên gia tại Công ty Marine Traffic (Hy Lạp), chỉ ra rằng khi tàu ở gần bờ, thông tin thu thập trong không gian sẽ không tốt bằng những gì có thể được thu thập trên mặt đất.

Trong bối cảnh Giáng sinh đang đến gần, việc mất mát dữ liệu vận chuyển từ Trung Quốc đại lục, nơi có 6/10 cảng container nhộn nhịp nhất thế giới, đe dọa gây thêm rắc rối cho ngành vận tải toàn cầu. Theo bà Cook, các công ty vận chuyển dựa vào dữ liệu AIS để dự đoán việc đi lại của tàu, theo dõi xu hướng theo mùa và cải thiện hiệu quả hoạt động của cảng.

Chuyên gia Georgios Hatzimanolis của Marine Traffic cũng cảnh báo việc thiếu dữ liệu về tàu hàng tại Trung Quốc sẽ "tác động mạnh mẽ lên chuỗi cung ứng" vì doanh nghiệp có thể mất thông tin quan trọng về thời điểm tàu cập cảng, dỡ hàng và rời cảng.

Chuỗi cung ứng toàn cầu đang chịu "sức ép lớn" và không cần thêm yếu tố gây khó khăn, ông Hatzimanolis đúc kết.

Một số quan chức hàng đầu Trung Quốc gần đây đã nỗ lực xoa dịu nỗi lo của các nhà đầu tư nước ngoài, theo đó Bắc Kinh đang tự cô lập mình với thế giới khi ưu tiên an ninh quốc gia.

Phát biểu tại một diễn đàn ở Singapore mới đây, Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn tiếp tục trấn an về vấn đề trên, đồng thời kêu gọi các nước bảo đảm chuỗi cung ứng "ổn định và vận hành trơn tru".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại