Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, như một thói quen các gia đình lại chờ đợi chương trình Táo Quân như một món ăn tinh thần.
Táo Quân được khán giả yêu mến vì nó sân khấu hóa những vấn đề xã hội nóng nhất dưới góc nhìn hài hước nhưng không kém phần sâu cay.
Vì thế, đến hẹn lại lên, tối 30 Tết, người dân cả nước lại quây quần bên bàn trà nước để cùng nhau xem chương trình Táo Quân.
Năm nay, với những hình ảnh "nhá hàng" từ trước, Táo Quân 2017 lại tiếp tục khiến nhiều khán giả nôn nóng chờ đợi sau một năm tới tối 30 Tết để xem trên truyền hình.
Lại như mọi năm, Táo Quân 2017 lại tiếp tục đúc kết các vấn đề nóng hổi của năm qua dưới hình thức hài hước. Các vấn đề từ tiêu cực tới tích cực đều được nhìn nhận dưới góc nhìn sâu cay. Nhiều câu châm ngôn sâu cay trong Táo Quân được mọi người chia sẻ và đồng tình.
Khá nhiều người dành lời khen cho biên kịch của Táo Quân 2017 vì kịch bản bám khá sát các vấn đề nóng bỏng. Thậm chí, các vấn đề này được đề cập khá khéo léo để người xem cảm thấy thú vị.
Tuy nhiên, câu chuyện Táo Quân 2016 lại tiếp tục được lặp lại trong Táo Quân 2017. Đó chính là việc quảng cáo quá lố trong chương trình.
Trong suốt thời gian chương trình, người ta thấy sự xuất hiện thường xuyên đến vô duyên của hàng loạt kiểu cách quảng cáo lồng ghép. Chẳng có gì khó hiểu khi ai đó nói rằng, "chưa kịp cười đã phải nghe quảng cáo".
Ngay từ khi chương trình Táo Quân vừa bắt đầu, khán giả đã thấy chản nản với một loạt thông điệp quảng cáo từ vé máy bay cho tới điện thoại rồi ứng dụng điện thoại.
Sự lồng ghép quảng cáo một cách quá lố, khiến người xem cảm thấy bực mình vì tưởng rằng mình đang xem chương trình quảng cáo điện thoại thay vì chương trình Táo Quân. Có người còn than rằng: "Táo Quân ơi, xin đừng thương mại hóa được không?"
Khán giả chỉ biết than rằng: Đừng thương mại hóa Táo Quân được không?
Ngoài những đoạn quảng cáo lồng ghép trong chương trình, thì phần quảng cáo trực tiếp xen ngang lúc phát sóng cũng khá nhiều (chiếm có thể gần nửa thời gian sóng). Để tiếp tục xem chương trình Táo Quân, người xem sẽ phải xem hết khá nhiều đoạn quảng cáo dài. Việc này rất dễ làm ngắt đoạn cảm xúc khi đang xem chương trình của nhiều khán giả.
Khán giả thất vọng về sự chen ngang của các nhãn hàng.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng việc quảng cáo trong các show truyền hình là điều cần thiết đối với bất kỳ chương trình nào. Vì rõ ràng, chương trình nào cũng cần có tài trợ để duy trì.
Tuy nhiên, ở một chương trình mang nhiều ý nghĩa tinh thần như Táo Quân thì có lẽ nên hạn chế bớt việc quảng cáo để cảm xúc và tinh thần được trọn vẹn hơn.
Sau 14 năm phát sóng, Táo Quân vẫn giữ vị trí là một trong những chương trình được chờ đợi nhiều nhất năm. Và tất nhiên, sau khi Táo Quân 2017 kết lại, những ý kiến đằng sau cái hay, cái dở sẽ vẫn còn.
Nhiều người thắc mắc, tại sao Táo Quân hay bị đánh giá nhiều như vậy. Nhưng có lẽ chẳng có gì khó hiểu khi chương trình nào càng được yêu thương, chờ đợi nó càng phải nhận sự khắt khe hơn từ khán giả.
Chúng ta cũng không thể phủ nhận vai trò của chương trình Táo Quân trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam vào dịp Tết đến, xuân về.
Mong Táo Quân những năm sau lại tiếp tục là nụ cười đầy suy ngẫm về một năm đã qua thay vì những đoạn quảng cáo vô duyên, vô cớ.