Toàn huyện Đại Lộc có tổng cộng 41 nghìn ngôi nhà thì trong đó có 15 nghìn nhà bị ảnh hưởng do nước lũ với hơn 4.000 nhà ngập sâu trong nước từ nửa mét trở lên. Đây được xem là vùng “rốn lũ” của Quảng Nam.
Theo người dân địa phương, nước lũ bắt đầu dâng cao từ 1 giờ sáng 5.11 và mỗi lúc một lớn hơn. Các xã chịu ảnh hưởng nặng do lũ là Đại Lãnh, Đại Phong.
Một vài nóc nhà còn chới với trong cơn lũ dữ. Ảnh: LP
Các tuyến đường liên xã, tuyến đường tỉnh ĐT 609, ĐT 609B qua nhiều các xã của huyện Đại Lộc ngập sâu trong nước từ 0,5m đến 1m, giao thông trên toàn huyện tê liệt hoàn toàn từ đêm 4.11.
Cụ thể, thôn Tân Hà, Hoằng Phước Bắc của xã Đại Lãnh là ngập sâu 1,5m; các thôn Phú Phong, Trà Đức của xã Đại Tân là ngập 1m; thôn Mỹ Hảo của xã Đại Phong ngập sâu 1,5m. Đặc biệt, nhiều ngôi nhà dọc sông Vu Gia ngập gần hết trong nước lũ.
Đến chiều tối 5.11, nhận được tin bão có đợt lũ đặc biệt lớn đang tràn về, các thủy điện tăng lưu lượng xả, hàng nghìn hộ dân tại huyện Đại Lộc lại trắng đêm tất bật dọn dẹp đồ đạc, kê cao tài sản để tránh bị lũ cuốn, làm hư hỏng.
Đến sáng 6.11, theo ghi nhận, mực nước tại một số khu vực trong vùng “rốn lũ” đã xuống khoảng 0,2m. Tuy nhiên, nước vẫn còn lớn và cô lập nhiều vùng quê.
Theo Đại úy Lê Phan Minh Mẫn - Đội trưởng Đội CSGT đường thủy, Phòng CSGT tỉnh Quảng Nam, năm nay, lượng mưa lớn khiến lượng nước các thủy điện xả về nhiều nên gây ngập nhanh.
Công tác phòng chống lũ năm nay được thực hiện hiệu quả. Khi nhận được tin bão, các địa phương đã chủ động di dời đồ đạc, tài sản.
Từ chiều tối 5.11, nhận được thông tin thủy điện tăng cường xả lũ cùng với mưa lớn, người dân trắng đêm dọn lũ để kịp con nước lớn đổ về.
“Đến hiện tại, nước lũ vẫn dâng cao nên chưa thống kê được thiệt hại. Nếu có thiệt hại là do dân dọn lũ không kịp, tài sản bị ướt, gia súc gia cầm bị chết, bị cuốn trôi” – ông Mẫn nói.