Tập trung tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng giáo dục lịch sử, truyền thống trong các bảo tàng

Tin: Hà An, ảnh: Minh Khánh |

Đó là tinh thần chỉ đạo của Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng tại buổi làm việc với các Bảo tàng về tình hình thực hiện nhiệm vụ, những vấn đề khó khăn, tồn đọng, cấp bách cần giải quyết diễn ra sáng 4/6, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Cùng dự buổi làm việc có Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch tài chính, Văn phòng Bộ, lãnh đạo các bảo tàng trực thuộc Bộ: Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng giáo dục lịch sử, truyền thống trong các bảo tàng - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, thời gian qua, Bộ trưởng đã chỉ đạo các đơn vị của Bộ tập trung nghiên cứu, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là tiếp cận theo hướng định vị lại chức năng, nhiệm vụ, việc thực thi nhiệm vụ, phát hiện ra những điểm nghẽn, báo cáo với cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Vì vậy, nhiều vướng mắc, khó khăn của các đơn vị đã được báo cáo cấp có thẩm quyền. Gần đây nhất là ngày 2/6, Thủ tướng đã làm việc với Lãnh đạo Bộ VHTTDL, những vấn đề có tính chất điểm nghẽn đã được Thủ tướng cho phép tháo gỡ và có lộ trình thực hiện.

Bộ trưởng khẳng định, Bảo tàng là hệ thống thiết chế cấp quốc gia của Bộ. Trong bối cảnh đại dịch COVDI-19, nhiều khó khăn được đặt ra. Buổi làm việc nhằm nghe những ý kiến, kiến nghị đề xuất của các Bảo tàng để tháo gỡ khó khăn.

Báo cáo tại buổi làm việc của Cục Di sản văn hóa cho biết, thời gian qua, dịch bệnh Covid diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có hoạt động bảo tàng. Tuy nhiên, căn cứ tình hình thực tế, các Bảo tàng vẫn chủ động, linh hoạt để duy trì hoạt động, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19, Bộ Y tế, Bộ VHTTDL và tuân thủ nghiêm các văn bản hướng dẫn của chính quyền địa phương về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Hoạt động các Bảo tàng đã và đang trực tiếp thực hiện công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa, giáo dục truyền thống, tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao tri thức văn hoá, khoa học cho công chúng, góp phần phát triển du lịch.

Trong những năm gần đây, các bảo tàng đã triển khai nhiều hoạt động, từng bước thể hiện tính đổi mới.

Tổ chức, phối hợp tổ chức một số trưng bày chuyên đề với thủ pháp trưng bày hiện đại, thiết kế mỹ thuật hấp dẫn và nội dung sâu sắc nhận được sự quan tâm và đánh giá cao của công chúng. Các bảo tàng cũng tăng cường mở rộng giao lưu, hợp tác, đưa hiện vật ra nước ngoài trưng bày, bảo quản, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người, giá trị văn hóa Việt Nam đến đông đảo bạn bè quốc tế.

Hoạt động giáo dục, truyền thông và thu hút khách tham quan cũng được tăng cường. Các bảo tàng đã tăng cường các hoạt động giáo dục với hình thức phong phú như đa dạng hình thức hướng dẫn tham quan trong bảo tàng, di tích, nói chuyện chuyên đề, phối hợp giảng dạy cho đối tượng tuổi trẻ học đường. Đặc biệt, các bảo tàng còn sáng tạo các hình thức giáo dục di sản văn hóa trực tuyến phục vụ các em học sinh trong giai đoạn dãn cách xã hội do dịch bệnh Covid- 19.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng giáo dục lịch sử, truyền thống trong các bảo tàng - Ảnh 3.

Bộ trưởng chỉ đạo giải quyết những vấn đề tồn đọng trong thực hiện nhiệm vụ của các bảo tàng

Các bảo tàng cũng đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, giới thiệu chương trình hoạt động trên các phương tiện thông tin đại chúng, kết nối với các công ty du lịch, lữ hành, xây dựng các chương trình trải nghiệm di sản văn hóa nhằm thu hút khách tham quan. Từng bước đưa ứng dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động bảo tàng ứng dụng công nghệ trong giới thiệu trưng bày vừa đảm bảo hoạt động phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19, vừa từng bước tiếp cận xu hướng ứng dụng công nghệ của các Bảo tàng hiện đại trong khu vực và trên thế giới.

Chủ động nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ trong việc thực hiện số các hiện vật tiêu biểu của bảo tàng (xây dựng hình ảnh 3D của hiện vật, làm phim giới thiệu sưu tập, tư liệu số các tài liệu, tư liệu liên quan), làm cơ sở cho các hoạt động trưng bày, quảng bá, giáo dục và truyền thông trong tương lai.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bảo tàng đã báo cáo với Bộ trưởng về những kết quả trong thực hiện nhiệm vụ thời gian qua đồng thời thẳng thắn nêu lên những vướng mắc, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ. Trong đó có vấn đề về kinh phí đầu tư cho các bảo tàng ngày càng eo hẹp, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phức tạp và kéo dài, ảnh hưởng đến các hoạt động của các bảo tàng, đặc biệt là nguồn kinh phí thực hiện các hoạt động chuyên môn. Hệ thống trang thiết bị kỹ thuật đã cũ và đang xuống cấp, không đáp ứng yêu cầu công việc. Nguồn kinh phí dành cho sưu tầm còn hạn chế nên kết quả sưu tầm vẫn chưa đạt được như kỳ vọng theo mục tiêu đề ra.

Ghi nhận những nỗ lực vượt khó của các bảo tàng trong thời gian qua, đặc biệt là tác động của dịch Covid, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, qua các buổi làm việc trước đây với một số bảo tàng, lắng nghe những vấn đề thực tế, đến nay đã cơ bản tháo gỡ được những khó khăn về cơ sở vật chất cho các bảo tàng trong thời gian tới.

Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo các bảo tàng với tinh thần suy nghĩ thật, nói thật, hành động thật nói lên những thuận lợi, khó khăn cùng các kiến nghị xác đáng, đảm bảo tính khả thi. "Với tinh thần quyết tâm khắc phục khó khăn, quyết liệt trong hành động, khát vọng cống hiến, mỗi đơn vị cùng Lãnh đạo Bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ trong nhiệm kỳ này. Đặc biệt, các bảo tàng cần có cách nhìn và phương pháp tiếp cận mới để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình"- Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Nhắc lại các nhiệm vụ, chức năng của bảo tàng, theo Bộ trưởng, các bảo tàng đang tập trung vào nhiệm vụ rất quan trọng là phải lưu giữ, bảo quản các giá trị di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam. Đó là nơi để tổ chức giáo dục truyền thống cách mạng, tự hào dân tộc cho nhân dân cả nước và đặc biệt là thế hệ trẻ, thực hiện lời dạy của Bác là "Dân ta phải biết sử ta", qua việc đến bảo tàng. Bảo tàng là một trong những điểm đến của du khách. Thông qua hệ thống bảo tàng, thiết chế văn hóa này góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.

Bộ trưởng đánh giá cao và đồng tình với những nhận định về tinh thần vượt khó của các bảo tàng trong thời gian qua. Các bảo tàng đã bám sát chức năng nhiệm vụ, dành nhiều thời gian, công sức tập trung cho nhiệm vụ trưng bày triển lãm. Những hoạt động này cũng ngày càng có chất lượng, thu hút đông đảo cán bộ, nhân dân và du khách đến tham quan.

Với chức năng giáo dục truyền thống, thời gian qua các Bảo tàng đã chủ động liên kết phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục đào tạo, bồi dưỡng nhiều hơn về tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, phát huy những giá trị văn hóa dân tộc và lan tỏa những giá trị này thông qua các hiện vật, hình ảnh, để bồi đắp, vun đắp tình yêu quê hương đất nước cho các thế hệ. Nhiều bài học ngoại khóa bổ ích đã giúp chúng ta thực hiện được chức năng giáo dục thế hệ trẻ ngày nay.

Trong hoạt động nghiên cứu và sưu tầm dù còn khó khăn kinh phí nhưng có nhiều cách để phát hiện, lưu giữ thêm nhiều hiện vật có giá trị. Đã chủ động khai thác các nguồn lực để nâng cao cơ sở vật chất, chống xuống cấp và từng bước đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, cần phải định vị hệ thống Bảo tàng đang ở đâu. Cần cách tiếp cận mạnh dạn chỉ ra những khuyết điểm, hạn chế. Bộ trưởng cho rằng, khó nhất của là nhận thức trong vấn đề xây dựng bảo tàng theo hướng chuyên nghiệp, có chiều sâu chứ không phải là ngôi nhà để đựng các di tích, các hiện vật mà thiếu đi tính mỹ thuật, thẩm mỹ và vì vậy sức hấp dẫn, lôi cuốn chưa có. Nhiều hiện vật có giá trị không được trưng bày, không được luân chuyển đưa vào kho cất. Nặng về tính bảo quản.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, các bảo tàng còn thiếu những tổng kết, thiếu cơ chế phối hợp với các bảo tàng ở các tỉnh thành.

Bộ trưởng cũng cho rằng, chuyển đổi số là một trong những vấn đề sống còn của các bảo tàng. Tuy nhiên, các bảo tàng còn lúng túng, thực hiện chưa đồng đều.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng giáo dục lịch sử, truyền thống trong các bảo tàng - Ảnh 4.

Toàn cảnh buổi làm việc

Bộ trưởng nhấn mạnh vấn đề liên kết giữa các bảo tàng với các đơn vị của Bộ, các bảo tàng với nhau bên cạnh đó là chú ý công tác truyền thông.

Bộ yêu cầu các bảo tàng nghiêm túc nhìn lại và chuyển hướng trong thời gian tới.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, năm nay là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Bộ đang trình Chính phủ ban hành Chiến lược Phát triển văn hóa, và một số đề án trong Chiến lược này là vấn đề giữ gìn tôn tạo di sản, trong đó có bảo tàng.

Bộ trưởng đề nghị các đơn vị cần suy nghĩ cởi mở, thay vì chờ đợi các chính sách, giao nhiệm vụ có tính chất đặt hàng thì giờ cần phải chuyển hướng theo cách tiếp cận dịch vụ công. Phải quyết liệt để thay đổi trong suy nghĩ, trong nhận thức và cố gắng tìm kiếm các nguồn lực đáp ứng các yêu cầu đặt ra.

Theo đó, phải tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò hay giá trị của tổ chức. Bộ trưởng gợi mở, ví dụ Bảo tàng Mỹ thuật có giá trị cốt lõi là gì, khi xác định được thì tìm ra hướng đi để làm. Phải ưu tiên nhiều hơn cho công tác truyền thông. Đẩy mạnh hơn nữa về giáo dục truyền thống.

Từ những nền tảng đã có, quán triệt lời dạy của Bác phải biến không gian của bảo tàng thành một mô hình ngoại khóa giáo dục ngoài nhà trường. Trước mắt phải ký ngay chương trình phối hợp với Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức các hoạt động ngoại khóa có ý nghĩa.

Tập trung để củng cố, xây dựng các bảo tàng có thương hiệu để trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách. Các bảo tàng phải chủ động ký chương trình phối hợp với Tổng cục Du lịch. Chỉ đạo các đơn vị doanh nghiệp lữ hành xây dựng các tour tuyến đến bảo tàng.

Bộ trưởng cũng yêu cầu, các bảo tàng có kế hoạch luân chuyển hiện vật, định kỳ hằng năm. Định kỳ hoặc nhân các sự kiện chính trị tổ chức cuộc vận động sưu tầm hiện vật theo hướng xã hội hóa. Có cơ chế liên kết, phối hợp với cơ sở để sưu tầm.

Bộ trưởng cũng cho biết, Chính phủ đã đồng ý đề án nâng cấp các bảo tàng. Bộ trưởng yêu cầu, các bảo tàng chủ động phối hợp với BQL dự án, Cục Di sản văn hóa để tham gia từ khâu thiết kế đến tổ chức thi công theo hướng công trình đảm bảo chất lượng kỹ, mỹ thuật đúng quy định, không tiêu cực.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng yêu cầu, cùng với công tác chuyên môn thì các bảo tàng phải khắc phục triệt để những vấn đề đang còn "nợ đọng", vướng mắc thì báo cáo lãnh đạo Bộ trên tinh thần quyết liệt nhất. Từ đó, yêu cầu Giám đốc, tập thể cấp ủy Đảng phải đoàn kết, nỗ lực xây dựng đơn vị, phải quyết liệt trong hành động và khát vọng xây dựng đơn vị không có tiêu cực,thống nhất, dân chủ, kỷ cương kỷ luật.

Bộ trưởng cũng yêu cầu, để hỗ trợ các bảo tàng về cơ chế, giao Cục Di sản văn hóa định kỳ tham mưu lãnh đạo Bộ 3 tháng họp giao ban của khối bảo tàng và di tích do Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực trực tiếp chỉ đạo, họp 6 tháng do Bộ trưởng chỉ đạo để kịp thời rà soát, tháo gỡ vướng mắc./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại