Nông trại với tổng diện tích hơn 800m2 của người đàn ông tên Lưu Vĩnh Quân tại thị trấn cổ Liantang, cách trung tâm Thượng Hải hơn 50km là một cơ sở nông nghiệp vô cùng đặc biệt. Tại đây, rau quả không trồng trong đất mà trồng trong sỏi, thân lá xanh tươi, phát triển rất tốt; cá ở đây cũng không nuôi trong ao mà nuôi trong thùng phi khổng lồ trong nhà kính, con nào cũng to béo, khoẻ mạnh.
Mô hình xanh này có tên là "aquaponics", mang lại những ưu điểm vượt trội trong quy trình sản xuất và tạo ra những sản phẩm tốt cho sức khỏe. Cũng nhờ sáng tạo ra mô hình mới, Lưu Vĩnh Quân đã kiếm được rất nhiều tiền, ước tính thu về 36 triệu NDT (hơn 120 tỷ đồng) mỗi năm từ mô hình này.
Chàng trai "sinh ra từ làng" khởi nghiệp thành công với số vốn chỉ 800 NDT
Lưu Vĩnh Quân sinh ra và lớn lên ở một vùng nông thôn thuộc tỉnh Sơn Tây (Trung Quốc). Sau khi tốt nghiệp đại học, chàng trai nghèo ấp ủ hoài bão về một cuộc sống nơi thành thị tấp nập, hiện đại. Năm 2004, Lưu Vĩnh Quân đến Thượng Hải cùng bạn học với số tiền vỏn vẹn 800 NDT vay được với suy nghĩ đơn giản: "Nếu có thể tìm được việc làm, ít nhất bản thân sẽ không bị lạnh hoặc đói. Chỉ cần có thức ăn để ăn, quần áo để mặc và một căn phòng để ở là đủ".
Ngoài sự mong đợi, sau 3 năm chăm chỉ làm việc, Lưu Vĩnh Quân và bạn bè của mình đã thành lập một công ty cảnh quan kết hợp. Công việc kinh doanh thuận buồm xuôi gió, anh nhanh chóng mua nhà, cưới vợ sinh con, có được cuộc sống đầy đủ, hạnh phúc.
Đến năm 2012, Lưu Vĩnh Quân có một hướng đi mới, anh chia sẻ với vợ và bạn bè về kế hoạch trồng rau ở ngoại ô Thượng Hải, sau đó phân phối trong thành thị thì chi phí vận chuyển sẽ thấp hơn nhiều so với việc nhập các loại rau từ nơi khác. Bên cạnh đó, thời gian từ khi trồng đến lúc thu hoạch rau ngắn, quay vòng vốn nhanh.
Ban đầu, mọi người đều phản đối quyết định này bởi đang từ ông chủ, anh lại muốn trở về làm một nông dân. Tuy nhiên, khi nghe Lưu Vĩnh Quân khẳng định rằng bản thân có thể làm tốt vì anh từng lớn lên ở nông thôn, có kinh nghiệm trồng trọt đồng thời đã học qua kiến thức chuyên môn về nông nghiệp nên mọi người dần hết lòng ủng hộ anh.
Có sẵn trong tay 2 triệu NDT, Lưu Vĩnh Quân đã làm quỹ khởi nghiệp và bắt đầu dốc toàn lực cho cuộc thử nghiệm trồng rau của mình. Ngay sau đó, anh bắt tay vào xây nhà kính và trồng rau tại mảnh đất 800m2. Lứa đầu tiên, anh trồng hơn chục giống rau củ cùng một lúc, thế nhưng đến lúc hàng được đem ra thị trường, rau của đều không bán được khiến anh chết lặng và điên cuồng tìm hiểu lý do.
Hóa ra, người Thượng Hải có nhu cầu lớn đối với các loại rau ăn lá, 4 loại rau ưa thích của họ là cải xanh Thượng Hải, rau muống Liantang, cải ngồng và cải thìa, ngoài ra thị trường các loại rau khác không lớn lắm. Thứ hai là người mua thích hợp tác với nhà cung cấp có đủ sản lượng, tốt nhất là có thể cung cấp quanh năm. Nếu chỉ cung cấp được trong thời gian ngắn thì người mua sẽ giảm giá rất nhiều và sẽ không tiếp tục hợp tác.
Nhận ra vấn đề tồn đọng, Lưu Vĩnh Quân liền điều chỉnh chế độ trồng từ đa dạng thành chỉ trồng 4 loại rau mà người Thượng Hải thích mua và mở rộng diện tích trồng để tăng sản lượng và đảm bảo cung cấp quanh năm. Cứ thế từ từ bắt đầu bằng việc tự thân tìm đầu ra, đến sau này khách hàng lớn mới chủ động đến tận cửa thu mua. Năm 2013, anh kiếm được hơn 5 triệu NDT mỗi năm nhờ trồng rau.
Bất chấp mọi khó khăn để trở thành "người tiên phong" với mô hình mới
Năm 2014, sau khi tham dự một cuộc hội đàm đào tạo nông dân và nghe các chuyên gia đề cập đến một thuật ngữ mới "aquaponics", Lưu Vĩnh Quân nhận ra có thể nuôi cá kết hợp cùng trồng rau. Đây mà một hình rất mới lạ tại thời điểm đó. Sau nhiều ngày suy nghĩ, anh cảm thấy rằng sớm muộn gì cũng sẽ có người tiên phong đưa mô hình này phát triển, tại sao người đó không phải là chính mình? Vì vậy, anh ấy đã bắt đầu công việc kinh doanh thứ hai của riêng mình.
Lưu Vĩnh Quân dọn hẳn đến ở cơ sở nông nghiệp để nghiên cứu dự án. Anh bắt đầu thiết kế bản vẽ mỗi đêm, thường xuyên nhốt mình trong văn phòng để nghiên cứu. Sau nhiều lần cải tiến, anh cuối cùng đã phát triển một loại thùng nuôi trồng thủy sản mới. Thiết kế mới có đáy hình phễu để phân cá và đồ thừa có thể thải ra ngoài một cách thuận lợi, sạch sẽ hơn và không để lại các cặn bẩn.
Giải quyết xong vấn đề nuôi cá, anh lại loay hoay với việc nghiên cứu để kết hợp trồng rau. Theo đó, mô hình aquaponics yêu cầu nguồn nước cung cấp cho cá phải sạch, nếu trồng rau trên đất chắc chắn sẽ thất bại. Sau nhiều lần trồng thử nghiệm và học hỏi từ các chuyên gia, anh Lưu quyết định dùng sỏi để thay thế đất.
Cách trồng cũng rất đơn giản, một tay cầm cây rau giống, tay kia xếp sỉ, sau đó cắm cây rau xuống, dùng sỏi đè nhẹ cây rau giống, bộ rễ của cây rau hấp thụ chất dinh dưỡng từ các khe trống trên đó. Sau hai tuần, rau có thể phủ kín toàn bộ bề mặt sỏi, đặc biệt sỏi có thể hút một phần nước, ngay cả khi thời tiết nhiệt độ cao, sỏi có thể cung cấp độ ẩm cho cây rau vào ban đêm.
Bằng cách này, các vấn đề về nuôi cá và trồng rau đã được giải quyết. Anh dần đưa kết quả thử nghiệm của mình vào sản xuất hàng loạt. Tuy nhiên, khó khăn lại ập tới khi năm 2019, đàn cá anh nuôi bắt đầu chết hàng loạt.
Quá hoang mang, Lưu Vĩnh Quân lại đi tìm hiểu, anh nhận ra nguyên nhân của việc cá chết hàng loạt là do đường ống oxy chính bị rò rỉ, thiếu áp suất dẫn đến không cung cấp cung cấp đủ oxy cho cá. Ngoài ra, do mật độ nuôi cao nên toàn bộ số cá chết chỉ trong gần nửa giờ.
Thực ra đây cũng là một vấn đề còn tồn đọng trong mô hình aquaponics, để giải quyết cần phải sử dụng dữ liệu kỹ thuật số để giám sát tình hình nuôi cá trong thùng. Tuy nhiên, lĩnh vực này liên quan đến nhiều chuyên ngành và rất khó để hoàn thành với vốn kiến thức có hạn của bản thân nên Lưu Vĩnh Quân bắt đầu thường xuyên đến các trường đại học và viện nghiên cứu ở Thượng Hải, mời các chuyên gia đến tận nơi để hướng dẫn.
Dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia, anh Lưu đã lắp đặt các đầu dò ở nhiều nơi để thu thập dữ liệu và giám sát trong thời gian thực. Mỗi đầu dò trong thùng có thể theo dõi thời gian thực về nhiệt độ không khí, oxy hòa tan trong nước, độ PH và các dữ liệu khác trong nhà kính, đồng thời gửi tất cả các loại dữ liệu tới nền tảng đám mây.
Khi có sự cố xảy ra với một chỉ số nào đó, báo động tự động sẽ được bật và người quản lý có thể thực hiện các biện pháp ngay khi nhận được thông tin. Trên điện thoại di động cũng có ứng dụng, người quản lý có thể theo dõi hoạt động của căn cứ mọi lúc, mọi nơi. Anh Lưu đã lựa chọn những loại bán chạy nhất như cá rô California và cá vược của Mỹ để làm giống.
Thành công vang dội với kế hoạch "làm giàu mới"
Nhờ có giá trị dinh dưỡng cao, 1kg cá có thể được bán với giá ít nhất 40 NDT giúp tăng đáng kể thu nhập của trang trại. Ông chủ một nhà hàng gần đó sau khi nghe một người bạn giới thiệu về hệ thống aquaponics, đã rất tò mò và đến căn cứ để tham quan. Người này ngay lập tức muốn thỏa thuận hợp tác lâu dài với anh Lưu sau khi ăn thử món cá vược hấp do chính anh làm.
Vào một ngày năm 2020, Lưu Vĩnh Quân nghe được lời từ một vị khách, điều này làm anh nảy ra một kế hoạch làm giàu mới. Vị khách đến thăm nói với ông chủ Lưu: "Anh Lưu, hệ thống aquaponics này rất thích hợp nếu được đưa vào giảng dạy như một môn khoa học trong trường cho các học sinh. Thật tuyệt nếu có một số mô hình nhỏ mà học sinh có thể lắp ráp và tự vận hành”.
Lưu Vĩnh Quân cảm thấy hào hứng vì đã tìm ra hướng phát triển mới. Đây không chỉ mang tính giáo dục mà còn là cơ hội kinh doanh tốt. Nửa năm sau đó, anh đã làm ra một hệ thống aquaponics thu nhỏ. Dưới cùng là bể cá, trên cùng là bể trồng cây dạng ống, dễ lắp đặt và được học sinh và giáo viên đón nhận ngay khi bước vào khuôn viên.
Việc đưa hệ thống aquaponics vào trường học đã mang lại thêm một khoản thu nhập khác cho Lưu Vĩnh Quân bên cạnh công việc nuôi cá, trồng rau. Trong 2020, tổng doanh thu của nông trại đạt hơn 36 triệu NDT.
Giờ đây, cơ sở của anh đã được nâng cấp thành Hợp tác xã chuyên nghiệp Thượng Hải, tại công ăn việc làm cho nhiều người lao động nghèo, khó khăn ở địa phương. Năm 2013, anh được trao giải thưởng Hợp tác xã cấp quận, Hợp tác xã cấp thành phố của Thượng Hải năm 2016 và Hợp tác xã trình diễn quốc gia năm 2021.
(Theo Toutiao)