Tập đoàn địa ốc lớn nhất Trung Quốc kinh doanh bết bát cỡ nào?

Song Hy |

Cuộc khủng hoảng thị trường bất động sản Trung Quốc chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khiến tình hình kinh doanh của công ty địa ốc lớn nhất Trung Quốc trở nên sa sút.

Country Garden - nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc thừa nhận doanh thu nửa đầu năm của tập đoàn này có thể giảm tới 70% trong bối cảnh cuộc khủng hoảng bất động sản đang leo thang ở Trung Quốc.

Công ty có trụ sở tại Phật Sơn ước tính lợi nhuận cốt lõi trong 6 tháng đầu năm chỉ vào khoảng 4,5-5 tỷ NDT, giảm mạnh so với mức 15,2 một năm trước.

Giống như nhiều công ty địa ốc danh tiếng khác, Country Garden - hãng bất động sản từng được mệnh danh là "hình mẫu" tại Trung Quốc đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn sau khi Bắc Kinh siết chặt một loạt quy định và doanh số bán nhà giảm mạnh do đại dịch.

Kết quả bết bát

Hôm 17/8, Fitch Ratings hạ bậc tín nhiệm của Country Garden xuống mức rủi ro cao.

Kết quả kinh doanh bết bát của Country Garden ảnh hưởng không nhỏ tới giới lãnh đạo của công ty.

Hồi cuối tháng 7, Bloomberg đưa tin, khối tài sản của Yang Huiyan - đồng chủ tịch Country Garden bị thổi bay một nửa trong 7 tháng.

Tập đoàn địa ốc lớn nhất Trung Quốc kinh doanh bết bát cỡ nào? - Ảnh 1.

Doanh thu nửa đầu năm của Country Garden có thể giảm tới 70%. (Ảnh: Bloomberg)

 Hồi đầu năm, bà Yang trở thành người phụ nữ giàu nhất châu Á với khối tài sản trị giá 23,7 tỷ USD. Tuy nhiên, chỉ trong 7 tháng, con số này giảm hơn một nửa xuống còn 11,3 tỷ USD. Trong đó, chỉ tính riêng trong ngày 27/7, tài sản của bà Yang bị thổi bay 2 tỷ USD.

Các số liệu trên cho thấy cuộc khủng hoảng bất động sản của Trung Quốc đang nghiêm trọng đến thế nào. Doanh số bán nhà tại nền kinh tế thứ 2 thế giới giảm trong suốt một năm qua, giá nhà cũng lao dốc 11 tháng liên tiếp.

Trong dự đoán đưa ra đầu tháng 8, các chuyên gia tại tổ chức xếp hạng tín dụng S&P kết luận doanh số bán bất động sản của Trung Quốc sẽ giảm mạnh hơn nữa so với dự báo ban đầu cho năm nay bất chấp các thông tin cho biết chính phủ đang chuẩn bị một gói cứu trợ cho ngành trị giá 300 tỷ NDT.

Từ đầu tháng 7, người mua căn hộ tại các dự án nhà ở tại hàng chục thành phố Trung Quốc từ chối trả tiền vay ngân hàng khi chủ đầu tư kéo dài thời gian hoàn thành các dự án. 5% dự án nhà ở đã bị tạm dừng thi công và các khoản nợ xấu từ việc từ chối trả tiền vay mua bất động sản có thể lên tới 561 tỷ NDT (83 tỷ USD).

Điều này tạo áp lực lớn các tập đoàn địa ốc vốn phụ thuộc vào số tiền khách hàng trả trước cho các căn hộ để quay vòng vốn kinh doanh.

Khi không thể xoay chuyển tình thế, nhiều công ty rơi vào tình trạng vỡ nợ mà Evergrande, công ty bất động sản lớn thứ hai của Trung Quốc là quân bài đầu tiên sụp đổ trong hiệu ứng domino với quả bom nợ 300 tỷ.

Và mới đây nhất là Country Garden.

Hiệu ứng domino

"Country Garden sẽ không phải trường hợp duy nhất", Shujin Chen - nhà phân tích tại Jefferies Financial Group cho hay.

Bà này cảnh báo sẽ có thêm nhiều tập đoàn địa ốc báo cáo lợi nhuận sụt giảm trong nửa đầu năm vì doanh thu thấp.

Trong phiên giao dịch 18/8, giá cổ phiếu của Country Garden trên sàn Hong Kong giảm 5,6%. Tính từ đầu năm, mã này lao dốc tới 66%.

Country Garden cho biết thu nhập ròng nửa đầu năm của công ty chỉ đạt 200 triệu đến 1 tỷ NDT, giảm mạnh so với mức 15 tỷ NDT cùng kỳ.

Tập đoàn địa ốc lớn nhất Trung Quốc kinh doanh bết bát cỡ nào? - Ảnh 2.

Người mua nhà ở hàng chục thành phố ở Trung Quốc đang từ chối thanh toán khoản vay thế chấp. (Ảnh: Reuters)

Là nhà phát triển bất động sản duy nhất đẩy mạnh phân khúc cấp thấp tại Trung Quốc, Country Garden đang phải đối mặt với bài toàn nhu cầu mua nhà giảm mạnh. Gần 4/5 quỹ đất của công ty nằm ở các thành phố cấp 3 và cấp 4. Người mua nhà tại đây có thu nhập thấp hơn và có rủi ro không trả được nợ cao hơn khi kinh tế đi xuống.

Bloomberg đánh giá các diễn biến hiện tại đang làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc và gây rủi ro nợ xấu với các tổ chức tín dụng. Các ngân hàng vốn đang phải đau đầu vì các vấn đề liên quan tới sức khoẻ tài chính của các chủ đầu tư giờ phải chuẩn bị với khả năng vỡ nợ của những người mua nhà.

Để hạ nhiệt cuộc khủng khoảng hiện tại, Trung Quốc dự tính khởi động một quỹ bất động sản giúp các doanh nghiệp trong ngành giải quyết cuộc khủng hoảng nợ, tạo nguồn thanh khoản lên tới 300 tỷ NDT (44,5 tỉ USD).

Một phần của quỹ sẽ được sử dụng để ngân hàng mua các dự án nhà dang dở và hoàn thành việc xây dựng, sau đó cho các cá nhân thuê để phục vụ nỗ lực tăng số nhà cho thuê của chính phủ.

Ban đầu, quỹ sẽ ở mức 80 tỷ NDT với Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước đóng góp phần lớn trong số đó. Nếu mọi chuyện diễn biến tích cực, các ngân hàng khác sẽ tiếp tục rót thêm tiền vào quỹ này với mục tiêu hiện tại là 200-300 tỷ NDT.

Tuy nhiên giới quan sát lo ngại hàng trăm tỷ NDT trong gói hỗ trợ mới sẽ không thể giải quyết được cuộc khủng hoảng hiện tại bởi các nhà phát triển nhà đất tư nhân chiếm khoảng 70% thị trường và ít nhất một nửa trong số đó đang gặp phải vấn đề thanh khoản.

Ngoài ra, một trong vấn đề quan trọng hiện tại là tâm lý thị trường. Cả người mua nhà và nhà đầu tư đều đang né tránh lĩnh vực bất động sản sau làn sóng vỡ nợ của các chủ đầu tư.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại