Tăng trưởng của Trung Quốc năm 2022 thấp nhất trong 4 thập kỷ

HỒNG VÂN |

Các nhà phân tích nhận định tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2022 sẽ ở mức thấp nhất trong 4 thập kỷ. Nguyên nhân là do tác động kép của đại dịch COVID-19 và bất ổn của thị trường bất động sản.

Tăng trưởng của Trung Quốc năm 2022 thấp nhất trong 4 thập kỷ - Ảnh 1.

Nhân viên trên dây chuyền sản xuất các bộ phận cơ khí tại nhà máy của Tập đoàn SMC ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 10-1 - Ảnh: REUTERS

Kinh tế bị COVID-19 làm khó

Mười chuyên gia được Hãng tin AFP phỏng vấn dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới năm 2022 sẽ đạt khoảng 2,7%, giảm mạnh so với mức tăng trưởng hơn 8% của năm 2021. Ngày 20-12, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm 2022 chỉ đạt 2,7%.

Nếu không tính năm 2020 (năm Trung Quốc và toàn thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19), 2022 là năm có tốc độ tăng trưởng chậm nhất của Trung Quốc kể từ mức 1,6% vào năm 1976 - năm Chủ tịch Mao Trạch Đông qua đời.

Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5,5% cho năm 2022, nhưng không đạt được do các biện pháp kiểm soát COVID-19 đã kìm hãm hoạt động sản xuất và tiêu dùng.

Việc kiểm dịch nghiêm ngặt và xét nghiệm bắt buộc diện rộng đã khiến nhiều địa phương phải phong tỏa đột ngột, trong đó có Trịnh Châu, nơi đặt nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới.

Ngày 17-1 tới, Trung Quốc dự kiến công bố mức tăng trưởng quý 4-2022. Nhà kinh tế Zhang Ming thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc ở Bắc Kinh nhận định dù ở tiêu chí tiêu dùng hay đầu tư, tốc độ tăng trưởng đều chậm lại.

Xuất khẩu của Trung Quốc giảm mạnh nhất trong tháng 12-2022 kể từ khi bắt đầu đại dịch và giảm 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi tiêu dùng chìm trong sắc đỏ vào tháng 11 cùng năm và đầu tư cũng chậm lại.

Nhà phân tích Teeuwe Mevissen của Ngân hàng Rabobank cũng cho rằng quý 4-2022 "gần như chắc chắn sẽ suy giảm do COVID bùng phát" ở Trung Quốc.

Năm 2023 sẽ đi lên

Bên cạnh tác động của dịch bệnh, Trung Quốc còn đối diện với nhiều khó khăn ở thị trường bất động sản và xây dựng, vốn chiếm hơn 1/4 GDP của Trung Quốc. Hai lĩnh vực này đã gặp khó kể từ khi Bắc Kinh siết chặt chính sách cho vay để kiểm soát tình trạng đầu cơ tràn lan hồi năm 2020.

Biện pháp này khiến Evergrande, công ty từng đứng đầu ở Trung Quốc về bất động sản, điêu đứng với các khoản nợ khổng lồ.

Doanh số bán bất động sản giảm ở nhiều thành phố. Nhiều nhà phát triển bất động sản phải vật lộn để tồn tại.

Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc dường như đang thực hiện một cách tiếp cận ôn hòa hơn để khôi phục lĩnh vực quan trọng này.

Ngân hàng Thế giới dự báo GDP của Trung Quốc sẽ tăng trở lại ở mức 4,3% năm 2023 dù đây vẫn là một mức thấp với quốc gia hơn 1,4 tỉ dân này.

Tất cả các chuyên gia đều nhận định 2023 là năm kinh tế Trung Quốc chắc chắn đi lên. Tăng trưởng được kỳ vọng sẽ tăng theo từng quý trong năm 2023 và GDP sẽ đạt 5% cho cả năm.

Theo các chuyên gia, thời kỳ khó khăn nhất của nền kinh tế đã qua sau khi Trung Quốc bỏ chính sách Zero-COVID.

Trung Quốc, Hong Kong nối lại tuyến đường sắt tốc độ cao

photo-1

Hành khách tại ga tàu cao tốc Tây Cửu Long, Hong Kong trong ngày đầu tiên nối lại dịch vụ đường sắt đến Trung Quốc đại lục, ngày 15-1 - Ảnh: REUTERS

Ngày 15-1, Trung Quốc lần đầu nối lại tuyến đường sắt cao tốc với Hong Kong sau ba năm đóng cửa do COVID-19.

Nhiều người bày tỏ sự phấn khích và nhẹ nhõm khi có thể dễ dàng về quê hơn trong dịp Tết Nguyên đán đang đến gần. Hiện đang là cao điểm xuân vận của Trung Quốc, diễn ra trong 40 ngày từ 7-1 đến 15-2. Dự kiến có hơn 2,1 tỉ lượt đi lại dịp này.

Theo Hãng tin Reuters, hành khách Mang Lee, 33 tuổi, một trong số hàng chục người đã có mặt để làm thủ tục kiểm tra biên giới tại nhà ga Tây Cửu Long của Hong Kong trước khi lên tàu, cho biết việc nối lại tuyến đường sắt cao tốc giúp mọi người đi lại thuận tiện hơn.

"Trong ba năm qua, do đại dịch, chúng tôi không dễ để vào Trung Quốc theo bất kỳ cách nào. Lâu lắm rồi tôi không được về nhà", anh Lee, người gốc Quảng Châu, chia sẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại