Sáng nay 11-7, tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTV QH) lần thứ 50, trình bày báo cáo thẩm tra báo báo kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 (KT-XH).
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu cho biết diễn biến tình hình kinh tế thế giới tiếp tục giảm đà tăng trưởng; các tổ chức quốc tế đều điều chỉnh hạ thấp dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2016.
Đáng lo ngại, theo ông Nguyễn Văn Giàu, dư luận hết sức quan tâm trong những tháng đầu năm là về một số dự án, công trình quy mô lớn không thể đưa vào hoạt động, không tạo ra tăng trưởng, việc làm, nộp ngân sách nhà nước, thua lỗ nặng nề và nguy cơ phá sản, tổn thất lớn đến tài sản Nhà nước.
Điển hình các dự án của tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước thua lỗ là dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình do Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình - Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) đầu tư với số vốn 12.000 tỉ đồng nhưng qua 4 năm hoạt động, mỗi năm đã lỗ khoảng 2.000 tỉ đồng.
Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ của Công ty Cổ phần Hoá dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đầu tư 7.000 tỉ đồng nhưng đã phải tạm ngừng hoạt động.
Dự án nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất là 1 trong 3 nhà máy ethanol trọng điểm quốc gia với số vốn đầu tư lên đến hơn 2.200 tỉ đồng đã dừng hoạt động.
Đáng chú ý là dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 trên 8.000 tỉ đồng vẫn chưa hoạt động sau 10 năm triển khai.
Nhà máy bột giấy Phương Nam, tỉnh Long An do Công ty TNHH một thành viên Phát triển công nghiệp và Vận tải (Tracodi - tên giao dịch ở thời điểm đó là Công ty Đầu tư Phát triển Giao thông vận tải thuộc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6) đầu tư với số vốn 3.000 tỉ đồng sau 10 năm phải bỏ hoang vì không thể sản xuất được do công nghệ không phù hợp.
Ông Nguyễn Văn Giàu đưa ra một số báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) và Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) đánh giá kết quả trưng cầu dân ý việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) sẽ tác động đến từng quốc gia và nền kinh tế toàn cầu.
Với nước ta, việc đàm phán, ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có thể bị kéo dài do thay đổi một số điều khoản của Hiệp định này. Việc giải quyết và đối phó với tranh chấp chủ quyền ở biển Đông trước và sau khi có phán quyết của Tòa án quốc tế cũng là thách thức trong giai đoạn hiện nay.
Bên cạnh đó, tác động về môi trường ở lưu vực sông Mê Kông là vấn đề cần đặc biệt quan tâm giải quyết.
Ở trong nước, sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại vùng biển các tỉnh miền Trung, tình hình khí hậu diễn biến bất thường, rét đậm ở phía Bắc, hạn hán ở Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, xâm nhập mặn ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và đời sống người dân.
Trong khi đó theo Nghị quyết của QH, năm 2016 GDP tăng 6,7%, kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm chỉ đạt 5,52%, thấp hơn so với mức tăng 6,32% cùng kỳ năm trước, để đạt mức tăng trưởng này, GDP 6 tháng cuối năm phải đạt gần 7,6% là khó khả thi đặc biệt trong bối cảnh không thể nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa trong 6 tháng cuối năm.
Tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm ước đạt 476,8 nghìn tỉ đồng, bằng 47% dự toán, thấp hơn tiến độ thu cùng kỳ năm trước (49%), trong đó thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước chỉ bằng 94,5% so với cùng kỳ năm 2015.
Vốn ODA và vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài giải ngân trong 6 tháng đầu năm đạt khoảng 1,85 tỷ USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước, giải ngân vốn trái phiếu chính phủ ước đạt khoảng 33,2% kế hoạch. Nợ công và nợ bảo lãnh Chính phủ tăng cao.
Nợ xấu ngân hàng đến cuối tháng 4-2016 là 2,81% so tổng dư nợ, tuy nhiên thực chất ở mức cao nếu tính cả nợ chuyển bán sang Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam, đến tháng 5-2016 là 246.986 tỉ đồng (chỉ khoản chuyển này tương đương gần 5% so với tổng dư nợ).